Sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước 2015: Thể chế hóa đầy đủ, toàn diện quan điểm, định hướng của Đảng và đồng bộ với quy định pháp luật về Kiểm toán Nhà nước
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:05, 26/04/2019
Đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý tài chính công, tài sản công
Luật KTNN năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 đã thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về KTNN, tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức, hoạt động của KTNN góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, bảo đảm thiết chế KTNN có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Tuy nhiên, qua 3 năm thi hành Luật cho thấy còn một số vấn đề mới phát sinh cần phải giải quyết, một số quy định bộc lộ những bất hợp lý cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
ThS. ĐẶNG THẾ VINH Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước |
Quá trình xây dựng Dự án Luật, KTNN đã bám sát tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, tiến hành rà soát các quy định của Luật KTNN năm 2015 và các quy định pháp luật liên quan đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định về KTNN trong Hiến pháp năm 2013; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn hoạt động của KTNN, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Những nội dung sửa đổi,bổ sung chính yếu
Xuất phát từ quan điểm, mục tiêu sửa đổi Luật như trên, trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc ý kiến của UBTVQH, nội dung của Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 tập trung vào 7 vấn đề.
Kiểm toán viên nhà nước làm việc tại hiện trường - Ảnh: Huy Thành
Thứ nhất, Dự thảo Luật bổ sung nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng (PCTN) cho KTNN và sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan để phát huy vai trò của KTNN trong công tác PCTN theo quy định của Luật PCTN năm 2018. Theo đó, để bảo đảm sự thống nhất và tương thích giữa Luật KTNN với Luật PCTN và các luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý để KTNN thực hiện nhiệm vụ về PCTN, Dự thảo Luật bổ sung nhiệm vụ của KTNN tại Điều 10 “Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng”. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan để phát huy vai trò của KTNN trong công tác PCTN theo quy định của Luật PCTN năm 2018. Cụ thể, Dự thảo Luật bổ sung Điều 11 và Điều 46 quy định KTNN, Kiểm toán viên nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán có quyền xác minh để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật PCTN; bổ sung căn cứ ban hành quyết định kiểm toán đối với vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Để tạo cơ sở pháp lý cho tất cả cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có quyền khiếu nại, kiến nghị về kết quả kiểm toán, khiếu nại về hành vi vi phạm của thành viên Đoàn kiểm toán, Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung quy định làm rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tại Điều 68 Luật hiện hành. Cụ thể:
Quy định rõ nội hàm cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động KTNN tại khoản 1, Điều 68, bao gồm: cơ quan, tổ chức, DN có nghĩa vụ nộp NSNN; cơ quan, tổ chức, DN quản lý, sử dụng, khai thác khoáng sản, đất đai và tài nguyên khác; các cơ quan, tổ chức, DN khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Ghi rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan đã được quy định ở khoản 1, Điều 68 (bao gồm cả cá nhân liên quan của cơ quan, tổ chức đó) theo hướng sửa đổi khoản 2, Điều 68 như sau: Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của KTNN, Kiểm toán viên nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của thông tin, tài liệu đã cung cấp; thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán của KTNN, đồng thời gửi báo cáo kết quả cho KTNN.
Thứ hai, Dự thảo Luật bổ sung quy định về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và quyền khiếu nại của cơ quan, tổ chức có liên quan. Tại điểm d, khoản 2, Điều 7 Luật KTNN quy định báo cáo kiểm toán là căn cứ để đơn vị được kiểm toán thực hiện quyền khiếu nại. Trên thực tế, các đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán trong báo cáo kiểm toán có tác động đến đơn vị được kiểm toán và cả đơn vị, tổ chức có liên quan đến hoạt động quản lý tài chính, tài sản công, nhưng hiện Luật mới chỉ quy định “Báo cáo kiểm toán là căn cứ để đơn vị được kiểm toán thực hiện quyền khiếu nại” mà chưa cho phép đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý tài chính, tài sản công (bên thứ 3) thực hiện khiếu nại. Mặt khác, trong hoạt động kiểm toán, ngoài làm việc với đơn vị được kiểm toán thì trong một số trường hợp KTNN phải xác minh, đối chiếu với cá nhân, tổ chức có liên quan (bên thứ 3). Do đó, Dự thảo Luật bổ sung quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho tất cả cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có quyền khiếu nại, kiến nghị về kết quả kiểm toán, khiếu nại về hành vi vi phạm của thành viên Đoàn kiểm toán. Đồng thời, sửa đổi khoản 2, Điều 7 về báo cáo kiểm toán và khoản 2, Điều 69 về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN theo hướng mở rộng đối tượng được khiếu nại về hoạt động kiểm toán đối với tất cả cá nhân, tổ chức có liên quan.
Để bảo đảm sự thống nhất và tương thích giữa Luật KTNN với Luật PCTN và các luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý để KTNN thực hiện nhiệm vụ về PCTN, Dự thảo Luật bổ sung nhiệm vụ của KTNN tại Điều 10 “Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng”.
Thứ ba, về truy cập dữ liệu điện tử để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. Luật KTNN hiện hành không hạn chế phạm vi tiếp cận thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm toán của KTNN song chưa quy định rõ quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động kiểm toán. Do vậy, Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng cho phép thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước có quyền “truy cập vào dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và dữ liệu điện tử quốc gia; yêu cầu đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân có liên quan cùng truy cập phần mềm ứng dụng của đơn vị để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm toán”.
Thứ tư, về trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hạn chế tình trạng trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động KTNN. Theo Luật, KTNN được độc lập xây dựng và ban hành kế hoạch kiểm toán. Nhưng trong quá trình xây dựng kế hoạch kiểm toán, KTNN vẫn gửi lấy ý kiến Thanh tra Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức, đơn vị liên quan khác. Kế hoạch kiểm toán sau khi trình Quốc hội và xin ý kiến đại biểu Quốc hội mới ban hành và tổ chức thực hiện. Đặc biệt, KTNN và Thanh tra Chính phủ cũng đã ký Quy chế phối hợp công tác. Thông qua Quy chế phối hợp, việc giải quyết chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động kiểm toán giữa cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán mới chỉ thực sự thực hiện giữa KTNN với Thanh tra Chính phủ, còn đối với hoạt động của thanh tra địa phương, thanh tra chuyên ngành vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nguyên nhân là do việc xử lý chồng chéo vẫn chủ yếu được giải quyết trên cơ sở Quy chế phối hợp và các văn bản nội ngành, chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc rà soát, kiểm tra và xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Để khắc phục tình trạng này, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm cơ quan thanh tra, kiểm tra.
Kiểm toán viên nhà nước làm việc tại hiện trường - Ảnh: Thái Anh
Thứ năm, Dự thảo Luật bổ sung quy định chế tài đối với các hành vi vi phạm Luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan. Thực tế những năm qua, nhiều trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm Luật KTNN như: không cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu kiểm toán theo yêu cầu của KTNN; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời kiến nghị kiểm toán…, gây khó khăn cho hoạt động kiểm toán, không đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản pháp luật có liên quan chưa quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN nên chưa có biện pháp xử lý những trường hợp trên.
Từ thực tế hoạt động của Tòa án nhân dân cho thấy, cơ quan này cũng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (dù không có chức năng, quyền hạn của cơ quan hành pháp). Luật KTNN của nhiều nước đều quy định KTNN có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, như: Liên bang Nga, Ba Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia... Do vậy, Dự thảo sửa đổi Điều 71 theo hướng bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, quy định thẩm quyền, mức phạt tối đa trong lĩnh vực KTNN; quy định cụ thể do Chính phủ quy định.
Với tư cách “là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”, KTNN có vị trí độc lập khi thực hiện giám định tư pháp những vụ việc có liên quan đến quản lý nhà nước của các cơ quan, tổ chức trên các lĩnh vực. Việc KTNN tham gia vào nhiệm vụ thực hiện giám định về các nội dung chuyên môn liên quan phục vụ yêu cầu giải quyết các vụ án, nhất là án tham nhũng, kinh tế là một giải pháp quan trọng trong việc thúc đẩy giải quyết có hiệu quả các vụ án, vụ việc cần phải có cơ quan chuyên môn làm giám định tư pháp độc lập trong hoạt động tố tụng.
Thứ sáu, Dự thảo Luật bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công trong các vụ án tham nhũng, nhằm tạo cơ sở pháp lý để KTNN thực hiện các yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng về giám định đối với một số vụ việc cụ thể về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng... phục vụ cho giải quyết vụ án tham nhũng, kinh tế. Với tư cách “là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”, KTNN có vị trí độc lập khi thực hiện giám định tư pháp những vụ việc có liên quan đến quản lý nhà nước của các cơ quan, tổ chức trên các lĩnh vực. Việc KTNN tham gia vào nhiệm vụ thực hiện giám định về các nội dung chuyên môn liên quan phục vụ yêu cầu giải quyết các vụ án, nhất là án tham nhũng, kinh tế là một giải pháp quan trọng trong việc thúc đẩy giải quyết có hiệu quả các vụ án, vụ việc cần phải có cơ quan chuyên môn làm giám định tư pháp độc lập trong hoạt động tố tụng.
Luật KTNN hiện hành không hạn chế phạm vi tiếp cận thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm toán của KTNN song chưa quy định rõ quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động kiểm toán. Do vậy, Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng cho phép thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước có quyền “truy cập vào dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và dữ liệu điện tử quốc gia; yêu cầu đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân có liên quan cùng truy cập phần mềm ứng dụng của đơn vị để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm toán”.
Thứ bảy, sửa đổi, bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Trong đó, Dự thảo Luật bổ sung thẩm quyền ký thông tư liên tịch của Tổng Kiểm toán Nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phối hợp giữa KTNN và các cơ quan chức năng trong PCTN. Đồng thời, Dự thảo Luật mở rộng phạm vi ban hành quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước theo hướng: quy định và hướng dẫn chuẩn mực KTNN, quy trình kiểm toán, hồ sơ kiểm toán và phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng trong tổ chức và hoạt động kiểm toán cho phù hợp thực tiễn.
Ngoài ra, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung như: quy định về kiểm soát chất lượng kiểm toán; xử lý đối với trường hợp sau khi kết thúc một cuộc kiểm toán mà cơ quan thẩm quyền khác phát hiện vụ việc tham nhũng xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành kiểm toán về cùng một nội dung, cùng hồ sơ, tài liệu đã kiểm toán thì từng Đoàn kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán và cá nhân có liên quan đã tiến hành kiểm toán cuộc đó nếu có lỗi thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
ThS. ĐẶNG THẾ VINH
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước
Theo Báo Kiểm toán ra ngày 26-4-2019