Chấn chỉnh hoạt động liên doanh, liên kết tại các đơn vị sự nghiệp ngành văn hoá
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:45, 16/04/2019
(BKTO) - Trước thực trạng các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch (VH,TT&DL) có nhiều hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công khi thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê tài sản, nhiều ý kiến của các cơ quan chức năng, trong đó có KTNN, cho rằng cần phải có giải pháp chấn chỉnh triệt để, kịp thời.
Một góc Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình được cho thuê trái quy định - Ảnh: Lý Tứ
Liên kết, cho thuê tràn lan, trái mục đích
Theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, ĐVSNCL được phép cho thuê tài sản, đất đai trong trường hợp tài sản được giao chưa sử dụng hết công suất, tài sản không do NSNN đầu tư. Để thực hiện cho thuê tài sản, ĐVSNCL phải lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê và được cơ quan có thẩm quyền cho phép cũng như tuân thủ một số quy trình, thủ tục theo quy định nhằm tránh nguy cơ thất thoát tài sản công.
Quy định đã có, song nhiều ĐVSNCL lĩnh vực VH,TT&DL vẫn ngang nhiên làm trái. Một trong những đơn vị liên tục được báo chí “điểm tên” vi phạm khi liên doanh, liên kết, cho thuê tài sản tràn lan, đó là Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Được biết, trong giai đoạn từ năm 2012-2017, Khu Liên hợp này được Chính phủ cho thực hiện thí điểm tự chủ tài chính. Để thực hiện công tác tự chủ, Khu Liên hợp đã tiến hành cho thuê đất tại đây để tạo nguồn thu. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, đơn vị đã tự ý cho thuê nhiều diện tích đất ngắn hạn khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Mặc dù cho thuê đất suốt nhiều năm liền song đơn vị này hiện được xác định còn nợ tiền thuê đất lên tới hàng chục tỷ đồng và không có khả năng chi trả. Theo kết quả kiểm toán của KTNN, hoạt động liên doanh, liên kết tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia đã diễn ra nhiều năm, nhưng đơn vị này chưa nộp đầy đủ tiền thuê đất vào NSNN theo Nghị định số 46/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Qua kiểm tra, KTNN đã chỉ ra nhiều đơn vị có vi phạm trong hoạt động liên kết, cho thuê tài sản tại các ĐVSNCL thuộc Bộ VH,TT&DL. Theo số liệu báo cáo, tính đến ngày 31/12/2017, có 21 đơn vị sử dụng tài sản thực hiện liên kết kinh doanh sai mục đích (nhà hàng, cafe, dịch vụ phụ trợ). Các hoạt động liên kết, cho thuê địa điểm chưa thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 23/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại ĐVSNCL. Cụ thể, 11/21 đơn vị chưa thực hiện lập phương án sử dụng tài sản liên kết, chưa được Bộ VH,TT&DL chấp thuận cũng như chưa được Bộ Tài chính thông qua theo quy định; chưa ban hành định mức, đơn giá thuê, chưa thực hiện công khai định mức, đơn giá thuê cũng như chưa thực hiện đấu giá thuê tài sản đối với giá thuê trên 100 triệu đồng theo quy định (Bảo tàng Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sân khấu điện ảnh TP. HCM, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật...).
Lập lại kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài sản công
Điều đáng bàn là nhiều đơn vị vi phạm trong liên doanh, liên kết, cho thuê tài sản được KTNN đề cập đến này đã từng được KTNN chỉ ra và đề nghị chấn chỉnh trong các lần kiểm toán trước đó, điển hình như Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình. Trước hàng loạt vi phạm của Khu Liên hợp được báo chí phản ánh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo giao Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác quản lý sử dụng tài sản công tại đây, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả.
Trước tình trạng vi phạm trong liên doanh, liên kết, cho thuê tài sản diễn ra tràn lan tại một số đơn vị thuộc Bộ VH,TT&DL, KTNN đã kiến nghị cần chấn chỉnh, khắc phục những sai sót trong việc sử dụng tài sản nhà nước cho thuê, liên doanh, liên kết; rà soát, xử lý, đình chỉ việc cho thuê, liên kết tài sản đất đai không phù hợp chức năng, nhiệm vụ, không tuân thủ các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
Cũng liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài sản công trong lĩnh vực VH,TT&DL, Đoàn giám sát của Quốc hội về giám sát Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” vừa có buổi làm việc với Bộ VH,TT&DL và các đơn vị trực thuộc. Thông tin tại buổi làm việc với Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, thời gian qua, Bộ cũng đã triển khai thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, Bộ đã chấn chỉnh, xử lý một số trường hợp khai thác sử dụng nhà đất chưa đúng quy định, chưa phù hợp chức năng nhiệm vụ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thiện cũng cho rằng, do số lượng các ĐVSNCL thuộc Bộ tương đối nhiều, nằm ở các địa phương, do vậy công tác cập nhật, tổng hợp còn khó khăn; việc liên kết, hợp tác đầu tư còn vướng mắc...
Trước thực trạng hiện nay, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cơ quan giám sát đối với các vi phạm xảy ra tại các ĐVSNCL lĩnh vực VH,TT&DL là cần thiết. Bên cạnh đó, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan khi để xảy ra sai phạm cần được làm sáng tỏ và xử lý nghiêm minh để lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công.
PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 15 ra ngày 11-4-2019