Hội nhập khu vực và quốc tế: Ngân hàng có đủ tự tin vươn ra “biển lớn”?

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 09:15, 26/05/2016

(BKTO) - Trong bối cảnh hội nhập khuvực và quốc tế ngày càng sâu rộng, ngân hàng liệu có đủ năng lực cạnh tranh vàtự tin vươn ra “biển lớn”? Câu hỏi này từng được đặt ra nhiều lần trước khiViệt Namgia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và ký kết các hiệp định thương mại tự do(FTA) thế hệ mới. Ở thời điểm này, khi hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đứngtrước những cơ hội và thách thức trong bối cảnh hội nhập mới, câu hỏi ấy lạitiếp tục được đặt ra.



Khả năng đáp ứng hệ số an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn quốc tế của các ngân hàng hiện đang gặp nhiều khó khăn, Ảnh: TL
Tự tin bước vào cuộc cạnh tranh mới

Trả lời cho câu hỏi trên, tại Tọa đàm: “Cơ hội, thách thức và giải pháp chiến lược cho ngành Ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập mới” diễn ra trong khuôn khổ Banking Việt Nam 2016 vừa qua, nhiều chuyên gia đã đưa ra nhận định lạc quan về khả năng cạnh tranh của các ngân hàng nội khi Việt Nam gia nhập AEC và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trước hết, quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011 - 2015 đã góp phần giúp số lượng các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm đi 17 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép; tỷ lệ nợ xấu từ 17% (năm 2012) đến nay đã giảm xuống dưới 3%, vốn chủ sở hữu 9 ngân hàng yếu kém trong diện tái cơ cấu đã tăng lên 18%. Sau quá trình tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã củng cố một bước về vốn, công nghệ, quản trị cũng như chất lượng nguồn nhân lực. Bởi vậy, dù hoạt động ngân hàng vẫn còn nhiều thách thức phía trước nhưng Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Xuân Hòe tin rằng với những kết quả đạt được trong quá trình tái cơ cấu, ngân hàng Việt Nam có thể tự tin bước vào cuộc cạnh tranh mới.

Nhìn từ lĩnh vực thanh toán thẻ, bán lẻ, ông Phạm Tiến Dũng- Chủ tịch Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống của các ngân hàng Việt Nam. Để có thể hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, các ngân hàng đang tích cực chuẩn hóa về tiêu chuẩn thẻ chip và hướng tới đẩy mạnh thanh toán hơn 90 triệu thẻ nội địa. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn thực hiện nâng cấp về mặt kỹ thuật. Đặc biệt, để đáp ứng được các dịch vụ về thanh toán bán lẻ theo hình thức đa kênh, đa phương tiện và trải rộng tới phạm vi các ngân hàng, trung gian thanh toán, Thống đốc NHNN đã chủ trương xây dựng trung tâm thanh toán bù trừ điện tử bán lẻ. “Với những khởi động tích cực trong việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ vào hoạt động quản trị, kinh doanh, các ngân hàng có thể tự tin vững bước trong hành trình hội nhập”- ông Phạm Tiến Dũng nhận định.

Nhân thêm năng lực và niềm tin trong hội nhập

Tự tin bước vào cuộc cạnh tranh mới trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng là điều cần thiết đối với cộng đồng DN Việt Nam nói chung và các ngân hàng nói riêng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giai đoạn 2016 – 2020, hệ thống Ngân hàng Việt Nam sẽ phải tiếp tục đối diện với nhiều cơ hội và thách thức từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là áp lực cạnh tranh từ các ngân hàng nước ngoài. Để nhân thêm năng lực và tự tin hơn trong hội nhập, các ngân hàng cần chủ động, kịp thời triển khai những giải pháp phù hợp.

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng chính là tiềm lực tài chính. Theo ông Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, bài toán tăng vốn điều lệ vẫn rất nan giải đối với nhiều ngân hàng. Với mức tăng vốn điều lệ còn khiêm tốn như hiện nay, khả năng đáp ứng hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo chuẩn quốc tế của các ngân hàng vẫn vô cùng khó khăn. Bởi vậy, thời gian tới, Chính phủ cần có giải pháp giúp các ngân hàng tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, việc tìm kiếm, khai thác các giải pháp, dịch vụ ngân hàng hiện đại, phù hợp với điều kiện của hệ thống ngân hàng được coi là một trong các nhân tố có tính chất quyết định sự thành công trong quá trình hội nhập. Theo ông Phạm Xuân Hòe, trong giai đoạn phát triển mới, thước đo năng lực cạnh tranh của các ngân hàng không phải là ngân hàng lớn với nhiều chi nhánh. Trái lại, những ngân hàng nhỏ nhưng biết chọn chiến lược tốt, có những nhà đầu tư tiềm năng và bước đi thích hợp, tiến nhanh vào những thị trường, những phân khúc khách hàng có thể ứng dụng ngay mobile banking (dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động) thì sẽ nâng cao sức cạnh tranh.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đưa ra thông điệp, trong đó nhấn mạnh lấy người dân và DN làm đối tượng phục vụ thay vì là đối tượng chịu quản lý. Theo quan điểm của các chuyên gia, đó là tư duy quan trọng trong bối cảnh hội nhập hiện nay và điều này cũng chứng tỏ sự quyết liệt của Chính phủ trong đổi mới, cải thiện môi trường kinh doanh cho DN. “Bởi vậy, phải đổi mới triệt để tư duy làm chính sách nhằm tạo sân chơi bình đẳng và hành lang pháp lý thuận lợi cho các ngân hàng hoạt động, giúp ngân hàng nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế”- ông Phạm Xuân Hòe kiến nghị.
NGỌC MAI