Doanh nghiệp công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước
Đối nội - Ngày đăng : 08:05, 10/05/2019
(BKTO) - Sáng 9/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” và với khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam”.
Khoảng 1000 đại biểu đã tham dự diễn đàn- Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tại diễn đàn, khoảng 1000 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam đã tập trung thảo luận, chia sẻ về thực trạng ứng dụng và phát triển công nghệ Việt Nam để giải quyết các bài toán của Việt Nam, các bài toán sản xuất kinh doanh cần giải pháp công nghệ trong thời gian tới. Thành công của một số doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giúp các tổ chức, doanh nghiệp đổi mới sản phẩm, dịch vụ; trong việc thay đổi mô hình hoạt động, quản trị, đem lại hiệu quả cao.
Đặc biệt là thực trạng và đề xuất chính sách để thúc đẩy phát triển công nghệ Việt Nam, DN công nghệ và hệ sinh thái tương ứng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Các giải pháp kết nối DN công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế như nông nghiệp, y tế, dịch vụ công… Kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ cũng như kinh nghiệm phát triển kinh tế xã hội dựa vào phát triển doanh nghiệp công nghệ...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao chủ đề của Diễn đàn về “khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường”; đồng thời Thủ tướng gợi mở một số vấn đề.
Thứ nhất, công nghệ là nhân tố chính để tăng trưởng kinh tế, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển.Vấn đề lớn đặt ra hiện nay và thời gian tới, đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp thịnh vượng, hơn 50% dân là ở tầng lớp trung lưu. Và làm thế nào để có bước tiến dài, mạnh mẽ như vậy? Theo Thủ tướng, phải chăng đó là một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đó là khoa học và công nghệ, là doanh nghiệp công nghiệp. Muốn thoát bẫy thu nhập trung bình thì điều đầu tiên là phải làm chủ công nghệ và quản lý, có năng lực phát minh, sáng chế ra những công nghệ mới, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tiến lên trình độ đi đầu trong thiết kế, sản xuất sản phẩm chất lượng cao.
Nhất trí với ý kiến đại biểu rằng Việt Nam chúng ta mới đang trong giai đoạn chủ yếu là mua các dây chuyền công nghệ, việc mua công nghệ nguồn còn rất ít, Thủ tướng cho rằng, thời gian tới, Việt Nam không chỉ hấp thụ công nghệ để làm chủ công nghệ và tích lũy năng lực mà cần phải phát minh, sáng chế công nghệ. Đó là con đường duy nhất và tất yếu dẫn đến một quốc gia hùng cường. Dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ này sẽ đi ra toàn cầu, giải quyết các bài toán toàn cầu.
Vấn đề thứ hai mà Thủ tướng gợi mở là doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để thực hiện khát vọng một dân tộc “hóa rồng” vào năm 2045. Với xu thế sôi động không thể đảo ngược của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nền kinh tế số thì các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng, vai trò bản lề cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Nền kinh tế dựa vào tài nguyên và nhân công giá rẻ sẽ không còn là lợi thế lâu dài. Vì vậy, đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn của doanh nghiệp và của nền kinh tế.
Thủ tướng dẫn chứng một vài số liệu như hiện thương mại trên nền tảng số đem lại cho nền kinh tế Việt Nam khoảng 3,5 tỷ USD, tương đương 1,7% GDP và dự báo sẽ đạt 42 tỷ USD vào năm 2030 thông qua thúc đẩy công nghệ số để tăng năng suất lao động, giảm chi phí. Con số và tỷ lệ này cần cao hơn nữa, cần tăng theo cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng.
Ở Việt Nam hiện nay, trong lĩnh vực ICT (công nghệ thông tin và truyền thông), có gần 50.000 doanh nghiệp đang hoạt động với doanh thu khoảng 100 tỷ USD. Mục tiêu sắp tới là có 100.000 doanh nghiệp và thay vì lắp ráp, gia công thì chuyển hướng mới với doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm Việt Nam, giải quyết bài toán Việt Nam và từ đó, đi ra nước ngoài.
“Chúng ta qua phân tích đều thấy tiềm năng cho phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là rất lớn, không cần phải bàn cãi. Con người Việt Nam thông minh, sáng tạo, cần cù lao động. Một thị trường gần 100 triệu dân, công nghệ sẽ đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, sẽ tạo ra một quốc gia thông minh”, Thủ tướng nói.
Cách mạng 4.0 là cơ hội vàng cho những ý tưởng sáng tạo
Thứ ba, chính cuộc cách mạng 4.0 là cơ hội vàng cho những ý tưởng sáng tạo mới thay đổi trật tự kinh doanh. Các nền kinh tế sẽ chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào yếu tố đầu vào truyền thống như lao động giá rẻ, đất đai, tài nguyên… sang mô hình tăng trưởng do công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy. Nhiều ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động sẽ mất lợi thế cạnh tranh, thu hẹp sản xuất. Cơ hội cho chúng ta trong cuộc cách mạng này đến từ chính sự nỗ lực giải quyết những thách thức đó, kết hợp tối đa với lợi thế của Việt Nam trong thời đại số. Do đó, chúng ta cần tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và công nghệ lạc hậu sang chủ yếu dựa vào công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng tin tưởng với không ít lợi thế về phát triển công nghệ thông tin và lợi thế nguồn lực dân số vàng, Việt Nam dù đi sau vẫn có thể thành công nếu nắm được cơ hội, có chiến lược đúng đắn, chương trình hành động cụ thể, kịp thời triển khai, thực thi quyết liệt, hiệu quả.
Thứ tư, chúng ta cần phải vượt qua rào cản, thách thức với bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Thủ tướng cho rằng, Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức sẽ là khởi đầu quan trọng, tiếp tục tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ, sớm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển.
Vì vậy, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có nhiệm vụ nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa nền kinh tế lên các bậc cao hơn trong chuỗi giá trị.
Trong tiến trình này, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ thực hành khẩu hiệu hành động: Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất.
Do đó, những câu hỏi đặt ra như doanh nghiệp Việt Nam có thể giải quyết bài toán của Việt Nam mang ra nước ngoài được hay không? Trong khoảng 10 năm trở lại đây, những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên thế giới đã có chiến lược xây dựng hệ sinh thái xung quanh các sản phẩm cốt lõi, thế mạnh của họ để duy trì và phát triển lợi thế cạnh tranh. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm gì, tham gia thế nào? Và nâng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lên tầm khu vực và thế giới bằng cách nào?
Vấn đề thứ năm, theo Thủ tướng, thời gian không chờ đợi, cơ hội không tự đến cho nên phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn trong thời đại kỹ thuật số. Việc bứt phá từ tư duy đến hành động, những phương thức kinh doanh cũ kỹ cần phải nhường chỗ cho phương thức kinh doanh dựa trên công nghệ và sáng tạo là một yêu cầu đặt ra tại Diễn đàn lần này.
Thủ tướng tham quan Triển lãm công nghệ Việt Nam - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng nhắc lại câu “cơ hội đến và không bao giờ trở lại, cái chúng ta cần làm và làm ngay là hành động, hành động và hành động kịp thời hơn nữa”. Vì vậy, sau Diễn đàn quan trọng này, chúng ta sẽ nhận một sứ mệnh lịch sử với tên gọi “phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam” để vượt qua thách thức, bẫy thu nhập trung bình, đưa đất nước tiến tới sự thịnh vượng.
Sau 30 năm lắp ráp, gia công, đã đến lúc và chúng ta có đủ điều kiện cơ bản để chuyển sang sáng tạo, làm ra các sản phẩm và công nghệ Việt. Người Việt Nam có đủ tố chất tốt để sáng tạo công nghệ và sản phẩm công nghệ. Chúng ta cần xây dựng và tuyên bố một cách dứt khoát, rõ ràng một chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam: Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất (Make in Việt Nam). Đây là tuyên bố của chúng ta tại Diễn đàn hôm nay, Thủ tướng nhấn mạnh.
Từ tinh thần ấy, Thủ tướng nêu ra một số giải pháp. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần phát huy được tinh thần "có công mài sắt, có ngày nên kim”. Doanh nghiệp cần nhận thức đúng về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, không phải đơn thuần chỉ thay đổi những gì chúng ta đang làm mà thực sự nó làm thay đổi chính chúng ta. Chính vì vậy, chúng ta khuyến khích các doanh nghiệp lớn đã thành công trong môi trường quốc tế về Việt Nam thể hiện tinh thần trách nhiệm dẫn dắt phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cần đặt sứ mạng doanh nghiệp gắn liền với sứ mạng quốc gia.
Đối với Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước, Thủ tướng cho biết, sẽ sớm ban hành trong năm 2019 Chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm hướng tới một nền kinh tế và xã hội số để tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ.
Muốn có doanh nghiệp công nghệ, việc tạo ra thị trường là quan trọng nhất. Không có gì lan tỏa nhanh công nghệ bằng sức mạnh của thị trường. Vì vậy, để “Make in Việt Nam” thành công thì đầu tiên, then chốt nhất phải là hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó, đặc biệt coi trọng đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển của từng cấp, từng ngành và từng doanh nghiệp. “Mọi doanh nghiệp, mọi ngành, trong nhân dân, các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương đều ứng dụng sử dụng công nghệ thì chắc đó là thành công của các bạn”, Thủ tướng nói.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thủ tướng đồng ý chủ trương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển bằng việc thí điểm xây dựng các khu công nghệ, khu đổi mới sáng tạo có nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ. Thủ tướng cho biết, sẽ có văn bản giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu việc đổi mới giáo dục dạy ICT và ngoại ngữ bắt buộc từ cấp tiểu học để nâng cao năng lực tiếp cận và kỹ năng công nghệ thông tin.
Thủ tướng bày tỏ ủng hộ về nguyên tắc cho thí điểm triển khai các mô hình kinh tế mới, mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số tại một số địa phương, một số ngành, nghiên cứu tổng kết để áp dụng trên toàn quốc.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, thể hiện khát vọng xây dựng một nền kinh tế tự cường, chung sức đồng lòng thực hiện sứ mệnh lịch sử quyết không để đất nước chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình, quyết tâm xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp nêu ra các kinh nghiệm, vướng mắc, kiến nghị hết sức sâu sắc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tin soạn thảo chỉ thị hoặc chiến lược hay chương trình hành động về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam để trình Thủ tướng trong tháng 6, từ đó, tạo cơ sở pháp lý để triển khai.
Năm 2018, ngành công nghiệp công nghệ thông tin ước đạt doanh thu khoảng 98,9 tỷ USD tăng trưởng 8%, trong đó công nghiệp phần cứng điện tử đạt 88 tỷ USD, công nghiệp phần mềm 4,3 tỷ USD, dịch vụ CNTT 5,7 tỷ USD, và công nghiệp nội dung số trên 800 triệu USD. Tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 94 tỷ USD, xuất siêu khoảng 26 tỷ USD. Năm 2018, công nghiệp công nghệ thông tin ước tính đóng góp gần 50.000 tỷ đồng cho NSNN và tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động. |
PHÙNG NGUYÊN (tổng hợp)