Dự án Xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 5: Kỳ II - Tích cực trong quản lý chất lượng công trình nhưng chưa đảm bảo cơ cấu nguồn vốn đầu tư Dự án
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:35, 16/04/2019
(BKTO) - Kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 5 (Dự án) của KTNN cho thấy, chủ đầu tư và các đơn vị cơ bản thực hiện quản lý chất lượng công trình, quản lý chi phí đầu tư Dự án theo các quy định của Nhà nước ban hành qua các thời kỳ, nhưng vẫn còn một số bất cập, hạn chế cần khắc phục.
Quản lý chất lượng công trình theo đúng quy định
Trong quản lý chất lượng công trình, chủ đầu tư và các nhà thầu đã thực hiện theo các quy định hiện hành. Các vướng mắc và vi phạm trong quá trình thi công đều được chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan lập Biên bản hiện trường yêu cầu nhà thầu khắc phục, xử lý. Chủ đầu tư ký hợp đồng tư vấn giám sát Dự án với Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3. Tổng thầu đã thành lập Ban Điều hành Dự án để thực hiện hợp đồng đã ký, hằng tháng, tư vấn giám sát và nhà thầu thực hiện chế độ báo cáo chủ đầu tư về tình hình thực hiện gói thầu. Định kỳ, cơ quan thường trực Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng thi công tại công trường, góp phần giúp chủ đầu tư, tư vấn giám sát, các nhà thầu thực hiện đúng theo các quy định của Nhà nước ban hành qua các thời kỳ về công tác quản lý chất lượng công trình.
Theo KTNN, qua công tác kiểm tra hiện trường một số công tác thi công tại hạng mục xây lắp như: nhà máy, đê quây dọc và cống dẫn dòng, công trình phụ trợ… cho thấy, công tác thi công cơ bản phù hợp với biên bản nghiệm thu, hồ sơ hoàn công.
Liên quan đến công tác quản lý chi phí đầu tư, KTNN đánh giá, cơ bản các gói thầu, hạng mục chi phí đầu tư thuộc Dự án được lập, phê duyệt dự toán theo quy định của các nghị định của Chính phủ; thông tư hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình của Bộ Xây dựng; định mức, đơn giá do Bộ Công Thương ban hành áp dụng qua các thời kỳ. Việc áp dụng định mức và đơn giá cũng như các chế độ chính sách liên quan đến các gói thầu của Dự án phù hợp với các quy định của Nhà nước ban hành cho từng thời điểm thực hiện. Hồ sơ nghiệm thu, hoàn công, giá trị nghiệm thu, thanh toán giữa chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án (QLDA) và các nhà thầu lập về cơ bản phù hợp với các quy định trong hợp đồng đã ký giữa các bên.
Tuy nhiên, KTNN chỉ rõ vấn đề tồn tại là chủ đầu tư chưa thống nhất với nhà thầu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt tỷ lệ % chi phí nhà tạm thực tế đã được quy định trong phụ lục Hợp đồng để làm căn cứ thanh toán chi phí lán trại phục vụ thi công.
KTNN cũng nêu rõ, chủ đầu tư, Ban QLDA chưa thực hiện kiểm tra, yêu cầu nhà thầu Tổng thầu thi công thực hiện tuân thủ theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Công văn số 1228/BCT-TCNL ngày 06/02/2013 chấp thuận về nguyên tắc cho phép áp dụng tỷ lệ khấu hao 95% trong công tác sản xuất bê tông đầm lăn, đồng thời cũng chưa thực hiện tính toán, phân tích, đánh giá hiệu quả kinh tế mang lại cho Dự án khi thực hiện tỷ lệ khấu hao này theo như quy định của Bộ Công Thương tại Công văn trên…
Chưa đảm bảo quy địnhvề cơ cấu các nguồn vốn
Về việc bố trí vốn cho Dự án, theo Quyết định phê duyệt, chủ đầu tư được sử dụng 3 nguồn vốn cho Dự án, gồm: vốn tự có, vốn vay (vay Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, vốn nhàn rỗi của Tổng công ty Điện lực - TKV, vay nước ngoài) và vốn khác (tiền hoãn thuế, lãi tiền gửi). Qua kiểm tra, KTNN nhận thấy các nguồn vốn huy động cho Dự án về cơ bản đã đảm bảo tính hợp pháp và phù hợp với Quyết định đầu tư cũng như cơ chế quản lý tài chính của Tập đoàn TKV đối với các dự án đầu tư trong ngành. Nguồn vốn vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh thực hiện theo quy định tại Điều 33 Luật Quản lý nợ công, Nghị định số 15/2011/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 09/2004/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, Ban QLDA sử dụng tiền hoàn thuế đã được Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng hoàn thuế Giá trị gia tăng để thanh toán cho Dự án. Tại thời điểm kiểm toán, chủ đầu tư đang tiếp tục giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài số tiền còn lại 33 triệu USD/200 triệu USD để tiếp tục thanh toán cho các hợp đồng đã ký với các nhà thầu.
Tuy nhiên, công tác huy động nguồn vốn thực tế phục vụ cho thanh toán đến thời điểm 31/12/2015 tại Dự án, theo đánh giá của KTNN, là chưa đảm bảo quy định về cơ cấu các nguồn vốn theo như Quyết định phê duyệt Dự án. Cụ thể, thực tế giải ngân nguồn vốn vay là 3.525,4 tỷ đồng, chiếm tới 84,66%, vượt 4,66% so với quy định (80%); nguồn vốn khác thực hiện giải ngân là 351,4 tỷ đồng (đạt 8,43%) và nguồn vốn tự có thực hiện giải ngân là 290,5 tỷ đồng (chỉ đạt 6,97%). Nguồn vốn khác và nguồn vốn tự có tính đến ngày 31/12/2015 giải ngân mới chỉ đạt 15,4% là thấp hơn so với quy định (20%) dẫn đến làm tăng chi phí đầu tư do phải trả thêm chi phí lãi vay đối với khoản vay nước ngoài. Thực tế, do bố trí vốn chủ sở hữu không đủ cơ cấu phê duyệt nên tính đến thời điểm kiểm toán, đơn vị đang phải dùng vốn vay để trả lãi các khoản vay, thuế, phí số tiền 150,3 tỷ đồng.
Cùng với đó, đơn vị đã hạch toán vào chi phí đầu tư khoản trả lãi vay ngắn hạn 2,8 tỷ đồng, mà theo như chủ đầu tư báo cáo là do phải tạm thời huy động các nguồn sản xuất kinh doanh của các nhà máy khác thuộc sự quản lý của Tổng công ty Điện lực - TKV ở giai đoạn ban đầu khi chưa thu xếp được các nguồn vốn cho Dự án.
Liên quan đến công tác giải ngân, KTNN đánh giá, Dự án được giải ngân kịp thời, chủ đầu tư và Ban QLDA cùng các đơn vị có liên quan đã thực hiện đúng các quy định về công tác tạm ứng, thanh toán cho các nhà thầu khi có khối lượng hoàn thành được xác nhận nghiệm thu. Việc thanh toán cơ bản theo giá trị trúng thầu và các điều khoản Hợp đồng, phù hợp với chứng từ chi phí. Tại thời điểm 31/12/2015, đơn vị đã giải ngân 100% số vốn được sử dụng cho Dự án. Tuy nhiên, KTNN phát hiện và chỉ ra rằng, số vốn giải ngân cho Dự án đến ngày 31/12/2015 là 4.167,2 tỷ đồng - mới đạt 94,53% giá trị khối lượng hoàn thành được nghiệm thu.
Về công tác quản lý công nợ, theo KTNN, đối với các nhà thầu thi công, các khoản mục chi phí cơ bản đảm bảo đúng theo quy định. Tuy nhiên, KTNN xác định, nợ phải trả đối với các nhà thầu thi công đến 31/12/2015 số tiền 353,3 tỷ đồng (tương ứng 7,98% giá trị thực hiện) và giá trị còn phải thu hồi tạm ứng 59,4 tỷ đồng (tương đương 1,44% số tiền giải ngân). Nguyên nhân của việc còn để xảy ra nợ đọng là do chủ đầu tư chưa bố trí đủ vốn để thanh toán; một số nhà thầu chưa thể hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu thanh toán theo đúng quy định của Hợp đồng xây lắp và các quy định hiện hành có liên quan trong nghiệm thu, thanh toán.(Còn tiếp)
ĐỨC HUY
Theo Báo Kiểm toán số 15 ra ngày 11-4-2019