Kết quả kiểm toán năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước sẽ được gửi đến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7

Đối nội - Ngày đăng : 15:45, 16/04/2019

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 33, sáng 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội và dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2020.


Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo quyết định của UBTVQH và đề nghị của Chính phủ, cơ quan hữu quan, dự kiến nội dung kỳ họp có sự điều chỉnh so với dự kiến nội dung trình UBTVQH tại Phiên họp thứ 29. Theo đó, nội dung Kỳ họp bổ sung 04 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.

Đồng thời, rút 03 dự án luật gồm: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, để tiếp tục hoàn thiện; rút Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2018 để chuyển sang báo cáo tại Kỳ họp thứ 8 cùng báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.

Như vậy, về công tác lập pháp, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế- xã hội, NSNN, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 20 ngày. Trong đó, xây dựng luật là 10,75 ngày; giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác là 7 ngày; khai mạc, bế mạc và thông qua diễn ra 2,25 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/5 và dự kiến bế mạc vào ngày 14/6.

Bên cạnh các nội dung được xem xét, quyết định tại Kỳ họp, nhiều nội dung, báo cáo cũng sẽ được gửi để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, trong đó có các báo cáo của KTNN về: Tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018; Thực hiện kiểm toán Quỹ bảo hiểm xã hội; Kết quả kiểm toán Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN và việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa của DNNN giai đoạn 2011-2017.
                
   

Quang cảnh phiên họp sáng 16/4 - Ảnh: quochoi.vn

   

Cũng trong sáng nay, UBTVQH đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2020.

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, về chương trình giám sát của Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét báo cáo giám sát chuyên đề; báo cáo của UBTVQH về việc thực hiện kiến nghị giám sát của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có).

Tại Kỳ họp thứ 10, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 9, việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo công tác năm 2020 của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, KTNN và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan; xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, nghị quyết của UBTVQH về chất vấn tại phiên họp; xem xét báo cáo của UBTVQH về việc thực hiện kiến nghị giám sát của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có).

Về chương trình giám sát của UBTVQH, ngoài việc xem xét các báo cáo của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật, UBTVQH sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp tháng 3 và tháng 8/2020; giám sát các chuyên đề tại phiên họp UBTVQH; xem xét báo cáo hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Về giám sát chuyên đề, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm đó. Vì vậy, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để tập trung cho các nội dung nêu trên và bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2020, đối với nội dung về giám sát chuyên đề, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị UBTVQH báo cáo Quốc hội giám sát 01 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 9; UBTVQH sẽ giám sát 01 chuyên đề tại phiên họp (tháng 9).

Về nội dung chuyên đề, trên cơ sở kết quả lựa chọn của đại diện các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo các Ban của UBTVQH, Tổng Thư ký Quốc hội trình UBTVQH xem xét, lựa chọn 2/3 chuyên đề để báo cáo Quốc hội. Cụ thể, Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em; Chuyên đề 2: Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA); Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH nhất trí với số lượng chuyên đề giám sát năm 2020. Về nội dung chuyên đề giám sát, các ý kiến cơ bản thống nhất đề nghị lựa chọn chuyên đề 1 và chuyên đề 2. Trong 2 nội dung này, Quốc hội lựa chọn giám sát một chuyên đề, chuyên đề còn lại sẽ giao UBTVQH giám sát.

Đ. KHOA