Phát triển kinh tế số và hội nhập CPTPP

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 15:47, 13/05/2019

(BKTO) - Kinh tế số và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là 2 trong số 6 chuyên đề thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 thu hút được nhiều ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách. Theo các chuyên gia, phát triển kinh tế số là nền tảng quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Còn hội nhập CPTPP là mở rộng cánh cửa cho hàng Việt ra thế giới.


Tạo dựng nền tảng phát triển kinh tế số

Theo ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025 (nghiên cứu của Google và Temasek - Singapore). GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi thành công sang kinh tế số (nghiên cứu của Data 61 - Australia).

Tuy nhiên, khái niệm “kinh tế số” ở Việt Nam còn chưa rõ ràng. Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Sử dụng kinh tế số sẽ góp phần tăng năng suất lao động. Trong nền kinh tế số, các DN sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh sang mô hình hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng.
Ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - nhấn mạnh, trong bối cảnh Cách mạng công nghệ 4.0, phát triển kinh tế số là sự hội tụ của hàng loạt công nghệ mới cho phép DN xử lý khối lượng công việc lớn, thông minh hơn, tạo ra cấp độ mới trong phát triển kinh tế.

Từ kinh nghiệm tại Anh, ông Brian Hull - Tổng Giám đốc Tập đoàn hàng đầu về công nghệ điện và tự động hóa ABB Việt Nam - chia sẻ, muốn phát triển kinh tế số, trước hết cần thúc đẩy kinh tế số ở mọi thành phần và tìm giải pháp thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ cho cả bộ phận DN nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, cần phải đảm bảo an toàn an ninh mạng và quan trọng hơn cả là phát triển nhân lực - đây là tiền đề đảm bảo thúc đẩy sự phát triển kinh tế số.

Chỉ ra thách thức của Việt Nam trong phát triển kinh tế số, ông Bùi Quang Ngọc - Tập đoàn FPT - cho rằng, thách thức lớn nhất là khoảng cách giữa hoạch định và thực thi chính sách. Nhiều đại biểu cho rằng, cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, chuẩn hóa những lĩnh vực mới trong các văn bản pháp luật; cần phải thúc đẩy kết nối dữ liệu liên thông giữa các cơ quan, tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia để dùng chung.

Hướng đến mục tiêu Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT đang dự thảo Nghị định chia sẻ, kết nối dữ liệu với khái niệm “Open Data” (dữ liệu mở) để tạo cơ chế thu thập cơ sở dữ liệu minh bạch, rõ ràng và phù hợp thông lệ quốc tế nhằm tăng cường hiệu quả cung cấp dịch vụ công cho người dân, DN. Đồng thời, Chính phủ đang giao Bộ TT&TT xây dựng Đề án về chuyển đổi số quốc gia. Theo Dự thảo, phạm vi chuyển đổi số gồm 3 lĩnh vực chính là với DN, cơ quan nhà nước và xã hội, chia làm 3 giai đoạn. Mục tiêu đến năm 2025, 50% DN phải kinh doanh trên nền tảng số. Công nghiệp số phải đạt được khoảng 20% GDP. Đối với cơ quan nhà nước, 80% dịch vụ công ở mức 4 (mức cao nhất) và đa số giao dịch giữa người dân, DN với cơ quan quản lý thực hiện trên môi trường số hoá…

Tăng cường hội nhậpvà bứt phá nhờ CPTPP

Sự kiện Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam vào tháng 01/2019 thu hút sự quan tâm của cộng đồng DN. Vì thế, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân, các đại biểu đã nêu rõ những cơ hội, thách thức và giải pháp cho DN Việt tận dụng và bứt phá thành công nhờ CPTPP.
Theo các chuyên gia, Hiệp định CPTPP sẽ tạo lực đẩy cho Nhà nước và DN hoàn thiện hơn quan hệ hợp tác công - tư. Tuy nhiên, đến nay, đa phần DN trong nước vẫn chưa nắm bắt được đầy đủ nội dung Hiệp định, cũng như phải làm gì để tận dụng được lợi thế từ CPTPP.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - khẳng định, CPTPP là cơ hội đặc biệt để DN tiếp tục cải thiện năng lực cạnh tranh, vượt qua chính mình để hội nhập từ bên trong thông qua thực hành các tiêu chuẩn của CPTPP. Theo đó, cùng với việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan, CPTPP mang lại lợi ích cho các DN xuất khẩu. Tuy vậy, CPTPP cũng mang đến những thách thức nhất định. Đối với các DN, thách thức là khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn và vượt qua các rào cản về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn đối với Nhà nước, thách thức đặt ra là tư duy quản lý chưa theo kịp sự phát triển kinh tế, vẫn còn những hiện tượng “làm khó” với hàng xuất khẩu.

Trao đổi với các DN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, Nhà nước sẽ đồng hành cùng DN nhưng sự chủ động của DN là cần thiết, là yếu tố quyết định sự thành bại của DN trong hội nhập CPTPP.

Tuy nhiên, từ góc độ của ngành được đánh giá là tác động lớn nhất bởi CPTPP, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may - cho rằng, ngành dệt may đang rất cần những định hướng của Chính phủ và Bộ Công Thương để tạo dựng nền tảng. Theo đó, cần xây dựng quy hoạch, phát triển ngành dệt may tầm nhìn 2035-2040, đặt vai trò của Chính phủ với các địa phương, các khu công nghiệp, đầu tư vào công nghiệp dệt, nhuộm. Bộ Công Thương phải là trụ cột trong chiến lược xây dựng nền tảng công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, da giày…

Đối với ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Quốc Toản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đề xuất, trong giai đoạn CPTPP vừa ký kết, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền cho DN về CPTPP. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các DN và hiệp hội ngành hàng. Bên cạnh đó, trong nội tại ngành nông nghiệp cần thực hiện tái cơ cấu, thực hiện sản xuất bằng chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng thông qua chế biến. Trong khi Nhà nước là người kiến tạo, xử lý những vấn đề mang tính quốc gia, thể chế thì DN phải là người chủ động quyết định đối với vấn đề phát triển thị trường…
QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 19 ra ngày 9/5/2019