Đẩy mạnh cải cách hành chính - “mệnh lệnh” không thể chần chừ

Xã hội - Ngày đăng : 08:55, 22/04/2019

(BKTO) - Những nỗ lực cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị cung cấp dịch vụ công đã và đang được người dân, DN ghi nhận, bước đầu đánh giá cao. Đây cũng chính là cơ sở, động lực để công tác CCHC trong thời gian tới tiếp tục có những đổi mới mang tính đột phá, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, DN.



CCHC cần lấy sự hài lòng của người dân, DN làm thước đo, đích đến
Ghi nhận những nỗ lựccải cách

Năm 2018, với việc Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC) cấp quốc gia lần đầu tiên được công bố, Chính phủ đã khẳng định quyết tâm, nỗ lực rất lớn trong việc loại bỏ các TTHC rườm rà, không cần thiết, lấy sự hài lòng của người dân, DN là thước đo kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan công quyền. Theo các chuyên gia, với Chỉ số này, Chính phủ sẽ có thêm một công cụ được lượng hóa để so sánh nỗ lực cải cách của từng Bộ, ngành, địa phương, từ đó tạo sức ép và cạnh tranh trong cải cách giữa các đơn vị. Đây chỉ là một trong rất nhiều điểm sáng nằm trong nỗ lực CCHC cấp quốc gia.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong CCHC. Điển hình như tại Bộ Công an, hằng năm, Bộ này đều tổ chức công bố kết quả xác định Chỉ số CCHC. Đây đồng thời là một trong các tiêu chí để xét thi đua hằng năm của công an các đơn vị, địa phương. Kết quả Chỉ số cải cách năm 2018 đã ghi nhận những nỗ lực của toàn lực lượng trong lĩnh vực này. Theo đó, giá trị trung bình trong công tác CCHC của công an các đơn vị, địa phương ở mức cao (85,56%), tăng 3,54% so với năm 2017.

Sau những nỗ lực cải cách, các ngành công thương, thuế, hải quan cũng có nhiều cách thức khảo sát để lắng nghe phản hồi của người dân, đồng thời căn cứ vào các ý kiến phản hồi để điều chỉnh đổi mới cho phù hợp hơn. Đáng chú ý, những nỗ lực CCHC của các ngành đều được người dân, DN ghi nhận; mức độ hài lòng của người dân, DN đối với dịch vụ công năm sau cao hơn năm trước.

Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 vừa được công bố cũng cho thấy, chất lượng cung cấp dịch vụ công căn bản đã được cải thiện. Người dân hài lòng hơn với hầu hết dịch vụ công căn bản và các cấp chính quyền cơ sở tương tác với người dân nhiều hơn. Đặc biệt, người dân cho biết, nhũng nhiễu trong lĩnh vực y tế và giáo dục - những điểm “nóng” dễ phát sinh tiêu cực trước đây - đã thuyên giảm. Điểm các chỉ tiêu đo lường dịch vụ hành chính công về cấp phép xây dựng và dịch vụ “một cửa” cấp xã, phường tăng lên.

Tạo đột phá mới về cải cách hành chính

Với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, năm 2019 được Chính phủ xác định là năm có nhiều “đột phá mới” về CCHC. Trong đó, cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công tiếp tục là những nội dung CCHC trọng tâm.

Tại cuộc họp tổng kết công tác CCHC năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật; đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết để bảo đảm có hiệu lực thi hành đồng thời với các luật, pháp lệnh, không để phát sinh nợ đọng mới; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định pháp luật để thực thi các phương án đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh; khắc phục, chấm dứt tình trạng giấy phép mẹ, giấy phép con; khẩn trương rà soát, công bố nhóm TTHC liên thông thuộc phạm vi, thẩm quyền được giao.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp và kiện toàn tổ chức các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp và gắn kết chặt chẽ với các chính sách tinh giản biên chế trên cơ sở tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của T.Ư; sớm hoàn thiện các dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào tháng 10/2019. Tập trung đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Cùng với sức ép đổi mới từ Chính phủ, sự tham gia giám sát, phản biện của các tổ chức xã hội, cộng đồng DN, người dân vừa là động lực vừa là áp lực buộc các cơ quan hành chính phải đẩy mạnh cải cách hơn nữa. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, cùng với những yêu cầu đặt ra ngày càng cao từ phía người dân và DN, đẩy mạnh CCHC trở thành “mệnh lệnh” không thể chần chừ của tất cả các cơ quan, đơn vị, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính nhà nước.

Bài và ảnh: PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 16 ra ngày 18-4-2019