Bản hùng ca về một thế hệ “xếp bút nghiên” lên đường chiến đấu
Xã hội - Ngày đăng : 14:35, 02/05/2019
(BKTO) - Trong những năm 1970-1972, thực hiện lệnh tổng động viên, hơn một vạn sinh viên miền Bắc đã “xếp bút nghiên” để đến với các chiến trường miền Nam. Những người lính - sinh viên ấy đã góp chung vào thành quả đấu tranh, giải phóng dân tộc và trở thành biểu tượng cho một thế hệ tri thức sẵn sàng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Nơi hàng nghìn sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội “xếp bút nghiên” lên đường chiến đấu, nay được dựng bức tượng đài ghi công đầy ý nghĩa giáo dục cho thế hệ trẻ
Xếp bút nghiên, trở thành chiến sĩ
Thế hệ “Xếp bút nghiên lên đường cầm súng” (thơ Trần Anh Phương) khi ấy gồm các giảng viên, sinh viên của hơn 30 trường đại học, trung học miền Bắc, chủ yếu là Thủ đô Hà Nội, từ Bách khoa, Tổng hợp, Sư phạm, Mỏ - địa chất, Y dược... Ra đi từ giảng đường, họ được huấn luyện một thời gian rồi được bổ sung vào các đơn vị ra chiến trường.
Cũng giống như bao thanh niên khác, theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1971, chàng sinh viên Khóa 51, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Phạm Thành Hưng cùng bạn bè “xếp bút nghiên” lên đường đi chiến đấu đúng vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lúc lên đường, ông chỉ mới 17 tuổi - chưa đủ tuổi nhập quân, nhưng có thừa ý chí đấu tranh. Buổi lễ xuất quân ngày 06/9 năm ấy đã đi vào ký ức của người lính già, khi hơn 300 sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp gói sách vở, nhận hành trang lên đường nhập ngũ, chuẩn bị cho Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ một sinh viên văn, ông trở thành anh lính pháo cao xạ 37 ly của Đại đội 6, Tiểu đoàn 12, thuộc Sư đoàn quân tiên phong 308, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị.
Chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm là ký ức đặc biệt với cựu chiến binh Phạm Thành Hưng. Ông kể, cả đơn vị canh giữ bảo vệ và quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, không cho quân địch chiếm Thành cổ. “Lúc đó, chúng tôi bảo nhau khắc tên mình, quê quán, cha mẹ vào mặt sau chữ “Phúc” rồi gói vào túi nilon, cho vào bên ngực để dẫu có hy sinh vẫn biết được danh tính” - ông Hưng bồi hồi nhớ lại.
Từ mái trường Đại học Bách khoa Hà Nội, hơn 3.000 cán bộ, sinh viên đã lên đường nhập ngũ trong suốt những năm kháng chiến, trong đó, riêng ngày 06/9/1971 có hơn 600 giảng viên, sinh viên tòng quân. Gần 50 năm trôi qua, ông Nguyễn Dũng - cựu sinh viên Khoa Chế tạo máy K15 - vẫn không quên được giây phút chia xa Hà Nội vào đầu hè 1972. Từ ga Kép (Bắc Giang), đoàn tàu chở tân binh sinh viên đi vào ga Quán Hành (Nghệ An) rồi từ đó bộ hành vào chiến trường. Cựu chiến binh Nguyễn Dũng là lính thông tin của Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, trực tiếp tham gia chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ trong mùa hè đỏ lửa 1972 rồi đến Chiến dịch Tây Nguyên, Xuân Lộc, Chiến dịch Hồ Chí Minh. “Khoảnh khắc biết mình chuẩn bị rời xa mái trường, rời xa Thủ đô, chúng tôi đều xúc động, nhưng tất cả đều sục sôi khí thế lên đường, nên những thoáng buồn đều mau chóng được xua tan” - người cựu binh chia sẻ.
Gắn bó với chiến trườngvà nhà trường
Trong số hơn 300 sinh viên “xếp bút nghiên” lên đường chiến đấu của Trường Đại học Tổng hợp ngày ấy, không đầy năm chục người trở về. Đa phần các anh đã ngã xuống, nằm rải rác trên khắp chiến trường Quảng Trị.
Ký ức mà người lính Phạm Thành Hưng còn nhớ mãi là vào ngày 23/4/1972, Đại đội pháo của ông bị tấn công và hy sinh đến 1/3 số người. Một đồng đội bị thương rất nặng nằm trên tay ông, “Lúc đó, máu đồng đội chảy trên tay, mà mình chẳng thể làm gì, chỉ bất lực nhìn đồng đội lạnh dần và hy sinh” - ông nghẹn ngào và bảo còn biết bao nhiêu chàng trai đã ngã xuống như thế, khi họ đang ở tuổi đẹp nhất...
Chiến tranh qua đi, song nó cũng đã để lại những vết thương không thể lành trên cơ thể người lính Phạm Thành Hưng. Tai phải của ông bị thủng màng nhĩ do sức ép của pháo kích. Giờ đây, mỗi lần nói chuyện, ông vẫn luôn cố gắng lắng nghe bằng bên tai còn lại. Bất chấp những di chứng chiến tranh, ông vẫn từng ngày, từng giờ “chiến đấu” trên mặt trận tri thức để trở thành người thầy mẫu mực của bao thế hệ sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội hôm nay.
Nhà giáo Nguyễn Dũng (cựu chiến binh Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng kể lại những câu chuyện cảm động về tình đồng chí, đồng đội trong chiến tranh. Ông bảo, có nhiều người đã mang theo những kỷ vật của đồng đội đã hi sinh trong chiếc ba lô của mình đi khắp chiến trường với mong muốn khi mình trở về thì đồng đội cũng như cùng được trở về. Chiến tranh kết thúc, ông trở lại học tiếp đại học, rồi trở thành giảng viên của Trường. Thế nhưng, ký ức về chiến trường xưa, về những đồng đội còn nằm lại nơi đất thiêng Quảng Trị vẫn đeo đuổi trong tâm trí ông. “Đất nước im tiếng súng nhưng nhiều đồng đội vẫn đang nằm đâu đó trên chiến trường, chưa được quy tập về nghĩa trang” - ông trăn trở.
Từ năm 1977, những liệt sĩ đầu tiên do chính ông Dũng hoặc đồng đội chôn cất đã được ông tìm thấy và đưa về trong sự mừng vui khôn xiết của gia đình liệt sĩ. Cũng từ đó đến nay, ông cứ lặng lẽ tìm kiếm, đi đến tất cả nơi đâu có tin về đồng đội chỉ với nguyện vọng đưa được họ về với quê hương, dù chỉ là chút di cốt...
Nhà giáo Phạm Thành Hưng và nhà giáo Nguyễn Dũng là hai trong số không nhiều người lính - sinh viên xếp bút nghiên ra trận đã may mắn trở về. Rời đi từ mái trường, họ lại trở về và gắn bó với mái trường xưa cho đến hôm nay. Thế hệ ấy giờ là gạch nối giữa quá khứ với hiện tại, là câu chuyện chưa bao giờ cũ để thế hệ hôm nay mãi tự hào về truyền thống dân tộc. Họ trở về với cuộc sống đời thường, nhưng chất thép và nghị lực sống của mỗi người lính năm xưa vẫn là nguồn cảm hứng sống cho bao thế hệ trẻ. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Tổ quốc ghi công lớp lớp thầy giáo, sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và đóng góp xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc. Tinh thần yêu nước mãi mãi là ngọn lửa soi sáng các thế hệ thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước trở thành quốc gia giàu mạnh, hòa bình và hạnh phúc”.
Bài và ảnh: PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 17+18 ra ngày 25-4-2019