Ngăn nguy cơ gia tăng điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

Đầu tư - Ngày đăng : 10:25, 12/04/2019

(BKTO) - Theo Cục Phòng vệ Thương mại (PVTM)- Bộ Công Thương, tính hết năm 2018 đã có 144 vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có 19 vụ việc mới được khởi xướng. Để hạn chế nguy cơ các vụ việc PVTM gia tăng, cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp.


Gia tăng số vụ việc điều tra PVTM

Hiện nay, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia điều tra PVTM nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (27 vụ việc), tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ (21 vụ việc), Ấn Độ (17 vụ việc) và EU (14 vụ việc).
                
   

Cơ cấu quốc gia khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (đơn vị: %)

   
Trong số 144 vụ việc điều tra PVTM, có 81 vụ việc về chống bán phá giá, 30 vụ việc tự vệ có liên quan đến hàng hóa Việt Nam, 14 vụ việc trợ cấp và 19 vụ việc chống lẩn tránh thuế.
                
   

Cơ cấu vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (đơn vị: %)

   
Như vậy so với số lượng 13 vụ việc PVTM được khởi xướng năm 2017 thì số lượng các vụ việc PVTM đã tăng thêm xấp xỉ 50% trong năm 2018 với 19 vụ việc (trong đó có 6 vụ việc chống bán phá giá, 7 vụ việc tự vệ, 4 vụ việc chống trợ cấp và 2 vụ việc chống lẩn tránh thuế).

Điều đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu tiên năm 2018 mới chỉ có 8 vụ việc được khởi xướng, tuy nhiên trong 6 tháng tiếp theo đã khởi xướng thêm 11 vụ việc. Trong số 19 vụ việc PVTM mà các nước điều tra với Việt Nam năm 2018 thì có tới 10 vụ là với sản phẩm thép (chiếm 52,6%).

Đặc biệt, sau khi Hoa Kỳ áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu thép theo mục 232 Đạo luật Mở rộng thương mại, các nước EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Liên minh kinh tế Á- Âu đã tự khởi xướng điều tra tự vệ đối với một loạt các sản phẩm thép nhập khẩu để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước nguy cơ chuyển hướng thương mại do các biện pháp của Hoa Kỳ.

Thêm vào đó, các nước như Canada, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia cũng đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp với một số sản phẩm thép của Việt Nam. Bên cạnh các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, thép cũng đang là đối tượng của nhiều vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế. Tính đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra 19 vụ việc chống lẩn tránh thuế, trong đó có 8 vụ việc liên quan đến sản phẩm sắt, thép.

Cần thận trọng trong cấp phép đầu tư

Cục PVTM rằng, trong bối cảnh dư thừa công suất toàn cầu của một số ngành và xu hướng gia tăng điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM, các cơ quan quản lý Nhà nước cần thận trọng trong việc cấp phép đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, vào những ngành mà trong nước đã dư thừa công suất.

Đối với các doanh nghiệp, Cục PVTM khuyến cáo, cần thận trọng trong việc tăng công suất, tránh đầu tư ồ ạt, đặc biệt là đầu tư để phục vụ xuất khẩu, tránh để tăng trưởng phụ thuộc vào xuất khẩu, đặc biệt trong một số ngành sắt thép, nhôm.
                
   

Thép là một trong những ngành hàng có nguy cơ bị kiện PVTM cao nhất (Ảnh minh họa)

   
Trong xu thế bảo hộ gia tăng, đặc biệt là các diễn biến nhanh, khó lường của tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần tăng cường công tác nghiên cứu, cập nhật các thay đổi về chính sách thương mại, quy định của các nước, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu lớn; phân tích tác động của các thay đổi này tới sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam để có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng có liên quan cần đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm để có biện pháp cần thiết hạn chế thiệt hại từ các vụ kiện PVTM của nước ngoài. Bởi khu vực thị trường tự do mà Việt Nam tham gia sẽ ngày càng mở rộng với việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/01/2019.

Tuy nhiên, khi thuế quan được xóa bỏ thì sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp sẽ ngày càng lớn. Do đó, cùng với hàng rào kỹ thuật, hàng rào PVTM được dự báo là “lá bài” chủ chốt các nước sẽ sử dụng để bảo vệ sản xuất trong nước.

Chủ động ứng phó, liên kết và hợp tác để xử lý kịp thời

Theo ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục PVTM, trong bối cảnh các nước tăng cường bảo hộ, đưa ra nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn hiện tượng chuyến hướng xuất khẩu, các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cảnh báo sớm thông qua việc thu thập, cập nhật số liệu xuất khẩu vào các thị trường xuất khẩu chính, từ đó phân tích, cảnh báo tình hình tăng trưởng xuất khẩu nóng, dẫn tới nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM.

Lãnh đạo Cục PVTM nhấn mạnh, việc cảnh báo cần đảm bảo sự trao đổi thông tin xuyên suốt giữa cơ quan quản lý với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp thông qua hình thức điện tử, ấn phẩm, báo cáo cập nhật… Ngoài ra, cơ chế cảnh báo sớm cũng cần theo dõi tình hình nhập khẩu, đầu tư nước ngoài trong những lĩnh vực liên quan để cung cấp thông tin, giúp đưa ra kiến nghị chính sách kịp thời.

Tăng cường cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cũng là một biện pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác kháng kiện, cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong việc trao đổi thông tin, thảo luận, xây dựng chiến lược kháng kiện, thường xuyên cập nhật diễn biến để có phương án xử lý kịp thời.
                
   

Đa dạng hóa sản phẩm và đa phương hóa thị trường xuất khẩu là một giải pháp hữu hiệu với doanh nghiệp

   
Để chủ động trong xử lý các vụ việc điều tra PVTM, ông Lê Triệu Dũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và đa phương hóa thị trường xuất khẩu, tránh tập trung xuất khẩu lớn vào một thị trường. Đồng thời, nâng cao nhận thức về nguy cơ bị khiếu kiện tại các thị trường xuất khẩu và cơ chế điều tra, áp dụng của từng loại biện pháp, nhóm thị trường và loại mặt hàng thường bị kiện; có kế hoạch chủ động phòng ngừa và xử lý vụ kiện PVTM khi xây dựng chiến lược xuất khẩu.

Bên cạnh đó, việc phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp có cùng mặt hàng xuất khẩu để có chương trình, kế hoạch đối phó chung đối với các vụ kiện và thuê chuyên gia tư vấn và luật sư trong những tình huống cần thiết, cũng như giữ liên hệ chặt chẽ và kịp thời thông tin đến các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại để các cơ quan này bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho doanh nghiệp cũng là những giải pháp xử lý tình huống hết sức thiết thực.

QUỲNH ANH