Thương mại trên nền tảng số: Cần phải biến tiềm năng thành hiện thực!
Đối nội - Ngày đăng : 08:25, 02/05/2019
(BKTO) - Thương mại điện tử Việt Nam mặc dù đã bắt nhịp xu hướng mới của thế giới nhưng hạ tầng cho kinh tế số, thanh toán điện tử, an ninh mạng, nhân lực, khuôn khổ pháp lý vẫn còn nhiều hạn chế. DN Việt Nam, kể cả DN đang hướng đến thương mại điện tử vẫn rất khó khăn khi tiếp cận công nghệ hiện đại. Do đó, để tiếp cận và đẩy mạnh thương mại trên nền tảng số, Việt Nam rất cần khuôn khổ pháp lý và khung kỹ thuật để thực hiện cách mạng dữ liệu.
Tiềm năng song hànhcùng thách thức
Thực tế cho thấy, nền tảng thương mại điện tử có thể là cửa ngõ quan trọng để kết nối các thương hiệu trong nước với thị trường nước ngoài và là nguồn tăng trưởng mới trong tương lai cho các lĩnh vực truyền thống như sản xuất thực phẩm. Theo thống kê của các chuyên gia, hiện có khoảng 12% giao dịch hàng hóa toàn cầu đang thực hiện thông qua thương mại điện tử quốc tế, chủ yếu được hỗ trợ bởi các nền tảng như: Alibaba, Amazon, eBay, Flipkart và Rakuten.
Theo báo cáo "Cách mạng dữ liệu: Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội thương mại trên nền tảng số ở trong và ngoài nước như thế nào?" của Công ty AlphaBeta, Việt Nam đã và đang thu được giá trị đáng kể từ thương mại trên nền tảng số, nhưng giá trị này trong tương lai còn có thể cao hơn nhiều lần. Thương mại trên nền tảng số hiện mang lại cho nền kinh tế quốc nội giá trị 81.000 tỷ đồng và tiềm năng có thể lên đến 953.000 tỷ đồng vào năm 2030. Nếu coi thương mại trên nền tảng số là một ngành kinh tế thì giá trị xuất khẩu của ngành này hiện xếp thứ 8 với 97.000 tỷ đồng và dự kiến tiềm năng của kỹ thuật số sẽ tăng 570% đến trước năm 2030 với giá trị 652.000 tỷ đồng. Nhiều DN Việt Nam cũng đã gặt hái thành công lớn ở thị trường nước ngoài nhờ tận dụng các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới. Tuy nhiên, hầu hết các DN Việt vẫn chưa chạm tới cơ hội xuất khẩu, nhiều DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc thu hẹp khoảng cách với thị trường toàn cầu. Họ thường thiếu các nguồn lực để nghiên cứu cơ hội bán hàng ra quốc tế, xây dựng mạng lưới kinh doanh toàn cầu và quảng bá sản phẩm ra thế giới.
Tại Hội thảo “Cách mạng dữ liệu: Thương mại trên nền tảng số và cơ hội cho Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, Việt Nam đang có nhiều cơ hội lớn để đẩy mạnh thương mại trên nền tảng số, cụ thể như: quyết tâm của Chính phủ trong phát triển kinh tế số; nỗ lực thay đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất và khoa học công nghệ; hội nhập kinh tế và cơ hội từ dân số vàng. Trong đó, nguồn lực lớn nhất của Việt Nam nằm ở những người trẻ.
Tuy nhiên, nhìn vào hiện tại, thương mại trên nền tảng số ở Việt Nam cũng phải đối diện với 3 thách thức.
Trước hết là vấn đề dữ liệu, Việt Nam đang có yêu cầu về hình thành hệ thống dữ liệu quốc gia nhưng thực hiện việc này với thành phố 10 triệu dân như Hà Nội là rất khó khăn. Khung pháp lý cho dữ liệu mở, năng lực chuyên môn của khu vực công vẫn còn thiếu, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và sự phối hợp của các Bộ, ngành và chính quyền các cấp chưa đồng đều… Những hạn chế này dẫn đến thông tin của chúng ta hiện nay vừa thiếu, vừa không có độ mở, thậm chí nhiều DN Việt Nam cố tình giấu giếm thông tin với 2 - 3 loại sổ sách kế toán, 1 cái cho DN, 1 cái cho cổ đông và 1 cái cho Nhà nước để tính thuế. Vì vậy, Việt Nam không dễ xây dựng có hệ thống dữ liệu chuẩn để hoạch định chính sách.
Thứ hai, về quy định pháp luật, từ năm 2015 Nhà nước đã đưa ra một loạt quy định về phát triển công nghệ cao, Cách mạng công nghiệp 4.0, startup để thúc đẩy DN phát triển, thúc đẩy năng suất lao động. Nhưng các quy định kể trên chưa đủ minh bạch, nhất quán giữa các văn bản nên thiếu khả thi. Nhiều DN lúng túng về thương mại điện tử do vướng mắc về thanh toán điện tử, chữ ký điện tử...
Thứ ba, khó khăn do tập quán, văn hoá kinh doanh. DN Việt yếu vì chủ yếu là DN nhỏ và vừa, có nhiều hạn chế về quy mô, thương mại bán buôn bán lẻ nhiều mặt hàng làm phân tán, thiếu tính chuyên môn cần thiết, quản trị không hiệu quả, liên kết nội ngành, giữa các ngành với nhau vẫn yếu...
Việt Nam có thể tăng trưởng cao hơn các nước lân cận về tốc độ nhưng vẫn thua về khoảng cách do xuất phát điểm thấp. Thậm chí, cách đây 2 năm, chỉ số sáng tạo của Lào cao hơn Việt Nam và Lào đang có xu hướng vượt lên Việt Nam về chỉ số này, đây là điều khiến chúng ta “thức tỉnh” hơn và không có quyền hài lòng với những gì đã làm được - bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Cần xây dựng hành langpháp lý và khung kỹ thuật cho thương mại số
Phát biểu tại Hội thảo “Cách mạng dữ liệu: Thương mại trên nền tảng số và cơ hội cho Việt Nam”, ông Lê Quốc Hữu - Kiến trúc sư trưởng về Smart City, Tổng công ty Giải pháp DN Viettel - cho rằng, để biến tiềm năng thành hiện thực thì phải có giải pháp cụ thể và bắt đầu ngay từ bây giờ. Đặc biệt, việc đẩy mạnh thương mại trên nền tảng số phải được đánh giá ở hai khía cạnh, đó là xây dựng hành lang pháp lý và khung kỹ thuật để thực hiện cách mạng dữ liệu. Cuộc cách mạng dữ liệu chỉ có thể thực hiện được khi có sự chia sẻ giữa các bên để tạo nên sự lưu thông dữ liệu và những kho dữ liệu lớn, áp dụng công nghệ phân tích để xác định nhu cầu thị trường, thị hiếu của khách hàng, từ đó đưa ra quyết định kinh doanh đúng đắn.
Hiện nay, đối với Dự án Chính phủ điện tử, Chính phủ đang xây dựng Nghị định về chia sẻ dữ liệu, nhưng phạm vi của Nghị định này cần được mở rộng và áp dụng cho toàn bộ nền kinh tế số, trong đó có thương mại số. Đối với việc áp dụng công nghệ 4.0 cho thương mại số, chúng ta cũng cần phải xây dựng hành lang pháp lý, kỹ thuật thực hiện, đồng thời có những dự án thí điểm để triển khai những ứng dụng công nghệ này. Về tương lai, việc chia sẻ dữ liệu trong nền kinh tế số cần được quy định cụ thể trong luật, trong đó phải lưu ý vấn đề về bảo mật quyền riêng tư. Tất cả dữ liệu liên quan đến cá nhân trước khi được công khai cần phải được vô danh hóa đảm bảo quyền riêng tư của mỗi cá nhân.
Đồng quan điểm trên, ông Konstantin Matthies - đại diện Công ty AlphaBeta - đưa ra khuyến nghị, Việt Nam nên có hành động trong 3 lĩnh vực quan trọng để giải quyết những lo ngại liên quan đến thương mại số: một là, cụ thể hoá loại dữ liệu được chia sẻ, ranh giới chia sẻ và hình thức chấp thuận của người dùng, khuyến khích khả năng tương tác giữa các khung cơ sở kỹ thuật số; hai là, đặt ra những quy định về trách nhiệm trung gian trên internet một cách cân bằng, trong đó lưu ý đến chính sách “bến cảng an toàn” để quy định trách nhiệm của nền tảng đối với nội dung được phân phối qua internet; ba là, giảm bớt những yêu cầu nghiêm ngặt về việc thiết lập cơ sở lưu trữ dữ liệu ở địa phương, xem xét giảm thuế cho mặt hàng công nghệ thông tin, giảm bớt những hạn chế về đầu tư nước ngoài, chính sách cạnh tranh và luồng dữ liệu xuyên biên giới.
Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, DN Việt Nam cần khai thác cơ hội do thương mại trên nền tảng số mang lại dưới hình thức tăng cường tiếp xúc với các thị trường nước ngoài và nâng cao năng suất ở thị trường trong nước. Bên cạnh đó, thời gian tới, Chính phủ và các nhà tạo lập chính sách cần cân nhắc tầm quan trọng của thương mại trên nền tảng số đối với cả nền kinh tế trong nước lẫn bên ngoài trong quá trình xây dựng chính sách kinh tế và thương mại.
THÙY LÊ
Theo Báo Kiểm toán số 17+18 ra ngày 25-4-2019