Hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 14:00, 20/10/2016

(BKTO) - Mới đây, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với BộNông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đã tổ chức Diễn đàn Nôngdân Việt Nam 2016 với chủ đề: “Nông dân toàn cầu - từ tư duy đến hành động”. TạiDiễn đàn này, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận làviệc tìm giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhậpquốc tế sâu rộng hiện nay.


DN còn nhiều trăn trở

Theo ông Võ Quan Huy - Nông dân Việt Nam xuất sắc của tỉnh Long An, để sản xuất, DN nông nghiệp chủ yếu tập trung vào 4 trụ cột: tư liệu sản xuất, vốn, công nghệ và thị trường. Trong đó, tư liệu sản xuất lớn nhất nông dân phải có là đất đai. DN chúng tôi hiện đang canh tác trên 1.000 ha, đa phần là đất khai hoang và mua lại của nông dân. Bên cạnh đó, vốn đầu tư đối với các DN vừa và nhỏ cũng là một vấn đề lớn.

Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý gọn nhẹ cho DN đầu tư vào nông nghiệp Ảnh: TK

Để thay đổi công nghệ phải đầu tư hàng tỷ đồng, làm nhà kính phải từ 50 triệu đồng/m2. Người nông dân rất khó vay được số tiền lớn như vậy để triển khai. Về thị trường, để sản xuất hàng hoá đáp ứng thị trường phải có tiêu chuẩn. Người nông dân phải thay đổi tư duy, sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, người tiêu dùng chấp nhận. Muốn vậy, Nhà nước phải kiến tạo, tạo ra những liên kết để người nông dân là một mắt xích trong chuỗi. “Những việc này đều rất khó khăn nên người làm chính sách hãy đi xuống cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân thì mới dần dần tháo gỡ được” - ông Huy nhấn mạnh.

Chia sẻ rằng, hiện nay Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình đã cơ bản thiết lập được mối liên kết với nông dân trong sản xuất lúa giống, nhưng đại diện Tổng Công ty đánh giá: nhìn chung, DN vẫn chưa xây dựng được cơ chế liên kết rộng khắp và hiệu quả. Đề cập đến thực tế tiếp cận đất đai trong đầu tư sản xuất nông nghiệp, đại diện DN này còn cho biết: “Đi đâu cũng thấy nói cần bỏ hạn điền, nới rộng chính sách đất đai, nhưng thực tế thì rất khó tổ chức thu gom đất sản xuất. Trong khi đó, làm nông nghiệp không thể làm trong 3 năm được, nhất là đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Chúng tôi rất mong có cơ chế hợp tác rộng mở để đồng hành cùng bà con nông dân sản xuất hiệu quả”.

Ở một góc độ khác, theo bà Mai Thị Nhung - Nông dân Việt Nam xuất sắc của tỉnh Nam Định, để hội nhập quốc tế, việc đào tạo người nông dân là rất quan trọng. Bà Nhung cho biết, thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, DN đã tích tụ được hơn 42 ha đất. Trên diện tích này, DN đã tái cơ cấu cây trồng, xây dựng hệ thống thuỷ lợi, lắp đặt máy móc, điện, đường. Hiện, DN đã tuyển chọn 40 nông dân và hướng dẫn họ thành một công nhân - nông dân, để làm việc có hiệu quả cho công ty. Nhưng họ là những lão nông chi điền, tư duy vẫn chưa bắt kịp. Đòi hỏi phải có sự hướng dẫn của đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ. Cùng với đó, Nhà nước cần tạo cơ chế, hành lang pháp lý gọn nhẹ cho DN đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả. Đầu tư nông nghiệp rất rủi ro, nếu không có tâm huyết, quyết tâm không thể làm được.

Thích ứng với những thách thức của hội nhập

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới đã mang lại nhiều vận hội lớn cho kinh tế đất nước nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, đặc biệt là với ngành nông nghiệp. Để từng bước hạn chế những thách thức đó, cần sớm tìm ra giải pháp giải quyết 2 vấn đề cốt lõi là năng suất thấp - rủi ro cao và sản xuất nhỏ - thị trường lớn. Đồng thời, giải quyết những điểm nghẽn là vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng hoá trên thị trường…

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, về chiến lược, nông nghiệp Việt Nam phải phát triển theo hướng tăng nhiều hơn về giá trị và giảm về chi phí đầu vào. Muốn làm được như vậy, Chính phủ phải kiến tạo chính sách, tạo không gian công bằng, thông thoáng cho “các nhà” cùng tham gia vào kinh doanh nông nghiệp. Phải có một cơ chế chính sách đất đai khác đi để nông dân, DN tích tụ ruộng đất; bảo hộ quyền sử dụng đất đai mạnh mẽ nhất cho nông dân, DN. Chính phủ cũng phải bỏ nhiều tín dụng hơn cho nhà khoa học nghiên cứu, cho nông dân, DN phát triển sản xuất. Ngoài ra, Chính phủ phải thể hiện hiệu quả vai trò giám sát, mở rộng quan hệ quốc tế nhằm gỡ bỏ những rào cản, đảm bảo các yếu tố hợp tác quốc tế trong khai thác các nguồn tài nguyên (như tài nguyên nước)…

Nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường, GS.TS Nguyễn Quốc Vọng - Đại học RMIT (Úc), cho rằng, để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, Việt Nam phải xây dựng và làm theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đó không chỉ là yêu cầu đặt ra của các siêu thị ở châu Âu, châu Á, mà GlobalGAP là xu thế tất yếu của thị trường quốc tế. Việt Nam đã ban hành tiêu chuẩn VietGAP vào năm 2008, nhưng đến cuối năm 2011 mới có chưa đến 15.000 ha ứng dụng VietGAP, chưa đủ để đáp ứng yêu cầu. “Chúng ta cần nhận thức đầy đủ rằng, yêu cầu xây dựng tiêu chuẩn GAP không phải của Chính phủ, của các Bộ, ngành mà là yêu cầu của thị trường đối với sản xuất nông nghiệp, với nông dân. Chúng ta không thể tìm cách tránh né mà phải thực hiện tốt các yêu cầu đó” - ông Nguyễn Quốc Vọng nhấn mạnh.

Nhằm tăng cường tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Tiết Văn Thành, khẳng định, Agribank sẽ dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch” trong thời gian tới. Đối tượng của chương trình là các DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn.
THANH TÙNG