Thu phí tự động không dừng: Băn khoăn về cách quản lý dòng tiền
Xã hội - Ngày đăng : 08:55, 16/04/2019
(BKTO) - Sau gần 2 năm triển khai, mặc dù nhiều trạm BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) giao thông đã có làn thu phí không dừng nhưng tỷ lệ người sử dụng vẫn còn rất thấp. Một trong những lý do là các nhà đầu tư BOT vẫn còn băn khoăn về lợi ích kinh tế trong việc triển khai lắp đặt thu phí tự động; còn người dân cũng ngại dán thẻ vì chưa hiểu rõ về công nghệ mới.
Nhà đầu tư BOT còn băn khoăn về lợi ích kinh tế trong việc triển khai lắp đặt thu phí tự động - Ảnh: Như ý
Băn khoăn tiền“lãi qua đêm”
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, cả nước có khoảng trên 90 trạm thu phí BOT đang áp dụng hình thức thu phí thủ công, chủ yếu là con người và hệ thống máy tính thực hiện. Hiện nay, giai đoạn 1 của Dự án Thu phí tự động không dừng đã hoàn thành 26/28 trạm, còn 2 trạm chưa thực hiện do đang dừng thu phí và hết hạn thu phí. Trong giai đoạn 2, có 33 trạm phải thực hiện và Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) dự kiến tháng 4/2019 sẽ đấu thầu, trong năm nay sẽ hoàn thành.
Đề cập đến công tác dán thẻ thu phí tự động không dừng (Etag), Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư - PPP (Bộ GTVT) Nguyễn Viết Huy thông tin, hiện nay, chỉ có khoảng 700.000 phương tiện trên 3,5 triệu phương tiện dán thẻ. Mặc dù công tác triển khai lắp đặt đúng tiến độ nhưng tỷ lệ người sử dụng vẫn chưa đạt yêu cầu. “Thực tế, việc dán thẻ Etag gặp phải một số vấn đề. Chẳng hạn, nhiều khách hàng và phương tiện chưa hiểu rõ sử dụng công nghệ mới. Có trường hợp lái xe e ngại vì sợ khi dán bị giám sát trên toàn quốc nên không muốn dán” - ông Huy nêu nguyên nhân.
Bên cạnh đó, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả Trần Văn Thế khẳng định, DN hoàn toàn ủng hộ việc áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng. Tuy nhiên, hiện nay, Dự án nảy sinh nhiều bất cập, cần được giải quyết để hài hòa lợi ích. Theo ông Thế, muốn thẻ Etag hoạt động, người dân phải nộp một khoản tiền vào thẻ. Với hơn 3 triệu ô tô các loại, mỗi tài khoản nộp 500.000 đồng thì Công ty thu phí tự động VETC sẽ nắm giữ khoảng 1.500 tỷ đồng. Vậy VETC tính toán như thế nào trong phương án tài chính, có trả lãi cho người dùng không? Ai là người hưởng khoản lãi này? Bên cạnh đó, VETC thu phí tại các trạm mỗi ngày lên tới hàng nghìn tỷ đồng và chỉ hoàn trả cho nhà đầu tư BOT sau một ngày, vậy số tiền “lãi qua đêm” ai hưởng?
Cần hài hòa lợi íchgiữa “4 nhà”
Trước câu hỏi của nhà đầu tư BOT, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VETC Hồ Trọng Vinh cho biết, lãi suất từ doanh thu thu phí là của nhà đầu tư, VETC chỉ là dịch vụ thu phí hộ. Hiện VETC thanh toán ngay trong ngày, không để qua đêm nên các trạm thu phí 6h sáng chốt doanh thu, 9h sáng chuyển tiền cho chủ đầu tư BOT. Nhà đầu tư BOT và bên cung cấp dịch vụ thu phí không dừng có thể thống nhất chốt một thời điểm chuyển tiền trong một ngày của một trạm. Còn nếu nhà đầu tư BOT muốn chuyển 2 - 3 lần vẫn làm được.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Nghiêm Thanh Sơn cho rằng, theo quy định, VETC không phải tổ chức tín dụng nên không được phép trả lãi các khoản tiền mà người chuyển khoản trả trước cho đơn vị này. Hơn nữa, trên thực tế, việc chuyển tiền vào tài khoản trước hết phục vụ lợi ích cho chính người sử dụng dịch vụ đó giúp xe qua trạm nhanh, không phải thanh toán bằng tiền mặt. Đối với khoản gọi là “lãi qua đêm”, lãi suất rất thấp, chỉ khoảng 0,5%/năm. Ông Sơn cũng khuyến cáo, các nhà đầu tư BOT nên cân nhắc về việc tham gia đầu tư công nghệ thu phí ETC bởi như vậy, hiệu quả kinh tế không cao.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, thu phí tự động không dừng cần giải quyết hài hòa lợi ích giữa 4 nhà, gồm: nhà đầu tư BOT (có lợi hơn so với thu phí hiện nay: áp dụng công nghệ hiện đại thì chi phí thu tự động thấp hơn chi phí thu thủ công); nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thu phí tự động (đây là nhà đầu tư về công nghệ nên họ phải có lãi); người sử dụng dịch vụ đường bộ (tiện lợi hơn, nhanh hơn); Nhà nước (giao thông thông thoáng, đảm bảo giám sát công khai minh bạch). Ngoài ra, việc nộp tiền trước vào tài khoản cần có cơ chế, chính sách gì không, có giảm giá hay ưu đãi cho người sử dụng dịch vụ đường bộ trả tiền trước vào tài khoản hay không? Trên cơ sở làm rõ các vấn đề này, chúng ta mới đưa ra đấu thầu để chọn lựa nhà đầu tư đáp ứng về công nghệ và các nhà thầu buộc phải tuân theo cơ chế, chính sách đã được phê duyệt trong Dự án. Nếu Dự án chưa giải quyết đầy đủ, toàn diện các yêu cầu này thì Bộ GTVT nên đưa các nội dung này trong hợp đồng mời thầu để đảm bảo việc triển khai Dự án được rõ ràng.
Trước băn khoăn của nhà đầu tư BOT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, nguồn thu không chỉ được một chủ thể quản lý, mà là nhiều chủ thể, trong đó có cả sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước. Chúng ta đang làm đúng chỉ đạo của Chính phủ, ngoài nhà đầu tư còn có ngân hàng, người dân giám sát. Vừa qua, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng ban hành cơ chế để VETC được hưởng từ nguồn độc lập, không liên quan và ảnh hưởng gì đến quyền lợi của các nhà đầu tư BOT. Tất cả mọi việc liên quan đến các trạm thu phí sau này đều sẽ thông qua hệ thống hợp đồng kinh tế dân sự để thực hiện.
LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 15 ra ngày 11-4-2019