Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải: Biểu tượng của khát vọng hòa bình

Xã hội - Ngày đăng : 11:10, 02/05/2019

(BKTO) - Gần 50 năm sau ngày thống nhất, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (huyện Vĩnh Linh và huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đã trở thành “nhân chứng lịch sử”, từng mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước. Nơi đây từng có những trận chiến ác liệt trong mưa bom, bão đạn và cũng có những trận chiến ác liệt nhưng không một tiếng súng... Vượt qua chiến tranh, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải hôm nay trở thành biểu tượng của khát vọng hòa bình, đất lửa Quảng Trị đang chuyển mình mạnh mẽ trên con đường hội nhập, phát triển.



Di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

“Một thời đạn bom”...

Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương là ranh giới giữa hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh, thế nhưng, trong suốt hơn 2 chục năm (1954-1975), nơi đây đã trở thành ranh giới chia đôi hai miền Nam - Bắc của đất nước. Theo Hiệp định Geneve ngày 20/7/1954, vĩ tuyến 17, sông Bến Hải được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời; sau 2 năm sẽ thực hiện cuộc Tổng tuyển cử để thống nhất đất nước Việt Nam (dự định vào tháng 7/1956). Vậy mà, cả dân tộc phải thực hiện một cuộc trường chinh kéo dài hơn 20 năm đấu tranh gian khổ để thống nhất đất nước.

“Cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ - Cách một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa” (thơ Vân Khánh), chỉ hai câu thơ nhưng đủ để thấm thía nỗi xót xa khi đôi dòng người Nam - Bắc bị chia cắt, gia đình ly tán chỉ bởi đôi bờ sông, bởi sự tai ương, nghiệt ngã của chiến tranh. Khắc họa lịch sử bi thương xung quanh dòng sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, trong tác phẩm ký “Cắm cột mốc giới tuyến” và “Cầu ma”, nhà văn Nguyễn Tuân đã đếm từng nhịp cầu và xót xa trước số phận của những kiếp người đôi bờ Bến Hải. Ông gọi đó là “dòng sông không có đủ hai bờ”, là “sông tuyến” khi oằn mình gánh những oan khiên lịch sử.

Nơi đây từng có những trận chiến ác liệt trong mưa bom, bão đạn và cũng có những trận chiến ác liệt nhưng không một tiếng súng... Từ năm 1954 đến cuối năm 1964, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải im tiếng súng, nhưng trong gần 11 năm ấy, cuộc đấu trí, đấu lý rất gay gắt, quyết liệt đã diễn ra giữa ta và địch bên lề giới tuyến 17. Những cuộc chiến đấu đặc biệt, như: đấu cờ, đấu loa phóng thanh, cuộc chiến về màu sơn của chiếc cầu... đã trở thành một phần ký ức không thể phai mờ, khi nhắc đến địa danh đặc biệt này.

Chợ Đông Hà hôm nayChợ Đông Hà hôm nay

Nhắc lại cuộc chiến đổi màu sơn cầu, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình (huyện Gio Linh) vẫn nhớ như in những màn đấu trí nơi ranh giới hai miền. Ông bảo, Mỹ ngụy âm mưu dùng màu sơn để tạo nên hình ảnh chia cắt đất nước ta, chúng liên tục đổi màu sơn đầu cầu phía Nam. Nhưng với ý nguyện “thống nhất non sông”, chúng vừa sơn xong thì trong đêm, ta sơn nửa phần cầu bờ Bắc cho hòa một màu. Cứ thế, cầu Hiền Lương luôn thay đổi màu sắc. Hễ địch sơn một màu khác đi để tạo ra hai màu đối lập thì ta sơn lại thành một màu chung...

Rồi, nói về cuộc chiến âm thanh, thế hệ người đương thời vùng Bến Hải còn nhớ như in giọng ngâm thơ ngọt ngào của của nghệ sĩ Châu Loan, quê ở huyện Vĩnh Linh thời đó. Mỗi lần giọng thơ vang lên khiến địch bên kia bờ sông rất tức tối; hay tấm gương mẹ Nguyễn Thị Diệm, chiến sĩ Nguyễn Đức Lãng - người con của quê hương Vĩnh Linh - là những người đã giữ cho lá cờ Tổ quốc bên bờ Bến Hải được tung bay trong gió, mặc cho mưa bom, bão đạn của kẻ thù hòng đánh sập cột cờ...

Khởi sắc trên vùng đất lửa

Trong suốt hơn 20 năm, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải giống như “nhân chứng lịch sử”, mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước và khát vọng thống nhất non sông của dân tộc. Quân và dân hai bờ giới tuyến đã anh dũng, kiên cường vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm chiến đấu đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn chia cắt đất nước, viết lên bản hùng ca bất tử, cùng làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.

Chiến tranh đi qua đã để lại đôi bờ sông Bến Hải một cụm di tích tập trung, gồm: Cầu Hiền Lương, Kỳ đài, Cổng chào năm 1961, Nhà liên hợp, Đồn Công an nhân dân vũ trang Hiền Lương, Nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất”, Giàn loa phóng thanh ở bờ Bắc... Với những giá trị đặc biệt, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Ngoài việc bảo tồn các di tích, Lễ hội Thống nhất non sông được định kỳ tổ chức tại di tích vào ngày 30/4 hằng năm là hoạt động kỷ niệm ý nghĩa, đồng thời có tác dụng giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.

Nhưng mừng hơn cả, đó là cuộc sống của người dân nơi “đất thiêng” Quảng Trị đang ngày càng khởi sắc; quá khứ đói nghèo đang được đẩy lùi bởi bàn tay, khối óc của những người cần lao, trân quý. Giờ đây, đứng trên cầu Hiền Lương lịch sử, nhìn ra xung quanh là bạt ngàn màu xanh của sự sống, sự đổi thay của những làng quê “đất chết” một thời. Địa đạo Vịnh Mốc và các di tích lịch sử tấp nập du khách; chợ Đông Hà - nơi từng diễn ra những cuộc khám xét, truy lùng, bắt bớ của giặc - nay trở nên sầm uất, đông đúc; vùng Vĩnh Linh, Gio Linh dọc hai bờ Bến Hải xanh những thửa hồ tiêu trĩu hạt, những cánh đồng hoa bạt ngàn...

Quảng Trị hôm nay đã nỗ lực vươn lên và trở thành địa phương có tốc độ phát triển trung bình, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt hơn 43 triệu đồng; số hộ nghèo đã giảm xuống dưới 2 con số. Đáng chú ý, trong cơ cấu kinh tế của địa phương, khu vực dịch vụ chiếm 51,25%. Các hoạt động an sinh xã hội, trong đó có công tác giảm nghèo, thực hiện chính sách người có công... được địa phương đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, đảo Cồn Cỏ - nơi từng thiếu thốn đủ bề, nhất là điện - thì từ năm 2018, điện đã rọi sáng trên toàn đảo. Đời sống của người dân vì thế mà ngày càng ổn định để phát triển.

Chứng kiến sự khởi sắc ở nơi từng được coi là “đất chết” cách đây gần nửa thế kỷ, nhiều người sẽ bất ngờ, nhưng đó là sự bất ngờ không khó lý giải, bởi đây là thành quả do những người lao động trên vùng “đất thép” làm nên. Tin rằng, trong một tương lai không xa, những bàn tay, khối óc ấy sẽ đưa Quảng Trị, từ mảnh đất anh hùng trong chiến tranh vươn tới đỉnh cao hội nhập kinh tế. Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải sẽ tiếp tục là “nhân chứng lịch sử” để ghi lại những thành tích của mảnh đất anh hùng trong thời đại mới.
Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 17+18 ra ngày 25-4-2019