Kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Đối nội - Ngày đăng : 16:10, 04/04/2019

(BKTO) - Sáng 4-4, tại tỉnh Thái Nguyên, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4-4-1949/ 4-4-2019) và khánh thành bia di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.


Dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thuận Hữu, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân; Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.

                    
Kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
Nhà báo Thuận Hữu đọc diễn văn kỷ niệm.

Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, đồng chí Thuận Hữu nhấn mạnh: Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là điển hình của cách dạy và học nghiêm túc dù trong hoàn cảnh kháng chiến vô cùng khó khăn. 42 học viên và 29 giảng viên thực sự là hạt nhân của báo chí cách mạng; họ đã góp phần to lớn làm nên những trang sử vẻ vang của báo chí nước nhà trong suốt 70 năm qua... Từ dấu son này, đến nay, chúng ta đã có hơn 10 cơ sở đào tạo báo chí trình độ đại học, trên đại học, hơn 900 cơ quan báo chí. Với việc công nhận di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, thời gian tới đây, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai sưu tầm các tư liệu và giữ gìn, phát huy giá trị của địa chỉ đỏ này.

                    
Kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
Tái hiện hoạt động của lớp học trong buổi lễ.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng tri ân và ôn lại sự ra đời, quá trình hoạt động đào tạo của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Trường được thành lập ngày 4-4-1949. Đây là nơi đầu tiên và duy nhất dạy làm báo trong thời kỳ kháng chiến ở Việt Nam. Trường thực hiện việc đào tạo học viên trong 3 tháng. Lúc bấy giờ lớp học được mở với 42 học viên. Trong 3 tháng hoạt động, lớp học có 29 giảng viên trực tiếp giảng dạy. Trong đó có các đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi... Các học viên được học nhiều chuyên đề như: Xã luận, viết tin chiến sự trên báo chí... Lớp học được coi là điển hình trong học đi đôi với hành, lý thuyết gắn với thực hành. Lớp học bế mạc ngày 6-7-1949.

                    
Kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
Cắt băng khai mạc gian trưng bày chuyên đề “70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng".
                    
Kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
Các đại biểu trò chuyện tại buổi lễ.

Ngày 28-3-2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 1182/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Cùng với di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đã nâng số di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên lên 49. Trong đó có 5 di tích là nơi thành lập các cơ quan báo chí Việt Nam gồm: Hội Nhà báo Việt Nam; Báo Nhân Dân; Báo Quân đội nhân dân; Báo Văn nghệ cứu quốc và Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã cắt băng khai trương gian trưng bày chuyên đề 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.


Theoqdnd.vn