Thấy gì qua trận lũ lịch sử miền Trung
Xã hội - Ngày đăng : 13:00, 20/10/2016
(BKTO) - Trong những ngày qua, cả nước cùng hướngvề “khúc ruột” miền Trung, nơi đang đối mặt với trận lũ lụt lịch sử. Nhìn vàonhững tổn thất, mất mát quá lớn mà đồng bào miền Trung đã phải gồng mình gánhchịu, một lần nữa chúng ta lại đặt ra câu hỏi: Vì đâu mà hậu quả nặng nề nhưvậy?
Mất rừng đầu nguồn
Những trận mưa dồn dập gây ra lũ lụt nghiêm trọng đã ập xuống người dân 5 tỉnh miền Trung. Đây được coi là trận lũ lịch sử với lượng mưa đo tại trạm khí tượng Đồng Hới (Quảng Bình) ngày 14/10 lên tới 747mm, vượt xa kỷ lục cũ là 555mm (ngày 9/10/1995). Theo thống kê, tính đến chiều 17/10, trận lũ đã có hàng chục người thương vong và mất tích, hơn 100.000 ngôi nhà bị nhấn chìm trong nước, hàng trăm nghìn ha hoa màu bị hư hại, nhiều gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi... Những con số thống kê đầy đủ về thiệt hại vẫn còn tăng lên, gây ảnh hưởng lâu dài. Do nhiều tuyến đường bị chia cắt nên người dân ở các tỉnh miền Trung đang ra sức chống chọi với lũ lụt, đã xuất hiện tình trạng đói khát ở một số vùng bị lũ cô lập.
Những quả “bom nước” khổng lồ từ các nhà máy thủy điện đang đe dọa cuộc sống của người dân miền Trung Ảnh: TK
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ riêng Tây Nguyên, 30 năm qua, đã mất hơn 1,5 triệu ha rừng. Đáng báo động, từ năm 2010-2015, trữ lượng rừng của khu vực này giảm hơn 57 triệu m3. Nguyên nhân chính do lâm tặc tàn phá và cả chuyện “ăn rừng” của hệ thống thủy điện.
Thật đáng buồn là với sự xuất hiện ngày càng bất thường, dồn dập của thiên tai và lặp lại trong thời gian dài nhưng chúng ta lại không có một tiến bộ nào trong việc phòng, chống, ngoài phương án khắc phục và cứu trợ, thực chất đó chỉ là phương án giải quyết hậu quả bão, lũ.
Những quả “bom nước”
Bên cạnh yếu tố thiên tai bất thường, thì việc lũ lên nhanh khiến người dân không kịp trở tay có sự đóng góp không nhỏ từ việc xả lũ bất ngờ của thủy điện. Đây không phải là điều mới mẻ vì đã có nhiều trận lũ xảy ra những năm trước mà nguyên nhân đến từ thủy điện, năm nay đến lượt thủy điện Hố Hô được “điểm mặt, chỉ tên”. Mới đây, tổ công tác của Bộ Công Thương đã có kết luận ban đầu về thông tin Nhà máy Thủy điện Hố Hô gây ngập ở huyện Hương Khê - Hà Tĩnh. Rõ ràng, thiên tai vốn đã khủng khiếp, người dân vùng hạ du còn đối mặt với “nhân tai”. Đó chính là sự xả lũ mà không báo trước, hoặc có báo thì thời gian cũng không đủ để người dân kịp trở tay. “Nhân tai” hòa vào thiên tai tạo ra sức công phá ghê gớm đối với cuộc sống, tính mạng, tài sản của người dân. Việc làm thủy điện tràn lan, thậm chí nhiều bậc thang trên một hệ thống sông đã dẫn đến hệ quả phá rừng làm hồ tích nước, xả lũ để cứu đập, cứu nhà máy bất chấp hàng vạn hộ dân dưới hạ du. Cứ như vậy “những quả bom nước khổng lồ” từ các nhà máy thủy điện đang treo trên đầu những hộ dân, đe dọa cuộc sống, sản xuất của họ và trách nhiệm nếu thảm họa có xảy ra cũng chỉ là một câu “xả đúng quy trình”.
Đất nước không thể thiếu điện! Điện phải đi trước đón đầu để đón công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng chuyện phát triển thủy điện ồ ạt không theo một quy hoạch tổng thể hợp lý thì lại là thảm họa. Nhiều ý kiến cho rằng: Đã đến lúc cần rà soát quy hoạch thủy điện các lưu vực sông và quy trách nhiệm cụ thể cho từng nhà máy thủy điện trong việc vận hành nhà máy, điều tiết lũ. Phải đặt tính mạng và tài sản của người dân lên trên lợi ích của các nhà máy thủy điện. Rõ ràng, đây là điều cần làm, bởi nước ta vốn đã nhiều thiên tai, đừng để “nhân tai” làm hậu quả người dân phải gánh chịu thêm nặng nề.
HOÀNG LONG