Đẩy mạnh xuất khẩu nhờ tận dụng chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi
Đầu tư - Ngày đăng : 14:45, 22/04/2019
(BKTO) - Trong tổng kim ngạch xuất khẩu 243,5 tỷ USD năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi theo Hiệp định thương mại tự do (FTA) đạt 46,2 tỷ USD và chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam ký FTA. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi tương đối ổn định và cũng tương ứng với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đã có FTA với Việt Nam.
Tăng cường sử dụng C/O ưu đãi trong xuất khẩu
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2018, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền đã cấp 942.371 bộ C/O ưu đãi, bao gồm theo FTA và chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), với trị giá 50,9 tỷ USD, tăng 35% về trị giá và tăng 25% về số lượng bộ C/O so với năm 2017.
Bình luận thêm về kết quả đạt được năm 2018, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, tỷ lệ tận dụng ưu đãi 39% phản ánh DN và hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam trong những năm qua.
Khi phân chia theo mặt hàng xuất khẩu, mặt hàng giày dép có tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi gần như tuyệt đối (100%) với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA với Việt Nam là 3,85 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2017. Nhựa và các sản phẩm nhựa đứng thứ hai với tỷ lệ tận dụng 73,5%. Tiếp đó là sản phẩm dệt may với kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi đạt 7,48 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 68,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này và tăng 33% so với năm 2017. Nhiều mặt hàng trong nhóm hàng nông, thủy sản có tỷ lệ tận dụng ưu đãi tương đối tốt như thủy sản (63,7%), cao su và các sản phẩm từ cao su (63,1%), hạt tiêu (59,1%) và cà phê (55,9%)…
Xuất khẩu giày dép tận dụng tốt nhất C/O ưu đãi |
Ngoài ra, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các nước đối tác khác có mức thuế MFN ở mức thấp (1 - 2% hoặc tương đương với thuế FTA) nên nhiều thương nhân không đề nghị cấp C/O. Ví dụ như Australia và New Zealand đã áp thuế MFN 0% đối với nhiều mặt hàng thủy sản, do đó mặt hàng thủy sản của Việt Nam không cần C/O khi xuất khẩu sang thị trường hai nước này.
Hơn nữa, theo lộ trình giảm thuế FTA, một số mặt hàng thuộc danh mục nhạy cảm cao, danh mục loại trừ hoặc lộ trình giảm thuế dài nên dù có C/O thì cũng không được hưởng thuế quan ưu đãi.
Tỷ lệ tận dụng ưu đãi các FTA năm 2018. Đơn vị kim ngạch: triệu USD |
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, các DN đang tận dụng tốt C/O ưu đãi để xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường có FTA với Việt Nam, trong đó nổi bật là các thị trường Ấn Độ, Chi-lê, Hàn Quốc với tỷ lệ sử dụng C/O ưu xuất khẩu chiếm 60%.
Những năm gần đây, tỷ lệ tận dụng ưu đãi xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Australia và New Zealand (C/O mẫu AANZ) tương đối ổn định ở mức trên 30%. Năm 2018, tỷ lệ này đạt 34%. Các mặt hàng có tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao trên 80% bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ; giày dép; cao su và các sản phẩm từ cao su; dệt may. Tuy nhiên, nhóm hàng nông nghiệp chưa xuất khẩu được nhiều do hai thị trường này rất khắt khe với các yêu cầu cao về kiểm dịch động thực vật. Trong nhóm sản phẩm nông nghiệp, mặt hàng rau quả có tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA tốt nhất với tỷ lệ 81,59%.
Tại thị trường Ấn Độ (C/O mẫu AI), tỷ lệ tận dụng ưu đãi AIFTA của Việt Nam năm 2018 là 72%. Một số mặt hàng có tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao gồm giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ, nhựa và sản phẩm nhựa.
Với thị trường ASEAN (C/O mẫu D), thời gian qua, có thể thấy tỷ lệ tận dụng C/O mẫu D đã đạt mức bão hòa, dao động trong khoảng 30 - 35% và năm 2018 đạt 34%. Nguyên nhân do các nhóm hàng chủ lực của Việt Nam đều đã đạt ngưỡng tỷ lệ tận dụng cao (trên 60%). Trong khi đó, các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn (như dầu thô, gạo...) lại không thuộc diện sử dụng C/O mẫu D.
Còn với thị trường Nhật Bản (C/O mẫu AJ và VJ), trong số 18,85 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2018 sang Nhật Bản, Việt Nam đã cấp C/O ưu đãi cho lượng hàng hóa trị giá 7,13 tỷ USD, tương đương tỷ lệ tận dụng ưu đãi là 38%. Một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ tận dụng ưu đãi này chưa cao là do quy tắc xuất xứ mà Nhật Bản áp dụng rất chặt chẽ, được coi là chặt nhất trong số các FTA mà ASEAN đã ký với đối tác. Tuy nhiên, theo thống kê, 100% C/O từ Việt Nam được chấp nhận cho hưởng ưu đãi thuế quan tại Nhật Bản, rất ít trường hợp có yêu cầu kiểm tra, xác minh xuất xứ.
Thị trường Hàn Quốc (C/O mẫu AK và C/O mẫu VK) vẫn liên tục là một trong những thị trường dẫn đầu về nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam có tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA cao nhất. Năm 2018, Việt Nam đạt tỷ lệ tận dụng ưu đãi 60% (hàng hóa sử dụng C/O ưu đãi đạt trên 11 tỷ USD). Nhóm hàng tận dụng tốt nhất gồm thủy sản, hạt tiêu, cà phê, rau quả; gỗ và sản phẩm gỗ; giày dép; dệt may.
Dệt may là một trong những mặt hàng tận dụng tốt C/O ưu đãi xuất khẩu sang Hàn Quốc |
Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 782 triệu USD sang thị trường Chi-lê với tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi là 67%. Đây là tỷ lệ cao thứ hai trong số các FTA Việt Nam tham gia, chỉ sau Ấn Độ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có tỷ lệ sử dụng ưu đãi đi Chi-lê tương đối tốt như: giày dép (95%), gạo (74%). Tuy dung lượng thị trường Chi-lê không lớn nhưng tỷ lệ tận dụng ưu đãi khá cao. Tín hiệu tích cực này cho thấy DN Việt đã biết vận dụng tốt các ưu đãi FTA thông qua quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu hàng hóa.
PHÚC KHANG