Tập trung thực hiện giải pháp tăng thu, giảm nợ bảo hiểm xã hội

Xã hội - Ngày đăng : 08:50, 16/04/2019

(BKTO) - Để hoàn thành các mục tiêu năm 2019, ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đã và đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp; trong đó, tăng thu, giảm nợ BHXH, BHYT xuống mức thấp nhất, tập trung mở rộng đối tượng tham gia BHXH là nhiệm vụ hàng đầu.


Nợ tăng, đối tượngtham gia giảm

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam tại Hội nghị trực tuyến về công tác thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) tháng 4/2019, trong 3 tháng đầu năm, tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là 14,3 triệu người, đạt 93,4% kế hoạch (giảm 156.000 người so với năm 2018) và trong 9 tháng cuối năm còn phải phát triển 1 triệu người. Cũng trong 3 tháng qua, cả nước phát triển mới được 35.000 người tham gia BHXH tự nguyện và 9 tháng còn lại sẽ phải phát triển thêm được 185.000 người. Đáng chú ý, tổng số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến hết tháng 3 là 17.400 tỷ đồng, trong đó, số tiền nợ BHXH phải tính lãi là 7.200 tỷ đồng (chiếm 2% số phải thu).

Để hỗ trợ các địa phương tăng thu, giảm nợ, BHXH Việt Nam đã và đang tích cực triển khai một số hoạt động hỗ trợ, trong đó có việc ban hành Công văn số 34/BHXH-BT về việc khai thác sử dụng chức năng tự động thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất trên phần mềm TST. Kết quả, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, toàn quốc đã có 14.166 đơn vị thuộc diện thanh tra đột xuất với tổng số tiền nợ 5.600 tỷ đồng.

Quyết tâm giảm nợ thấp hơn so với năm 2018, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố xác định nguyên nhân nợ đối với từng đơn vị để có giải pháp phù hợp. Đồng thời, BHXH Việt Nam yêu cầu lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp thúc đẩy công tác thu BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt là sự chủ động, tích cực của cán bộ thu, quản lý nợ BHXH, BHYT nhằm bám sát, thường xuyên đôn đốc đóng nộp đầy đủ; thực hiện giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ đến từng cá nhân chuyên quản; hằng tháng, hằng quý đánh giá tỷ lệ giảm nợ để xếp loại lao động và xét khen thưởng kịp thời…

Cùng với đó, các địa phương cần tập trung thanh tra, thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên theo quy định. Các đợt thanh tra phải có quyết định xử lý và gửi kết quả xử lý đến cơ quan chức năng như: công an, toà án, viện kiểm sát, sở lao động - thương binh và xã hội, liên đoàn lao động.

Ông Đinh Duy Hùng - Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) - nhấn mạnh, việc cập nhật, theo dõi, đôn đốc đẩy mạnh tiến độ thu phải được quan tâm từng ngày, không còn là từng tháng, từng quý. Với các đơn vị, cần đôn đốc đóng đúng hằng tháng, không để nợ BHXH, BHYT, BHTN sang tháng tiếp theo.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cũng yêu cầu: Các địa phương phải in thông báo kết quả đóng nộp gửi cho các đơn vị trước ngày 5 hằng tháng qua bưu điện. Sau 2 ngày, bưu điện phải chuyển hết số thông báo này đến DN nhằm đôn đốc đóng nộp hằng tháng, không để nợ. BHXH các địa phương phải quyết tâm thực hiện bằng hành động thực tế, làm có trách nhiệm, thể hiện qua số liệu cụ thể.

Tích cực phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Cùng với các giải pháp tích cực để giảm nợ đọng, lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị tập trung khai thác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN… Theo đó, một trong những giải pháp hiệu quả là các địa phương cần khai thác triệt để dữ liệu từ cơ quan thuế, hướng dẫn cán bộ khai thác tốt dữ liệu để đưa ra các giải pháp quản lý tối ưu nhằm phát triển số người tham gia BHXH bắt buộc…

Báo cáo của BHXH các địa phương cho biết, đến ngày 31/3, toàn quốc đã kiểm tra, đối chiếu được 147.000/473.000 đơn vị do cơ quan thuế cung cấp. Tổng số lao động tại các đơn vị kiểm tra đối chiếu là 2,2 triệu lao động, trong đó, có 613.000 lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc - chiếm 27,8% tổng số lao động đã rà soát, đối chiếu. Kết quả cho thấy, số lao động thuộc diện tham gia nhưng chưa tham gia BHXH là 345.000 lao động (chiếm 56,3%). Thông qua rà soát dữ liệu từ cơ quan thuế, một số tỉnh, thành phố đã khai thác được nhiều lao động tham gia BHXH bắt buộc.

Do đó, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường rà soát, kiểm tra, đối chiếu dữ liệu, xác định rõ số lượng DN và tình trạng DN trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện phải tham gia BHXH; số DN đang hoạt động, tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể, đã giải thể, chờ phá sản, đã phá sản; xác định rõ số lượng lao động thuộc đối tượng phải tham gia, không thuộc đối tượng tham gia. Đồng thời, BHXH các tỉnh, thành phố đôn đốc, làm việc với 100% số DN đang hoạt động, nhưng trốn đóng, hoặc đóng không đủ số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN nhằm khai thác triệt để đối tượng tham gia theo từng năm…

Trong phát triển BHXH tự nguyện, BHXH các địa phương phối hợp với Bưu điện tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động người dân tham gia nhằm đạt chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đã đề ra. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Nguyễn Minh Ðức cho biết, để đạt mục tiêu phát triển 220.000 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2019, Bưu điện Việt Nam đã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng bưu điện địa phương. Bưu điện từ tỉnh xuống huyện phải lập kế hoạch cụ thể theo từng tuần, tháng, từng quý về số lượng hội nghị, số người tham gia BHXH tự nguyện, phấn đấu đến hết quý II/2019 đạt 60% kế hoạch giao.

Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 15 ra ngày 11-4-2019