Tanzania: Rà soát tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững
Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 14:30, 02/05/2019
(BKTO) - Cơ quan Tổng Kiểm soát và Kiểm toán Tanzania (CAG) vừa qua đã công bố bản Báo cáo kiểm toán với tiêu đề “Kiểm toán hoạt động về tính sẵn sàng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc” của Tanzania. Báo cáo nhấn mạnh rằng, Chính phủ nước này vẫn chưa có những chuẩn bị đầy đủ liên quan đến việc xác định nguồn lực, năng lực cần thiết, xây dựng cơ chế giám sát, báo cáo cho việc thực hiện các SDG.
Nhiều thiếu sót trong thực hiệncác SDG
Vào tháng 7/2019 tới đây, Tanzania sẽ là một trong những quốc gia tự nguyện tham gia trình bày Báo cáo Đánh giá Quốc gia (VNR) về tiến độ thực hiện SDG tại Diễn đàn Kinh tế cấp cao của Liên Hợp Quốc về Phát triển bền vững, cùng với 49 quốc gia thành viên khác của Liên Hợp Quốc. Cuộc kiểm toán của CAG lần này nhằm rà soát tiến trình thực hiện SDG trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2018 để chuẩn bị cho việc hoàn thiện bản VNR năm nay.
Trong đợt kiểm toán này, CAG tập trung chủ yếu vào kiểm toán hoạt động tại Bộ Tài chính và Kế hoạch (MoFP) và Cơ quan Quản trị khu vực và Chính quyền địa phương (RALG). Đây là 2 cơ quan thực thi quan trọng đối với Chương trình nghị sự 2030 của Chính phủ Tanzania. Các kiểm toán viên đã đánh giá tính thích ứng của Chương trình nghị sự 2030 đối với bối cảnh quốc gia; việc xác định và huy động các nguồn lực, năng lực để thực hiện; giám sát và đánh giá theo dõi, báo cáo về tiến độ thực hiện SDG.
CAG cho rằng, MoFP và RALG đã không đạt được những kết quả như kỳ vọng trong việc thực hiện SDG. Những thiếu sót chính mà CAG đưa ra trong Báo cáo liên quan đến: cơ chế phù hợp để tích hợp Chương trình nghị sự 2030 vào các chương trình hành động quốc gia; các đánh giá cơ bản về hiệu quả của các hội thảo nâng cao nhận thức được thực hiện ở cấp quốc gia và địa phương; các kế hoạch phân bổ nguồn lực ngân sách từ cấp quốc gia đến cấp cộng đồng cho các chiến dịch nâng cao nhận thức về SDG; cơ chế cho sự tham gia của các bên liên quan và sơ đồ xác định các bên liên quan chính, vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của họ trong quá trình ra quyết định.
CAG cũng chỉ trích MoFP đã không thiết lập được sự gắn kết toàn diện về mặt chính sách trong việc thực hiện SDG. Các kiểm toán viên cũng bày tỏ những lo ngại liên quan đến việc giám sát, đánh giá và báo cáo về việc thực hiện SDG, trong đó lưu ý, MoFP đã không đưa ra các chỉ số về hiệu quả thực hiện và đường cơ sở để giám sát, báo cáo tiến độ, cũng như thiếu năng lực về tài chính, nhân lực và phương tiện để thu thập và phổ biến dữ liệu.
Cần xây dựng cơ chế điều phối, giám sát, đánh giá đồng bộ
Qua cuộc kiểm toán này, CAG khuyến nghị MoFP và RALG cần nhanh chóng xây dựng chiến lược thực hiện ở cấp quốc gia; tiến hành đánh giá các biện pháp can thiệp và đánh giá nhu cầu năng lực; đồng thời xác định các phương pháp mới để huy động nguồn lực thực hiện. Cơ quan Kiểm toán cũng cho rằng, MoFP cần kêu gọi sự tham gia tích cực hơn của các bên liên quan, bao gồm chính quyền và người dân, trong các chiến dịch nâng cao nhận thức, đồng thời khẩn trương xây dựng biểu đồ xác định vai trò, nhiệm vụ của các bên liên quan.
CAG cũng kêu gọi lãnh đạo MoFP và RALG cần xây dựng một cơ chế đồng bộ cho công tác điều phối, giám sát và báo cáo về việc thực hiện các SDG; chuyển các SDG thành những hướng dẫn cụ thể, đảm bảo tất cả các Bộ, ngành và chính quyền địa phương xem xét các kế hoạch chiến lược của họ để tích hợp các mục tiêu này vào chương trình hành động, phù hợp với các ưu tiên và nguồn lực quốc gia; thiết lập một hệ thống đồng bộ để thu thập dữ liệu từ các chính quyền địa phương.
Với bản Báo cáo này, CAG kỳ vọng sẽ giúp Chính phủ Tanzania có một bức tranh toàn cảnh về tiến trình thực hiện các SDG, để từ đó cải thiện các chiến lược nhằm hoàn thành 17 SDGs của Liên Hợp Quốc và xây dựng một cơ chế phát triển bền vững cho cộng đồng.
Diễn đàn Kinh tế cấp cao của Liên Hợp Quốc về Phát triển bền vững là một diễn đàn quan trọng để các đại biểu cùng nhau thảo luận về những tiến triển mà các quốc gia đã đạt được trong tiến trình thực thi các SDG, qua đó xác định những việc đã làm được và chưa làm được dựa trên báo cáo tiến độ hằng năm của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Được biết, trong Diễn đàn năm ngoái tổ chức từ ngày 09 - 19/7/2018 tại New York, Hoa Kỳ, đã có 47/193 quốc gia, bao gồm 11 quốc gia châu Á, đã tự nguyện tham gia trình bày VNR trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để báo cáo về quá trình thực hiện các Kế hoạch quốc gia hướng tới SDG. Diễn đàn năm nay dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 09 - 18/7 với chủ đề “Trao quyền và đảm bảo sự công bằng cho người dân”.
NGỌC QUỲNH
Theo Báo Kiểm toán số 17+18 ra ngày 25-4-2019