Đời sống của công nhân lao động ngành may còn nhiều khó khăn

Kinh tế - Ngày đăng : 09:10, 12/04/2019

(BKTO) - Đây là thông tin được chia sẻ tại "Hội thảo thu nhập của lao động ngành may mặc ở Việt Nam-Thực trạng và giải pháp" diễn ra chiều 11/4, tại Hà Nội. Hội thảo do Trung tâm phát triển và Hội nhập (CDI); Oxfam tại Việt Nam phối hợp tổ chức.


                
   

Toàn cảnh hội thảo

   
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, theo khảo sát, 69% công nhân trong ngành may mặc cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình, 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương, 68% hiếm hoặc chưa bao giờ có thời gian rảnh để đi thăm người thân và bạn bè...

Tiền lương không đủ sống đã dẫn đến hàng loạt hệ lụy đối với người lao động như: 65% công nhân thường xuyên làm thêm giờ, 22% không sử dụng thời gian nghỉ giữa giờ, 69% lao động hay bị mắc các chứng bệnh đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, tụt huyết áp...

Theo khảo sát riêng của CDI tại Hải Phòng và Đồng Nai, lương cơ bản của công nhân may đạt khoảng 5,1 triệu đồng, chiếm tới 64% tổng thu nhập. Các khoản phụ cấp, lương tăng ca, thưởng khác chiếm 36% tổng thu nhập. Đây là khoản có thể bị trừ hoặc không nhận được vào những giai đoạn ít việc.

Lương thấp có thể dẫn tới các hệ lụy như giảm năng suất, tỷ lệ tai nạn lao động, phân biệt đối xử, bạo lực, quấy rối và cả những hệ lụy về mối quan hệ gia đình, giáo dục con cái, chăm sóc sức khỏe lâu dài...
                
   

Diễn giả trao đổi tại hội thảo

   
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2018 ngành may có 84 cuộc đình công, chiếm tỷ lệ 39,25% các cuộc đình công của cả nước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ vấn đề tiền lương.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận về thực trạng trả lương trong ngành may mặc, những rào cản của việc trả lương đảm bảo nhu cầu sống cơ bản của người lao động.

Các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ bất cập trong vấn đề tiền lương, như: Nâng cao công tác hiệu quả quản lý nhà nước về tiền lương, đề cập đến trách nhiệm xã hội của DN, khách hàng và nhãn hàng quốc tế, đảm bảo quyền lợi cơ bản của người lao động trong chuỗi cung ứng. Đồng thời, đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn, tăng cường đối thoại, thương lượng về tiền lương...

Tin và ảnh: NGUYỄN LỘC