Mô hình trại sáng tác nghệ thuật: “Bỏ thì thương, vương thì tội!”
Xã hội - Ngày đăng : 13:00, 20/10/2016
(BKTO) - Mô hình trại sáng tác nghệ thuật(trại sáng tác) đang đứng trước hai sự lựa chọn, hoặc phải đổi mới để tồn tại,hoặc phải xóa bỏ sau một thời gian dài hoạt động kém hiệu quả gây lãng phí đầutư của Nhà nước và xã hội.
Hiệu quả chưa tương xứng
Mô hình trại sáng tác mang tính bao cấp được cho là đã lỗi thời, không còn phù hợp trong bối cảnh mới, tuy nhiên, bỏ hay giữ mô hình này đang là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội và giới sáng tác.
Các nghệ sĩ bên tác phẩm điêu khắc tại trại sáng tác Quảng Trị Ảnh: NGUYÊN BẢO
Trung bình mỗi năm, các hội văn hóa, nghệ thuật địa phương được đầu tư khoảng 400 triệu đồng để tổ chức trại sáng tác. Mức đầu tư dành cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trực thuộc các Bộ, khối lực lượng vũ trang còn lớn hơn rất nhiều. Điều đáng nói, dù nhận được kinh phí đầu tư từ ngân sách cũng như các nguồn đầu tư xã hội khác, nhưng hiệu quả của mô hình này được cho là chưa tương xứng.
Tại Hội thảo “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động sáng tác của văn nghệ sĩ tại các nhà sáng tác” do Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật vừa tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, công tác tổ chức trại sáng tác tại các nhà sáng tác hiện nay còn đại trà, lạc hậu; trại sáng tác chỉ thu hút các văn nghệ sĩ già, đã nghỉ hưu, chưa thực sự trở thành nơi tổ chức sáng tác đúng nghĩa. Theo nhà văn Trung Trung Đỉnh, đây là mô hình có tính bao cấp dành cho văn nghệ sĩ hiếm hoi vẫn còn hoạt động hiện nay. Đáng tiếc là nhiều văn nghệ sĩ, đặc biệt là người trẻ lại không còn hứng thú với mô hình này. Ông nêu quan điểm: “Bây giờ tôi thấy trại sáng tác không cần thiết. Trại viết biến thành trại an dưỡng cho một số nhà văn già”. Nhà văn này cũng cho rằng, việc xây dựng các nhà sáng tác thời gian qua cũng là sự lãng phí lớn và không cần thiết.
Nhà văn Dương Hướng lại cho rằng, mặc dù quy định về việc tham gia trại sáng tác cũng có đề cập đến trách nhiệm của người tham gia là phải hoàn thành tác phẩm nhưng kết quả không đạt thì cũng không có chế tài xử lý. Về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Ngàn - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật - thừa nhận: Thực tế hiện nay, các đơn vị tổ chức chưa coi trọng việc nghiệm thu sản phẩm ban đầu, công tác tổng hợp đánh giá chất lượng tác phẩm qua từng đợt sáng tác còn thiếu làm hạn chế sức lan tỏa, tính hấp dẫn cho mỗi lần mở trại sáng tác.
Bỏ hay giữ?
Nhìn lại chặng đường tồn tại của mô hình trại sáng tác những năm gần đây, nhiều nghệ sĩ cùng chung quan điểm: Việc tiêu tốn tiền tổ chức trại, nhiều tác giả lại không có tác phẩm, hoặc sản phẩm thu hoạch được lại không đi vào cuộc sống là quá lãng phí! Nhà phê bình Ngô Thảo thẳng thắn: “Thực tế, những sáng tác ở trại chưa thấy có tác phẩm nào ra hồn cả. Việc duy trì hình thức sáng tác này là lãng phí”. Do đó, ông đề xuất nên xóa trại sáng tác: “Trại sáng tác là tàn dư của thời bao cấp. Vấn đề cần hiện nay là vốn sống, cái tích lũy của người nghệ sĩ chứ không phải chỗ để sáng tác. Nên chuyển phần tiền đầu tư cho trại sáng tác vào việc khác, ai có dự án sáng tác thì xem xét đầu tư cho người ta, như vậy hiệu quả hơn”.
Từng tham gia Ban chấp hành của Hội Nhà văn Việt Nam, đơn vị đã tổ chức nhiều trại sáng tác, nhưng nhà văn Ma Văn Kháng chia sẻ: “Tôi chưa tham gia trại sáng tác bao giờ, ngoài những lần đến với trách nhiệm là người tổ chức”. Những tiểu thuyết nổi tiếng “Đồng bạc trắng hoa xòe”, “Mùa lá rụng trong vườn”, “Đám cưới không có giấy giá thú”…, theo nhà văn đều không được “thai nghén” từ trại.
Họa sĩ Vy Kiến Thành cho rằng, không nên nghĩ đến chuyện xóa bỏ trại sáng tác, mà nên nghĩ cách để thay đổi cách làm, còn như hiện tại sẽ gây cảm giác không hiệu quả. “Nói chung, trại sáng tác chưa đúng nghĩa của khu sáng tác - một bà đỡ cho tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời” - ông Thành nhấn mạnh.
Trước ý kiến của nhiều chuyên gia, nghệ sĩ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của các trại sáng tác vừa qua. Thứ trưởng cho rằng, sự tồn tại của các trại sáng tác là cần thiết, nhưng cần phải đổi mới cách thức tổ chức, thay vì cách làm cũ kỹ, theo lối mòn trước đây. Hướng đi của trại sáng tác trong tương lai gần được ông Biên gợi mở, đó là: “Phải tính ngoài việc mời các nghệ sĩ đến đó, mỗi người có không gian riêng để sáng tạo thì còn cần cung cấp thông tin cho họ. Thí dụ, một trại viết về chiến tranh cách mạng, nên mời cựu chiến binh đã từng vào sinh ra tử ở các chiến trường để người ta kể lại những kỷ niệm, cung cấp thêm cho các nghệ sĩ, biết đâu từ những câu chuyện ấy gợi ra nhiều điều cho người sáng tác”.
NGUYỄN LỘC