Kiểm soát quyền lực góp phần phòng, chống tham nhũng - Kiểm toán Nhà nước giữ vai trò quan trọng
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:25, 22/04/2019
(BKTO) - Tại Hội thảo “Cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước góp phần phòng, chống tham nhũng - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện”, các đại biểu đã tập trung nêu quan điểm, ý kiến và đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực góp phần phòng, chống tham nhũng.
Hội thảo vừa diễn ra tại Hà Nội dưới sự đồng chủ trì của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh và PGS,TS. Nguyễn Đình Hòa - quyền Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán. Hơn 200 đại biểu trong và ngoài ngành KTNN đã tham dự Hội thảo.
Kiểm soát quyền lực là mục tiêu trọng tâm
Nhiều ý kiến tại Hội thảo nhấn mạnh, thực chất tham nhũng là xoay quanh vấn đề quyền lực và sự tha hóa quyền lực, không có tha hóa quyền lực thì khó có tham nhũng xảy ra, tha hóa quyền lực là mảnh đất màu mỡ để tham nhũng tồn tại và phát triển. Đồng thời, các đại biểu đều khẳng định, việc phòng, chống tham nhũng là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh đã dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu tín nhiệm và lương tâm là xảy ra tham nhũng…” và nhận định, kiểm soát được quyền lực là vấn đề rất khó, nhưng nhất thiết phải làm tốt, nếu không cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ không thể đạt hiệu quả.
Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: Nguyễn Lộc
Theo TS. Nguyễn Minh Phong (Phó Vụ trưởng, Báo Nhân dân), lạm dụng quyền lực để tham nhũng làm thiệt hại tới toàn bộ nền kinh tế, là “giặc nội xâm”. Chống tham nhũng, nhất là chống tham nhũng trong công tác cán bộ phải là ưu tiên của mọi ưu tiên để tạo động lực phát triển bền vững đất nước.
Qua nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật, PGS,TS. Nguyễn Vũ Hoàng (Phó Vụ trưởng, Tạp chí Cộng sản) nhận định, hệ thống các luật, pháp lệnh về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực và chủ thể khác nhau. Điều này cho thấy tính đa dạng, phức tạp của hệ thống các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, từ các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước, đến các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước, các quy định về bảo đảm thực thi như: thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục, các quy định mang tính ngăn cấm…
Trong bối cảnh hiện nay, phải coi kiểm soát quyền lực như một nhiệm vụ thường xuyên và làm cho quá trình thực thi quyền lực có hiệu quả; đa dạng hóa hình thức, biện pháp, con đường kiểm soát quyền lực để chống sự lạm dụng quyền lực; thực hiện kiểm soát quyền lực một cách toàn diện, đặc biệt cần chú trọng kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực kinh tế nhằm bảo đảm nền tài chính quốc gia lành mạnh, bền vững - tham luận của ông Ngô Minh Kiểm (Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán - KTNN) nêu rõ.
Vai trò của Kiểm toán Nhà nước góp phần quan trọng
Tại Hội thảo, PGS,TS. Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) đã đề cập đến những đóng góp của KTNN trong kiểm soát quyền lực góp phần phòng, chống tham nhũng thời gian qua với việc phát hiện nhiều hành vi lạm dụng quyền lực trong quản lý tài chính nhằm trục lợi cá nhân, gây thất thoát NSNN và lạm dụng quyền lực được giao sử dụng tài sản nhà nước sai quy định; phát hiện nhiều lỗ hổng pháp lý, kiến nghị hủy bỏ hoặc bổ sung, sửa đổi nhiều văn bản quy định pháp luật không phù hợp, cũng như kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tham mưu ban hành các văn bản pháp luật trái thẩm quyền, không đúng quy định…
“Là công cụ giúp Quốc hội giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nên KTNN đóng vai trò rất quan trọng trong kiểm soát quyền lực góp phần phòng, chống tham nhũng” - TS. Đỗ Đức Quân (Học viện Chính trị khu vực I) nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia Kinh tế - cũng cho rằng, KTNN có vai trò đặc biệt quan trọng trong kiểm soát quyền lực, nhất là quyền lực trong lĩnh vực kinh tế, tài chính. KTNN là công cụ quan trọng để phòng, chống tham nhũng - tội phạm dựa trên quyền lực và nhắm đến tài sản công. Tuy nhiên, trong thực tế, vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực nói chung, phòng, chống tham nhũng nói riêng chưa được quy định cụ thể, đầy đủ và phù hợp.
Tổng hợp ý kiến của các đại biểu, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh đã tóm lược 7 giải pháp nhằm phát huy vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực góp phần phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về cơ chế kiểm soát quyền lực bằng cách sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để kiểm soát và xử lý tốt các trường hợp lạm quyền.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm toán của KNTN, trong đó có việc sửa đổi Luật KTNN năm 2015 nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho KTNN thực hiện tốt nhiệm vụ.
Thứ ba, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán và tiếp tục thực hiện công khai rộng rãi kết quả kiểm toán của KTNN. Đây là một việc làm thiết thực góp phần nâng cao vai trò giám sát, chất vấn của các cơ quan dân cử và nhân dân, đồng thời mang tính răn đe đối với những đối tượng có ý định lạm dụng quyền lực để tham nhũng.
Thứ tư, KTNN cần tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị được kiểm toán và các đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm toán.
Thứ năm, chú trọng tăng cường phối hợp giữa KTNN với các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng do lạm dụng quyền lực mà KTNN phát hiện và kiến nghị xử lý thông qua hoạt động kiểm toán.
Thứ sáu, KTNN cần xây dựng đội ngũ kiểm toán viên có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực, có khả năng phát hiện và bản lĩnh đấu tranh với các hành vi lạm dụng quyền lực để tham nhũng.
Thứ bảy, KTNN cần thường xuyên trao đổi, cập nhật kinh nghiệm của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới nhằm đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả kiểm toán, kiểm soát quyền lực, thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng.
HỒNG THOAN - NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 16 ra ngày 18-4-2019