Tăng tỷ trọng sử dụng vật liệu xây không nung trong xây dựng

Xã hội - Ngày đăng : 09:05, 16/04/2019

(BKTO) - Sau gần 9 năm triển khai Chương trình Phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN), việc sử dụng VLXKN thay thế gạch đất nung trong xây dựng đã đạt được những bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, tỷ trọng sử dụng loại vật liệu này trong xây dựng ở Việt Nam vẫn chưa đạt như kỳ vọng.


Xu thế tất yếu

Theo thống kê, ở thời điểm năm 2010, Việt Nam sản xuất hơn 20 tỷ viên gạch đất sét nung và có rất nhiều lò gạch thủ công hoạt động. Sử dụng gạch đất sét nung đã làm tiêu tốn hàng nghìn hecta đất nông nghiệp, hàng triệu tấn than mỗi năm. Tính toán nghiên cứu cho thấy, việc sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét nung có kích thước quy tiêu chuẩn (QTC) sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75ha đất nông nghiệp (độ sâu khai thác là 2m) và 150.000 tấn than, đồng thời thải ra khoảng 600.000 tấn khí CO2 và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc sử dụng gạch đất sét nung trong công trình xây dựng còn làm khó công nghiệp hóa ngành xây dựng.

Vì vậy, thay thế gạch đất sét nung bằng VLXKN sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực về các mặt kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường. Đồng thời, sản xuất VLXKN còn có thể kết hợp tiêu thụ chất thải từ các ngành khác như: nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng... góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các chi phí xử lý chất thải.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) - cho biết: Việc sử dụng gạch không nung là xu thế tất yếu trong quá trình xây dựng, nhất là lĩnh vực dân dụng và nhà ở trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, để đảm bảo giảm phát thải khí nhà kính, giảm tiêu thụ năng lượng, bảo vệ tài nguyên đất là loại tài nguyên không tái tạo, công nghiệp hóa và tự động hóa xây dựng trong thời đại công nghiệp 4.0.

Tỷ trọng chưa đạt kỳ vọng

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, số cơ sở sản xuất vật liệu xây trên cả nước tính đến cuối năm 2017 là 8.943 cơ sở với tổng công suất thiết kế đạt 32,9 tỷ viên QTC/năm, trong đó, gạch không nung bê tông (gạch block) khoảng 2.320 cơ sở sản xuất với tổng đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Hiện đã có 35/63 tỉnh có chỉ thị của UBND về việc xóa bỏ sản xuất gạch nung thủ công và tăng cường sử dụng VLXKN; 45/63 tỉnh có xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm sản xuất gạch nung. Tuy nhiên, tỷ trọng sử dụng gạch không nung trong cả nước đạt trên 21% so với tổng vật liệu xây, tương đương 6,8 tỷ viên QTC. Theo đánh giá của các chuyên gia, con số này vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Lý giải về thực trạng này, ông Phạm Văn Bắc cho biết: Các cơ sở sản xuất không phát huy được hết công suất thiết kế do nguồn đất sét để sản xuất gạch nung được khai thác quá dễ dàng khiến giá thành sản phẩm gạch nung rẻ nên VLXKN khó cạnh tranh. Thêm nữa, các chính sách ưu đãi trong đầu tư sản xuất VLXKN đã được ban hành nhưng nhiều địa phương chưa thực hiện. Các DN sản xuất VLXKN phản ánh chưa được hưởng các ưu đãi theo quy định; hệ thống văn bản về tiêu chuẩn, định mức, các giải pháp thi công, hướng dẫn thi công, nghiệm thu chưa đầy đủ cho các chủng loại sản phẩm...

Bên cạnh đó, do các nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn còn hạn chế nên một số DN chỉ nhập các dây chuyền công nghệ với trình độ trung bình, thiếu đồng bộ. Công tác chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất và tiếp thu công nghệ chưa tốt. TS. Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) - chia sẻ: Thực tế sử dụng VLXKN tại các công trình trong những năm vừa qua và hiện nay cho thấy có một số vấn đề mà người sử dụng chưa thực sự hài lòng với chất lượng công trình sử dụng VLXKN, đó là tình trạng nứt, thấm làm giảm mỹ quan, bất tiện khi sinh hoạt, làm việc. Điều này đã dẫn đến hệ quả là sản lượng VLXKN không tăng nhanh như dự kiến (các nước phát triển có thể sử dụng 100% VLXKN, Thái Lan, Malaysia cũng sử dụng khoảng 60 - 70% VLXKN).

Đưa ra giải pháp để phát triển VLXKN, hạn chế gạch nung, theo nhiều chuyên gia, cần nghiên cứu, soát xét và bổ sung các văn bản về hành lang pháp lý cho việc sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng; tăng cường chỉ đạo khuyến khích sản xuất và sử dụng VLXKN bằng các chính sách thuế môi trường về sản xuất gạch nung, thuế khai thác và sử dụng đất sét làm gạch nung; tiếp tục nghiên cứu để xử lý, đưa ra các phương án khắc phục những hạn chế đối với các chủng loại VLXKN hiện tại và nghiên cứu, phát triển các sản phẩm VLXKN mới chất lượng cao…

TS. Lê Trung Thành cũng nhấn mạnh: Kinh nghiệm các nước sử dụng nhiều VLXKN đi trước đều cho thấy, bên cạnh việc bảo đảm công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm, nhân lực đồng bộ từ sản xuất sản phẩm, kiểm soát chất lượng, tư vấn thiết kế, thi công VLXKN phải được các đơn vị sản xuất, DN đào tạo cẩn thận để am hiểu sản phẩm mới, nhận thấy rõ sự khác biệt giữa VLXKN và gạch xây truyền thống, chỉ như vậy mới thúc đẩy, nâng cao tỷ lệ sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng.

LONG HOÀNG
Theo Báo Kiểm toán số 15 ra ngày 11-4-2019