Hoàn thiện chính sách, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 10:05, 02/05/2019

(BKTO) - Thực hiện chủ trương, định hướng của Chính phủ về việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), cùng với việc phát triển nhiều phương thức thanh toán mới hiện đại, dễ sử dụng cho khách hàng lựa chọn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế, chính sách về thúc đẩy TTKDTM nói chung cũng như thanh toán dịch vụ công nói riêng, nhằm đưa hoạt động thanh toán điện tử trở thành xu hướng ở Việt Nam.


Giao dịch thanh toán điện tử phát triển mạnh

Thời gian qua, ngân hàng là một trong những ngành chủ động đi đầu ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng các tiện ích cho khách hàng, thúc đẩy TTKDTM. Qua đó, thanh toán điện tử qua internet, điện thoại di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng.

Theo báo cáo của Vụ Thanh toán (NHNN), trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, hoạt động thanh toán của Việt Nam tiếp tục có những thay đổi mạnh mẽ. Theo đó, cả nước hiện có 26 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán ví điện tử. Đến ngày 31/12/2018, cả nước có 4,2 triệu ví đã liên kết với tài khoản ngân hàng. Năm 2018, toàn hệ thống xử lý 214 triệu món, đạt giá trị 91.000 tỷ đồng, giảm 4,5% so với năm 2017.

Giao dịch thanh toán điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ - Ảnh: Thái Anh

Cũng theo báo cáo, thanh toán điện tử đang phát triển rất mạnh. Đối với thanh toán điện tử liên ngân hàng, riêng năm 2018, toàn hệ thống xử lý thông suốt 73 triệu tỷ đồng giao dịch, tăng 25% so với năm 2017. Bình quân một ngày, hệ thống thanh toán điện tử ngân hàng xử lý giao dịch 300.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng cũng đạt gần 230 triệu giao dịch, tăng 19% so với năm 2017, với tổng số tiền giao dịch là 592.000 tỷ đồng. Số lượng giao dịch tài chính qua kênh internet đạt hơn 255 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch khoảng 16,2 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng với 33,6% và 19,5% so với cùng kỳ năm 2017. Số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt 185 triệu giao dịch với giá trị giao dịch đạt trên 1,8 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 41,4% và 169,5% so với cùng kỳ năm 2017. “Các dịch vụ và phương tiện thanh toán mới, hiện đại dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ viễn thông phát triển mạnh, tạo thêm kênh thanh toán mới, thuận tiện và đem lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng” - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Nghiêm Thanh Sơn đánh giá.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý

Nắm bắt xu thế phát triển của hoạt động thanh toán, NHNN chú trọng rà soát, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán, nhằm tiếp tục thúc đẩy TTKDTM. Theo đó, NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2019/TT-NHNN ngày 28/02/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng các tài khoản thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Thông tư này về cơ bản đã xử lý vướng mắc liên quan đến việc thực hiện Thông tư số 23/2014/TT-NHNN.

Trước đó, NHNN cũng đã công bố các yêu cầu kỹ thuật thẻ thanh toán nội địa công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc tại Việt Nam, tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Theo NHNN, việc áp dụng tiêu chuẩn thẻ chip sẽ gia tăng nhiều tính năng, tiện ích cho khách hàng, góp phần quan trọng thúc đẩy TTKDTM, nhờ những tiện ích về độ an toàn, bảo mật và tiện dụng. NHNN cũng đặt rõ lộ trình cho các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trong việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip.

Cũng nhằm thúc đẩy TTKDTM, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, NHNN đang chủ động nghiên cứu phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản ngân hàng; xác định hạn mức, số tiền tối đa được nạp vào ví điện tử và giao dịch hằng tháng (báo cáo Chính phủ trước quý III/2019). Bên cạnh đó, NHNN cũng nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm trong hoạt động công nghệ tài chính, nghiên cứu triển khai thí điểm việc sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán với những giao dịch có giá trị nhỏ, trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Cùng với hoàn thiện chính sách pháp luật, NHNN tiếp tục tập trung vào việc phát triển hoạt động TTKDTM. Cụ thể là theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công như: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội… Đầu tháng 4 vừa qua, Thống đốc NHNN đã có Văn bản yêu cầu các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đẩy mạnh thanh toán điện tử đối với dịch vụ công. Theo đó, các tổ chức này cần chú trọng nghiên cứu và tích cực triển khai áp dụng các giải pháp để cải tiến quy trình nghiệp vụ, tối ưu hóa quy trình xử lý nhằm cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán chất lượng, với chi phí hợp lý để thanh toán thuận tiện, nhanh chóng, an toàn đối với các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí... Đồng thời, nghiên cứu giải pháp về mô hình kết nối giữa các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống một cửa điện tử của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thanh toán điện tử đối với các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí...

Cùng với đó, ngành ngân hàng cũng nghiên cứu, có giải pháp khuyến khích và tạo thuận lợi phát triển thanh toán qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS); áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như: mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục mở rộng triển khai không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng, trả lương, thu nhập qua tài khoản; triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 17+18 ra ngày 25-4-2019