Cần học tập kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán tài nguyên khoáng sản

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:05, 02/05/2019

(BKTO) - PGS,TS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân


Việt Nam là nước giàu tài nguyên nói chung và tài nguyên khoáng sản nói riêng. Nhu cầu cũng như thực tế việc sử dụng tài nguyên khoáng sản gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây cùng với nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc đã thúc đẩy kiểm toán trở thành biện pháp hữu hiệu để đánh giá việc quản lý, sử dụng tài nguyên khoáng sản một cách hiệu quả và bền vững.

         

   PGS,TS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA
   
Trên thế giới, Nhóm nghiên cứu về kiểm toán công nghiệp khai thác (WGEI) của INTOSAI được thành lập từ năm 2012 gồm cơ quan KTNN của các quốc gia giàu khoáng sản và quan tâm thực hiện kiểm toán tài nguyên khoáng sản.

Để học hỏi kinh nghiệm kiểm toán tài nguyên khoáng sản thì Mỹ, Ai Cập, Ấn Độ, Na Uy là các nước mà Việt Nam có thể tập trung học hỏi kinh nghiệm kiểm toán. Cùng với sự phong phú và đa dạng về nội dung kiểm toán, Mỹ đã có kinh nghiệm 40 năm về kiểm toán hoạt động khoáng sản nên có nhiều bài học về nội dung kiểm toán, kỹ thuật kiểm toán, tiêu chí đánh giá, tiêu chí lựa chọn nội dung kiểm toán... Ấn Độ là nước gần về vị trí địa lý, có quan hệ truyền thống lâu năm với Việt Nam và văn hoá có nhiều điểm tương đồng, nên trao đổi để học hỏi kinh nghiệm từ KTNN Ấn Độ sẽ có tính khả thi cao.

Từ năm 2012, KTNN Việt Nam đã triển khai thực hiện một số cuộc kiểm toán hoạt động khoáng sản, đó là: kiểm toán công tác quản lý, khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản năm 2012 tại 15 địa phương và kiểm toán cấp giấy phép thăm dò khai thác khoáng sản, quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2009-2012. Các kết quả dù chỉ là bước đầu nhưng cũng rất tích cực.

Theo kinh nghiệm của KTNN Mỹ, kiểm toán hoạt động quản lý tài nguyên của cơ quan chức năng nhà nước thì cần tập trung đánh giá tính hiệu lực quản lý theo 3 phương diện: một là, mức độ rõ ràng, cụ thể mục tiêu của cơ quan quản lý tài nguyên; hai là, liệu các cơ quan này có cách thức cụ thể và phù hợp để đạt được mục tiêu đã xác định; ba là, liệu cách thức có hoạt động hữu hiệu trên thực tế. Do tính chất phức tạp của nội dung hoạt động khoáng sản, kiểm toán hoạt động đánh giá mục tiêu 3E của từng nội dung hoạt động khoáng sản sẽ là thách thức lớn với các cơ quan KTNN. Hợp tác quốc tế để trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ sẽ giúp rút bớt thời gian và nâng cao kết quả, tác dụng kiểm toán. KTNN Việt Nam đã rất tích cực với hoạt động hợp tác quốc tế, đa phương và song phương, đã là thành viên của WGEI trong 15 năm qua nên có nền tảng và tiền đề hữu hiệu cho việc tiếp tục hợp tác về kiểm toán hoạt động khoáng sản trong thời gian tới.

Trong số 7 nội dung của hoạt động khoáng sản, nên có ưu tiên lựa chọn nội dung kiểm toán trong ngắn hạn và lựa chọn nội dung kiểm toán trong dài hạn. Việc ưu tiên nội dung kiểm toán nên xuất phát từ tính cấp thiết của nội dung kiểm toán trong bối cảnh Việt Nam cũng như theo xu thế thế giới. Bối cảnh Việt Nam hiện nay là áp lực cân đối NSNN và các vấn đề tồn tại trong quản lý, giám sát các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản như: khai thác tài nguyên trái phép, không phép xảy ra khá công khai; cấp phép thăm dò khai thác ngoài vùng quy hoạch, sai thẩm quyền; khai thác vượt công suất giấy phép; đơn vị khai thác khoáng sản không lập dự án cải tạo, phục hồi môi trường; không có thiết kế mỏ; không nộp tiền thuê đất; trì hoãn, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế tài nguyên và phí môi trường… Do đó, nội dung thu thuế và phí hoạt động khoáng sản, nội dung giám sát các hoạt động khoáng sản, nội dung cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản nên được coi là nội dung ưu tiên trong ngắn hạn. Tuy nhiên, quan điểm lâu dài là thực hiện nội dung các chính sách bền vững để sử dụng tài nguyên khoáng sản phục vụ phát triển bền vững và bao trùm.

Theo Báo Kiểm toán số 17+18 ra ngày 25-4-2019