Kết hợp mọi nguồn lực phát triển y, dược học cổ truyền

Xã hội - Ngày đăng : 13:05, 26/05/2016

(BKTO) - Làquốc gia được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều loài thực vật, cây thuốc quý hiếmnên tiềm năng phát triển y dược học cổ truyền trong phòng và chữa bệnh ở nướcta rất lớn. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để đưa y họccổ truyền phát triển xứng tầm với tiềm năng đòi hỏi phải có những giải pháp mangtính đột phá, sự kết hợp các nguồn lực đầu tư một cách hiệu quả.


Mặc dù tiềm năng phát triển vùng trồng dược liệu là rất lớn song Việt Nam vẫn phải nhậu khẩu 80% dược liệu từ Trung Quốc. Ảnh: TS
Phát triển chưa tương xứngvới tiềm năng
Tại Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 2166/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Kế hoạch hành động phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020” diễn ra mới đây, đại diện Bộ Y tế cho biết, 5 năm qua, ngành Y tế đã nỗ lực thực hiện có hiệu quả công tác phát triển y, dược cổ truyền trong chiến lược, các chương trình, đề án, chính sách chung của ngành Y tế và 7 nhiệm vụ chủ yếu trong Kế hoạch hành động của Chính phủ. Các chỉ tiêu cơ bản về phát triển y, dược cổ truyền đã gần đạt được mục tiêu Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và toàn diện trên các lĩnh vực phát triển y, dược cổ truyền, đóng góp chung vào thành tựu của ngành Y tế và khẳng định vị thế nền y học cổ truyền của Việt Nam. Mạng lưới khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền trong cả nước được củng cố và mở rộng; tỷ lệ khám, chữa bệnh kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại đều tăng so với năm 2010.

Tuy nhiên, thực tiễn quá trình triển khai thực hiện giai đoạn vừa qua còn bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề ngân sách và nguồn lực dành cho lĩnh vực y, dược cổ truyền còn hạn chế. Bà Trương Thị Thu Hương - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên chia sẻ: Việc đầu tư xây dựng nâng cấp Bệnh viện Y học cổ truyền toàn quốc giai đoạn 2014-2025 được xác định là một trong những ưu tiên của ngành Y tế, tuy nhiên thực tế triển khai rất khó khăn do nguồn vốn được cân đối ít trong khi ngân sách địa phương chưa hỗ trợ được nhiều. “Rất mong Chính phủ chỉ đạo ưu tiên bố trí vốn để các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp Bệnh viện Y học cổ truyền toàn quốc được thuận lợi và hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải” - bà Hương kiến nghị.

Ở góc độ DN chế biến và sản xuất thuốc từ dược liệu, ông Phùng Minh Dũng - Tổng giám đốc Công ty CP Dược Trung ương Mediplantex nêu thực tế, hiện nay chính sách ưu đãi đầu tư cho nuôi trồng dược liệu chưa cụ thể, chưa có chính sách bao tiêu sản phẩm dược liệu theo chuỗi từ vùng nuôi trồng dược liệu, bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Do đó, mặc dù tiềm năng phát triển vùng trồng dược liệu trên cả nước là rất lớn song phần lớn dược liệu chúng ta vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc (chiếm hơn 80%), nguồn gốc không xác định rõ ràng, dễ bị biến động và phụ thuộc về giá cả, chất lượng. Việc nuôi trồng dược liệu trong nước chủ yếu là manh mún, tự phát; kinh doanh dược liệu cũng chủ yếu là các cơ sở tư nhân nên khó kiểm soát, nhiều dược liệu bị giả mạo, kém chất lượng… Do đó, cần phải có một giải pháp đồng bộ từ nuôi trồng, sản xuất và kinh doanh dược liệu, thuốc từ dược liệu, thuốc y học cổ truyền.

Cần cái bắt tay giữa “bốn nhà”

Trong giai đoạn 2016-2020, ngành Y tế đặt mục tiêu tạo bước chuyển biến rõ rệt trong công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển mạnh y, dược cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân; củng cố và phát triển mạng lưới y, dược cổ truyền và Hội Đông y Việt Nam; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền…

Để đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, thời gian tới, phải kết hợp mọi nguồn lực để phát triển y học cổ truyền, cần có những giải pháp mang tính đột phá để có sự phát triển tương xứng năng lực đáp ứng của nền y học cổ truyền Việt Nam, nhất là chú trọng phát triển nguồn nhân lực.

Đề xuất giải pháp về phát triển nguồn dược liệu, ông Phùng Minh Dũng cho rằng, giải pháp quan trọng nhất để khắc phục tình trạng manh mún trong sản xuất, kinh doanh dược liệu đó là xây dựng cơ chế bắt tay hiệu quả giữa “bốn nhà”: nhà nông (người nuôi trồng), DN (sản xuất thuốc hoặc kinh doanh), nhà khoa học (các trường và viện nghiên cứu về dược liệu và thuốc) và Nhà nước (cơ quan quản lý dược liệu).

Đồng tình với việc tăng cường sự liên kết và phát huy nguồn lực “bốn nhà”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị, cần tăng cường phát triển các khu nuôi trồng dược liệu, đồng thời thương mại hóa các sản phẩm nam dược và tạo vị thế cho các sản phẩm nam dược trên thị trường. Đối với phát triển hệ thống điều trị, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, các địa phương cần tập trung nâng cấp, phát triển hệ thống y học cổ truyền trong các bệnh viện, lồng ghép khám, chữa bệnh y học cổ truyền với y học hiện đại. Đặc biệt, có thể lồng ghép một số dự án phát triển y, dược cổ truyền với các dự án y tế có nguồn vốn ODA nhằm giải quyết những khó khăn về tài chính.

ĐĂNG KHOA