Sốt đất cục bộ tại các địa phương - trách nhiệm từ nhiều phía
Đầu tư - Ngày đăng : 09:00, 22/04/2019
(BKTO) - Xung quanh cơn sốt đất nền tại một số địa phương như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Vân Đồn (Quảng Ninh) cũng như một số khu vực thuộc các huyện ngoại thành của Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, trách nhiệm thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường và chính quyền địa phương.
Giá đất bị đẩy lên cao tại các địa phương
Vừa qua, bên cạnh những cơn sốt đất tại các địa phương như Vân Đồn, Đà Nẵng, thông tin Hà Nội xin cơ chế đặc thù để đưa 4 huyện: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì lên quận vào năm 2020 đã khiến giá đất tại 4 huyện này tăng chóng mặt.
Cụ thể, từ cuối năm 2018 đến nay, tại huyện Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, giá đất đã tăng “nóng” 30 - 50%. Huyện Đông Anh được coi là tâm điểm giữa các thông tin giá đất tăng mạnh. Tại một số khu vực: xã Vĩnh Ngọc, Xuân Canh, Nguyên Khê, Lễ Pháp, Thiên Ca, Trung Oai..., các môi giới cho biết, giá đất tăng lên tới 25 - 30%; nhất là khu vực sát mặt đường lớn gần cầu Nhật Tân, giá đất đang bị đẩy lên cao ngất ngưởng, mức tăng đạt 100% so với thời điểm đầu năm ngoái. Tương tự, tại huyện Thanh Trì, đất phân lô tại xã Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp cũng được nhiều môi giới báo giá lên tới từ 55 - 65 triệu đồng/m2, tăng từ 50 - 70% so với năm trước…
Còn tại Vân Đồn, sau thời gian dài “đóng băng” do UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tạm dừng các giao dịch đất đai và Quốc hội quyết định hoãn thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đầu tháng 01/2019, Vân Đồn đón nhận diễn biến tích cực mới khi chính quyền cho phép mua bán đất đai đối với những trường hợp đủ điều kiện theo quy định pháp luật. Ngay sau khi Vân Đồn mở cửa giao dịch, thị trường nhà đất khu vực này lập tức ấm lên. Theo một số DN bất động sản (BĐS) tại Vân Đồn, hiện giá đất nền đã tăng phổ biến từ 10 - 15% so với thời điểm thị trường đóng băng cách đây nửa năm. Những lô đất có vị trí đẹp, mặt tiền trục đường chính, có thể kinh doanh được, mức tăng có thể đạt 20%. Nhiều khu vực đã bắt đầu xuất hiện sự tăng trưởng nóng.
Đối với Đà Nẵng, tình trạng sốt đất thậm chí diễn biến nhanh và khó lường hơn. Từ sau Tết Nguyên đán, đất nền ở một số khu vực tại Đà Nẵng đã chứng kiến sự tăng giá mạnh. Mỗi lô đất tăng giá vài trăm triệu, có chỗ tăng gấp đôi, gấp ba. Không chỉ ở riêng Quảng Ninh, Đà Nẵng, hay các huyện ngoại thành Hà Nội, cơn sốt đất nền lan nhanh chóng ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Quảng Nam, hay mới đây là Phan Thiết đã được các “cò đất” thổi giá lên cao, đưa tới nhiều thông tin làm lũng đoạn thị trường.
Trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý
Đưa ra nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) - cho biết: Có hai dạng đất nền được quan tâm. Thứ nhất là đất nền tại các dự án được đánh giá đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư cả sơ cấp và thứ cấp, nên các nhà đầu tư chuyển đổi cơ cấu sản phẩm. Nếu như trước đây, các nhà đầu tư này chủ yếu đầu tư chung cư, nay họ chuyển sang đầu tư đất nền vì họ nhận thấy đầu tư đất nền nhiều lợi nhuận và an toàn hơn. Thứ hai, thông tin đầu tư đất nền ở những khu vực có khả năng “nổi sóng” (thông tin quy hoạch từ huyện lên quận, thành phố, hạ tầng giao thông…). Ở loại hình đất nền này, sốt đất một phần do chính quyền địa phương, một phần là do môi giới, nhiều môi giới đẩy lên thành sốt đất, khiến nhiều nhà đầu tư chạy theo tâm lý bầy đàn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam - cho rằng: Việc để sốt đất trước hết là trách nhiệm của chính quyền địa phương, nơi quản lý các dự án trực tiếp. Là cơ quan quản lý hành chính, địa phương phải có trách nhiệm quản lý mọi hoạt động mua bán, kinh doanh diễn ra trên địa bàn.
Ông Đính phân tích: Đầu tiên là địa phương phải quản lý chặt các hoạt động mua bán, giao dịch kinh doanh tại dự án đó. Các hoạt động này phải được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục của pháp luật và phải thông qua chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan. Vì vậy, tình trạng sốt đất nền thời gian qua là do địa phương buông lỏng quản lý...
Trả lời về trách nhiệm của các cơ quan quản lý cho thực trạng sốt đất cục bộ liên tiếp tại các địa phương trong thời gian vừa qua, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 4 của Bộ Xây dựng, đại diện Bộ này, ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - cho rằng: Theo quy định của pháp luật kinh doanh BĐS, Bộ Xây dựng có trách nhiệm quản lý nhà nước chung về thị trường BĐS, trong đó quản lý về giao dịch, tạo lập kinh doanh BĐS trong các dự án. Về thị trường đất đai, vấn đề này do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm. Mới đây, hai địa phương như Quảng Nam và Đà Nẵng có thị trường đất đai phức tạp thì Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao cho các địa phương chủ trì cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính để xem xét, có phương án xử lý. “Trách nhiệm của việc để biến động thị trường đất đai chính là của Bộ Tài nguyên và Môi trường” - ông Ninh khẳng định.
LONG HOÀNG
Theo Báo Kiểm toán số 16 ra ngày 18-4-2019
Theo Báo Kiểm toán số 16 ra ngày 18-4-2019