Hội thảo về cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực KTNN góp phần phòng, chống tham nhũng

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 15:00, 11/04/2019

(BKTO)- Nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán, trong đó tập trung vào vấn đề kiểm soát quyền lực, trên cơ sở đó giúp Đảng, Chính phủ, các địa phương kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, sáng 11/4, tại Hà Nội, KTNN đã tổ chức Hội thảo “Cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước góp phần phòng, chống tham nhũng- Thực trạng và giải pháp hoàn thiện”.


Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh và PGS,TS. Nguyễn Đình Hòa- quyền Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đồng chủ trì Hội thảo.
                
   

Ban điều hành Hội thảo- Ảnh: N.LỘC

   

Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu đại diện cho các cơ quan của T.Ư Đảng, các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương, các Trường đại học, các Viện nghiên cứu; các chuyên gia, nhà khoa học… và các đơn vị trực thuộc KTNN.

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh cho rằng, tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Tham nhũng không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước mà còn làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, suy giảm niềm tin, cản trở các nỗ lực giảm nghèo và phát triển quốc gia.
                
   

Quang cảnh Hội thảo- Ảnh: N.LỘC

   

Nhận thức sâu sắc những tác hại nghiêm trọng của tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn chú trọng đến việc phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng và đã coi công cuộc phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, trong những năm qua, đặc biệt là từ khi thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, KTNN đã xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào những vấn đề được Quốc hội, Chính phủ và xã hội đặc biệt quan tâm, các lĩnh vực trọng yếu dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí như: Đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, các dự án BT, BOT, hệ thống ngân hàng thương mại với phương châm phòng là chính.

Đồng thời, KTNN cũng tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán, đôn đốc thu hồi nhanh chóng, dứt điểm tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát. Bên cạnh đó, việc công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN được thực hiện định kỳ, có định hướng đã tạo được dư luận tốt. KTNN cũng đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành và địa phương không phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật. KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân nhiều vụ việc; chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan điều tra.
                
   

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh phát biểu tại Hội thảo- Ảnh: N.LỘC

   

Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị được kiểm toán thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhất là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, nghiêm minh và kịp thời. Việc khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán phục vụ cho công tác điều hành, kiểm tra, giám sát vẫn còn hạn chế. Cơ chế phối hợp công tác giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát chưa thật hiệu quả, đôi khi còn trùng lặp, chồng chéo.

Ngoài những nguyên nhân trên, kết quả KTNN phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí ngân sách, tiền và tài sản nhà nước còn hạn chế còn do Quy trình, chuẩn mực và phương pháp của kiểm toán chỉ dựa trên hồ sơ là chủ yếu, mặt khác do Kiểm toán viên nhà nước chưa được đào tạo đầy đủ về pháp luật để nhận biết các dấu hiệu tham nhũng nên hạn chế trong việc phát hiện và đấu tranh với các hành vi tham nhũng.

Do đó, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh đề nghị Hội thảo tập trung thảo luận làm rõ một số vấn đề lý luận về quyền lực và kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng; làm rõ vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực góp phần phòng, chống tham nhũng, thực trạng việc kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán cũng như thực trạng thi hành các quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng tại KTNN trong thời gian qua. Đồng thời chia sẻ các bài học, kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng của các cơ quan Kiểm toán tối cao và những gợi mở cho Việt Nam, cũng như làm rõ các vướng mắc, bất cập đối với cơ chế giám sát, phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu nhấn mạnh, thực chất tham nhũng là xoay quanh vấn đề quyền lực và sự tha hóa quyền lực, không có tha hóa quyền lực thì khó có tham nhũng xảy ra...
                
   

Đông đảo đại biểu tham dự Hội thảo-Ảnh: N.LỘC

   

Theo Điều 8 Hiến pháp 2013 thì quyền lực được kiểm soát bằng pháp luật và giám sát của Nhân dân, đồng thời cơ quan quyền lực tự đấu tranh chống tham nhũng lãng phí. Cụ thể: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”.

TS. Vũ Đình Ánh- chuyên gia kinh tế nhận định, về bản chất, lợi dụng quyền lực chiếm đoạt tài sản công gọi là tham nhũng. Nói cách khác, tham nhũng gắn liền với quyền lực và tài sản công. Từ các quy định của Hiến pháp có thể thấy Quốc hội đóng vai trò quan trọng và cao nhất trong kiểm soát quyền lực nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng.

Dẫn quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của kiểm tra, kiểm soát giúp Đảng và Nhà nước nắm chắc được tình hình lãnh đạo, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước trong hiện thực cuộc sống, TS. Đỗ Đức Quân - Trưởng khoa Kinh tế chính trị (Học viện Chính trị khu vực I) nhấn mạnh: “Người cho rằng, có kiểm soát mới biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu, mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ quan, mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết. Muốn chống bệnh quan liêu bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm cho qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định sẽ bớt đi”.
                
   

TS. Đỗ Đức Quân (Học viện Chính trị khu vực I) tham luận tại Hội thảo-Ảnh: N.LỘC

   

Tại Hội thảo, các đại biểu đều nhấn mạnh vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực để góp phần phòng, chống tham nhũng. Trong đó, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN đã tập trung nêu rõ thực trạng việc kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN.

         
Từ năm 2013- 2017, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý hơn 195.000 tỷ đồng; chuyển hàng chục vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra, cung cấp nhiều bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng. Năm 2018, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 89.600 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, thay thế 115 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hàng chục tập thể và cá nhân.
Đặc biệt, các đại biểu đều cho rằng, cần phải phát huy hơn nữa vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực góp phần phòng, chống tham nhũng. Theo quy định hiện hành, hoạt động của KTNN là đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính công, tài sản công hoặc báo cáo tài chính liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; việc chấp hành pháp luật và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. “Quy định này giúp Quốc hội kiểm soát tốt hơn việc sử dụng tài chính, NSNN và tài sản công của cơ quan hành pháp, tư pháp” - PGS,TS. Nguyễn Vũ Hoàng- Tạp chí Cộng sản, nhấn mạnh và cho rằng vai trò quan trọng của KTNN là không thể phủ nhận.

Tại đây, các đại biểu cũng tập trung làm rõ các vấn đề về lý luận, đề xuất các giải pháp giúp cho các cơ quan nhà nước hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực, đồng thời giúp KTNN hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, Quốc hội và Nhân dân.

Kết luận Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh khẳng định, các bài tham luận cũng như các ý kiến phát biểu, thảo luận đã chỉ ra rằng kiểm soát quyền lực có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước và đảm bảo tính liêm chính của bộ máy nhà nước.

Từ nghiên cứu, trao đổi của các đại biểu về thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng và vai trò của KTNN thời gian qua, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh đã tổng hợp, ghi nhận 07 giải pháp nhằm phát huy vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực góp phần phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới. Những đề xuất này sẽ được KTNN nghiên cứu, tiếp thu để có nhiều đổi mới, sáng tạo một cách khoa học và ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.

H.THOAN- N.LỘC