Để các doanh nghiệp thuộc các trường đại học trở thành “cầu nối” đưa công nghệ vào cuộc sống

Đối nội - Ngày đăng : 08:05, 08/04/2019

(BKTO) - Thời gian qua, các DN, trung tâm khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc trường đại học (ĐH) đã và đang trở thành cầu nối quan trọng góp phần đưa các nghiên cứu ứng dụng vào thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập vẫn gặp nhiều rào cản cần sớm được tháo gỡ.


Mô hình hay, song hiệu quả chưa cao

Trong khi liên kết giữa trường ĐH và DN ở Việt Nam để chuyển giao những kết quả nghiên cứu vào cuộc sống vừa yếu lại vừa thiếu thì việc trường ĐH chủ động tự thành lập hoặc tham gia góp vốn thành lập trung tâm, DN KH&CN để đẩy nhanh quá trình chuyển giao này là một động thái đáng mừng. Sự ra đời của Nghị định số 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập (Nghị định 115) mở ra hành lang pháp lý quan trọng cho các tổ chức này hoạt động.

Trên thực tế, dù mới đi vào hoạt động chưa lâu, song kết quả mà các tổ chức này mang lại bước đầu được xã hội thừa nhận. Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP. HCM), đến nay, đã có 7/9 trung tâm chuyển sang hoạt động theo Nghị định 115 (1 trung tâm đã được chuyển đổi thành DN). Nhiều tổ chức đã có bước phát triển đột phá về mặt doanh thu. Chỉ trong vòng 5 năm (2013-2017), doanh thu của các đơn vị tăng gấp 2,5 lần, từ 74,5 tỷ đồng lên 182 tỷ đồng. Qua đó, NSNN đã giảm chi đáng kể cho các tổ chức này. Quan trọng hơn, các tổ chức đã góp phần chuyển giao thành công hàng trăm công trình nghiên cứu vào thực tiễn.

Được thành lập từ năm 2004, đến nay, Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên thuộc Trường ÐH Khoa học Tự nhiên (ÐH Quốc gia Hà Nội) đã chứng tỏ vai trò cầu nối giữa nghiên cứu cơ bản và cuộc sống thông qua việc ký kết, đưa vào ứng dụng hàng trăm dịch vụ khoa học, chuyển giao công nghệ với các đối tác như: công nghệ gốm sứ đổi màu ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, xử lý nước thải ở Tổng công ty Xăng dầu Hà Nội; phân tích mẫu, xử lý môi trường tại Khu công nghiệp Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), xây dựng bản đồ điện tử biển Vịnh Bắc Bộ...

Các tổ chức nghiên cứu đang trở thành cầu nối đưa nghiên cứu ứng dụng đi vào cuộc sống - Ảnh: V.Loan

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các tổ chức này thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc cần được tháo gỡ. Điển hình như tại Trường ĐH Bách khoa TP. HCM, trong số các trung tâm được chuyển đổi mô hình theo Nghị định 115, có gần một nửa số trung tâm đang hoạt động cầm chừng, thậm chí là thua lỗ. Số lượng kết quả nghiên cứu được thương mại hóa còn ít, vì vậy, các trung tâm không có nguồn thu hoặc nguồn thu rất hạn chế để thực hiện cơ chế tự chủ theo đúng tinh thần của Nghị định 115.

Tương tự, Trường ĐH Kinh tế TP. HCM tham gia góp vốn thành lập 2 DN, song từ nhiều năm nay, cả 2 DN này đều không phát sinh hoạt động tài chính. Còn theo đánh giá của KTNN tại thời điểm năm 2017, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội góp vốn thành lập Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội tổng số tiền hơn 41 tỷ đồng, tuy nhiên, việc nộp lợi nhuận về Trường chưa được thực hiện đầy đủ. Trong khi đó, việc thực hiện mục tiêu ứng dụng chuyển giao và ươm tạo công nghệ từ Trường cho DN thấp và chưa đạt hiệu quả đề ra.

Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách

Theo đánh giá của KTNN, mặc dù Nhà nước đã có chủ trương cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập thành lập DN nhằm thực hiện hoạt động ứng dụng triển khai thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều bất cập giữa chủ trương, cơ chế và thực hiện của đơn vị. Điển hình là việc quỹ cơ quan, đơn vị không có quy định sử dụng nguồn quỹ cho hoạt động góp vốn thành lập DN, dẫn đến những rủi ro cho các đơn vị trong việc quản lý.

Đại diện lãnh đạo KTNN chuyên ngành III cũng cho biết, khó khăn lớn nhất đối với các tổ chức KH&CN trong việc thực hiện tự chủ là vướng mắc về cơ chế, chính sách. Những khó khăn này đang trở thành rào cản khiến cho các đơn vị, dù được giao tự chủ nhưng không thể thực hiện được theo đúng chức năng quy định; hoặc nếu “vượt rào” để hoạt động hiệu quả hơn thì sẽ bị các cơ quan chức năng “tuýt còi”.

Bên lề Hội thảo: “Cơ chế tự chủ đối với các trường ĐH công lập - Vấn đề đặt ra và vai trò của KTNN” do KTNN tổ chức mới đây, những bất cập trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các tổ chức KH&CN thuộc trường ĐH cũng được đại diện nhiều trường phản ánh. Theo đại diện Trường ĐH Bách khoa TP. HCM, một trong những bất cập nổi bật là sự thiếu đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật. Cụ thể, Nghị định 115 cho phép tổ chức KH&CN công lập được dùng quyền sử dụng đất để góp vốn, liên doanh, liên kết, sản xuất kinh doanh, thế chấp vay vốn ngân hàng, nhưng trên thực tế, điều này không thực hiện được do vướng quy định của Luật Đất đai.

Trong khi đó, lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng thừa nhận, các tổ chức KH&CN thuộc Trường đang gặp khó trong việc vừa đảm bảo kinh phí chi thường xuyên, vừa phải thực hiện chức năng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Do đó, Nhà nước cần triển khai một cách thực chất chính sách đặt hàng, giúp cho các tổ chức nghiên cứu có thêm nguồn hỗ trợ hợp pháp.

Từ thực tế khó khăn tại các đơn vị vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng, cần điều chỉnh một số quy định như: cho phép tổ chức KH&CN được dùng quyền sử dụng đất để góp vốn, liên doanh, liên kết, sản xuất kinh doanh phù hợp với quy định của Luật Đất đai; cho phép tổ chức KH&CN được quyền thành lập, sáp nhập, giải thể các đơn vị trực thuộc phù hợp với quy định hiện hành... Bên cạnh đó, cũng giống các DN KH&CN khác, DN nghiên cứu thuộc trường cũng cần có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa, đặc biệt là trong việc tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng; đảm bảo được thuê đất với mức giá thấp...

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 14 ra ngày 04-4-2019