Tăng vốn điều lệ: Ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 13:00, 20/10/2016
(BKTO) - Quá trình tái cơ cấu và hội nhậpkhu vực cũng như quốc tế đòi hỏi nhiều ngân hàng phải tăng vốn điều lệ để nângcao năng lực cạnh tranh, đủ sức vươn ra biển lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, kếhoạch tăng vốn điều lệ của các ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn.
Tăng vốn điều lệ là cần thiết
Bà Nguyễn Thùy Dương - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ tài chính, ngân hàng thuộc Công ty TNHN Ernst & Young Việt Nam - từng nhận định, vốn điều lệ lớn sẽ là tấm nệm đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng khi hội nhập sâu rộng. Tương tự, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, vốn điều lệ là nguồn lực quan trọng, tạo điều kiện để ngân hàng mở rộng mạng lưới và phạm vi hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tính đến hết quý III, mới chỉ có 4/17 ngân hàng hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ Ảnh: TK
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, năng lực tài chính của các ngân hàng Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện có trên 10 ngân hàng có mức vốn điều lệ chỉ 3.000 - 4.000 tỷ đồng. Ngay cả ngân hàng lớn nhất hệ thống với mức vốn điều lệ chưa đến 50.000 tỷ đồng, kém xa so với quy mô của một ngân hàng trung bình trong khu vực. Bởi vậy, theo các chuyên gia, để có thể tăng cường tiềm lực tài chính, đủ sức cạnh tranh và đứng vững trong hội nhập, các ngân hàng Việt Nam phải tăng mạnh vốn chủ sở hữu.
Mặt khác, mục tiêu tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra trong tương lai giảm bớt số lượng ngân hàng để lành mạnh hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động. Do vậy, một trong những giải pháp giúp các ngân hàng không bị xóa tên trên thị trường chính là tăng vốn điều lệ.
Thêm nữa, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) là một trong những chỉ số hết sức quan trọng để đánh giá năng lực tài chính của TCTD. Các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện có tỷ lệ CAR ở mức thấp so với nhiều ngân hàng của các nước trong khu vực ASEAN. Chính vì vậy, để nâng cao năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh trong khu vực cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn về quản trị rủi ro, các ngân hàng bắt buộc phải tăng vốn, nhất là 10 ngân hàng đang thí điểm áp dụng Hiệp ước do Uỷ ban Basel về giám sát ngân hàng thiết lập (Basel II).
Bên cạnh đó, trong bối cảnh NHNN đang đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm, tăng vốn còn giúp ngân hàng mở rộng hạn mức tín dụng với khách hàng, bổ sung vốn cho vay trung, dài hạn, tạo thuận lợi cho DN vay vốn.
Ngân hàng vẫn gặp khó khi tăng vốn
Tăng vốn điều lệ để tăng khả năng cạnh tranh và tồn tại là điều cần thiết đối với các ngân hàng hiện nay. Từ kết quả kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, đại diện KTNN chuyên ngành VII đã chỉ rõ: Việc mở rộng quy mô, nâng cao hệ số an toàn sử dụng vốn đòi hỏi các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn gặp nhiều khó khăn.
Sự kiện Bộ Tài chính yêu cầu Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Công thương (Vietinbank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) trả cổ tức bằng tiền mặt để bổ sung vào NSNN trong tháng 6 vừa qua cho thấy kế hoạch tăng vốn điều lệ của các ngân hàng không dễ thực hiện. Theo lý giải của 2 ngân hàng này, việc không trả cổ tức bằng tiền mặt nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về vốn, đảm bảo mục tiêu hoạt động. Mặt khác, trả cổ tức bằng tiền mặt vào thời điểm đó có thể gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực, làm suy giảm nghiêm trọng hệ số CAR của ngân hàng. Rõ ràng, trong bối cảnh hội nhập với áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, quá trình gia tăng năng lực tài chính để đáp ứng các chuẩn mực quốc tế của các ngân hàng Việt Nam vẫn rất gian nan.
Minh chứng nữa cho thấy kết quả tăng vốn điều lệ của các ngân hàng chưa được như mong đợi là ngay từ đầu năm, mặc dù 17 nhà băng đã đặt mục tiêu tăng vốn với tổng mức tăng gần 50 nghìn tỷ đồng nhưng tính đến hết quý III, mới chỉ có 4/17 ngân hàng hoàn thành kế hoạch. Đơn cử, Vietinbank đưa ra kế hoạch tăng vốn thêm gần 32%, lên mức 49.000 tỷ đồng từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa thành công. Tại một số ngân hàng vừa và nhỏ như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), mặc dù NHNN đã chấp thuận tăng vốn lên 4.000 - 4.500 tỷ đồng nhưng những nhà băng này cũng chưa thực hiện được.
Như vậy, từ nay đến cuối năm, để có thể cán đích mục tiêu đặt ra, không ít ngân hàng sẽ phải bước vào cuộc đua tăng vốn. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, nếu không cẩn thận, ngân hàng dễ rơi vào tình trạng tăng vốn ảo, dẫn đến sở hữu chéo, nợ xấu và nhiều rủi ro khác. Bởi vậy, cùng với việc nỗ lực tăng vốn điều lệ, các ngân hàng cũng phải nâng cao quản trị rủi ro, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững.
THÀNH ĐỨC