KTNN tham gia giám định tư pháp góp phần bảo đảm sự độc lập, khách quan của kết luận giám định

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 07:05, 28/04/2019

(BKOT) - Tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức tại Đà Nẵng ngày 26/4, các chuyên gia tán thành cao với đề xuất bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho KTNN nhưng khuyến nghị KTNN cân nhắc một số vấn đề như phạm vi giám định và mối quan hệ giữa KTNN và các cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp của Chính phủ…


KTNN có vị trí độc lập khi thực hiện giám định tư pháp

Phát biểu Tại Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết: Trong những năm gần đây, nhu cầu giám định tư pháp ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, đầu tư, đất đai, tài nguyên... phục vụ cho việc giải quyết các vụ án kinh tế, vụ việc tham nhũng ngày càng lớn và thường xuyên hơn. Tuy nhiên, việc tiếp nhận và thực hiện giám định ở các lĩnh vực này còn chưa kịp thời, chất lượng và sự khách quan của kết luận giám định trong một số vụ việc còn chưa bảo đảm, chưa đáp ứng yêu cầu giải quyết của hoạt động tố tụng.

KTNN đã và đang thực hiện một số nhiệm vụ phát sinh như trưng cầu giám định tư pháp. Tuy nhiên, điều này chưa được quy định trong Luật KTNN năm 2015. Theo khoản 1 Điều 118 của Hiến pháp năm 2013, KTNN “là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”, do đó, KTNN có vị trí độc lập khi thực hiện giám định tư pháp đối với những vụ việc có liên quan đến quản lý nhà nước của các cơ quan, tổ chức trên các lĩnh vực.
                
   

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh phát biểu tại Hội thảo.

   
Để bảo đảm sự thống nhất và tương thích giữa Luật KTNN với Luật Giám định tư pháp và các luật có liên quan, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho KTNN thực hiện nhiệm vụ giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công, cần quy định tại Luật KTNN sửa đổi, bổ sung theo hướng bổ sung Điều 10 nhiệm vụ giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công trong các vụ án tham nhũng: “Thực hiện giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công trong các vụ án tham nhũng theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.”

Về đề xuất này, bà Nguyễn Thị Thụy - Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp nêu vấn đề: Hiện nay, khi các cơ quan tố tụng chủ yếu tập trung trưng cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan chuyên môn của nhà nước thực hiện giám định đang vấp phải những hạn chế rất lớn do nhiều trường hợp có liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm quản lý của chính Bộ, ngành, cơ quan đó, thì việc giao cho KTNN thực hiện giám định tư pháp về vấn đề quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công là một giải pháp tốt để bảo đảm sự độc lập, khách quan của kết luận giám định trong quá trình giải quyết nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn.
                
   

Bà Nguyễn Thị Thụy- Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp: Việc KTNN được trưng cầu và thực hiện giám định là một giải pháp quan trọng góp phần vào việc phòng, chống tham nhũng.

   
Do đó, việc KTNN được trưng cầu và thực hiện giám định về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công phục vụ cho giải quyết các vụ án, nhất là án tham nhũng, kinh tế là một giải pháp quan trọng góp phần vào việc bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu bức thiết của hoạt động tố tụng trong công cuộc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian tới.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng: Việc bổ sung nhiệm vụ này của KTNN là cần thiết vì Luật Giám định tư pháp chưa quy định KTNN là cơ quan có trách nhiệm lựa chọn, lập và công bố danh sách “người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý”. Luật Giám định tư pháp chỉ quy định về các Bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm này mà chưa quy định trách nhiệm của KTNN. Vì vậy, nếu cơ quan trưng cầu giám định muốn trưng cầu KTNN thì lại phải trưng cầu theo quy định về trường hợp đặc biệt tại khoản 2 Điều 20 Luật Giám định tư pháp.
                
   

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường: Việc bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp của KTNN là cần thiết.

   
Đại diện Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cũng cho rằng cần có quy định về vai trò giám định tư pháp của KTNN liên quan đến những sai phạm trong quản lý tài chính công, tài sản công.

Xác định rõ các lĩnh vực giám định tư pháp của KTNN

Để bảo đảm quy định về nhiệm vụ giám định tư pháp của KTNN chặt chẽ và chính xác hơn, theo bà Thụy, dự thảo Điều 10- nhiệm vụ giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công trong các vụ án tham nhũng nên được chỉnh lý như sau: “Thực hiện giám định về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo trưng cầu của cơ quan, người tiến hành tố tụng trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, theo quy định của Luật Giám định tư pháp và pháp luật khác có liên quan”. Bởi lẽ: Nếu giám định “tài chính công, tài sản công” thì chưa thực sự phù hợp với phạm vi chức năng của KTNN là đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đã được quy định tại Điều 9 của Luật Kiểm toán Nhà nước. Hơn nữa, theo quy định của pháp luật hiện hành thì chủ thể có thẩm quyền trưng cầu giám định không chỉ là cơ quan mà còn là người tiến hành tố tụng có thẩm quyền. Không chỉ có vậy, có nhiều trường hợp cần phải trưng cầu giám định trước khi có quyết định khởi tố vụ án, mới dừng lại là vụ việc nên cần bổ sung thêm từ “vụ việc” để bao quát hết các trường hợp và bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, theo bà Thụy, KTNN cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm một số vấn đề có liên quan khi thực hiện nhiệm vụ giám định tư pháp như mối quan hệ giữa KTNN - cơ quan do Quốc hội thành lập với Chính phủ - cơ quan hành pháp, cụ thể là Bộ Tư pháp - cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giám định tư pháp. Hay việc phân định phạm vi, nội dung giám định giữa KTNN với một số Bộ, cơ quan ngang Bộ có sự giao thoa về nội dung vấn đề cần xem xét, đánh giá, giám định như tài chính, ngân hàng, đầu tư, tài nguyên và môi trường…

Cũng băn khoăn về một số nội dung của Dự thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường nêu vấn đề: Luật Giám định tư pháp không quy định cụ thể các Bộ thực hiện giám định tư pháp về nội dung gì. Vì vậy, các Nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, đều có quy định về lĩnh vực giám định tư pháp của bộ. Ví dụ, Bộ Tài chính thực hiện giám định tư pháp về lĩnh vực kế toán, kiểm toán, thuế… Điều 2 Nghị định 81/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng quy định, Bộ này có nhiệm vụ, quyền hạn: Giám định tư pháp xây dựng, giám định nguyên nhân sự cố trong thi công xây dựng và trong quá trình khai thác, sử dụng công trình…

Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường đề nghị, nếu bổ sung nhiệm vụ của KTNN về giám định tư pháp cần phải nêu rõ giám định tư pháp về vấn đề gì. Nhiệm vụ này của KTNN không nên chỉ giới hạn trong giám định “về tài chính công, tài sản công trong các vụ án tham nhũng theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng” như Dự thảo. Thay vào đó, cần cân nhắc giám định tư pháp các lĩnh vực có liên quan đến hoạt động kiểm toán.

Bài và ảnh: THÙY ANH