Nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt

Đầu tư - Ngày đăng : 14:00, 13/10/2016

(BKTO) - Việt Nam là một trong những quốc giaxuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam đang đứngtrước nhiều khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thịtrường. Vì vậy, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), đưa kỹthuật mới vào sản xuất để nâng cao chuỗi giá trị nông sản là một trong nhữngyêu cầu tất yếu hiện nay


CNC trở thành đòi hỏi bức thiết

Theo đánh giá của các nhà khoa học, 5 năm gần đây, công nghệ đã đóng góp khoảng 30% trong giá trị tăng trưởng của ngành Nông nghiệp nước ta. Phát triển nông nghiệp CNC đã được Nhà nước quan tâm, thể hiện qua các chủ trương chính sách lớn như: Đề án phát triển nông nghiệp CNC đến năm 2020; Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC thuộc Chương trình quốc gia phát triển CNC đến năm 2020.

Ứng dụng CNC vào sản xuất là hướng đi đúng đắn nhất cho nông nghiệp Việt Nam hiện nayẢnh: TK

Theo đó, mục tiêu là đến năm 2020 hình thành và phát triển gần 300 DN nông nghiệp ứng dụng CNC tại mỗi vùng sinh thái nông nghiệp và 3-5 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC tại mỗi vùng kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, thực tế là hiện nay nông nghiệp Việt Nam vẫn còn rất manh mún, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, sức cạnh tranh kém…

Ông Đinh Minh Hiệp - Trưởng Ban quản lý khu nông nghiệp CNC TP.HCM - đã thừa nhận trong một Hội thảo gần đây, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 với mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao” thì đến thời điểm này, việc triển khai còn chậm và khoa học công nghệ chưa đóng góp tương xứng với tiềm năng; nền nông nghiệp vẫn là khu vực kinh tế tăng trưởng theo chiều rộng. Hơn nữa, mục tiêu tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ, chọn tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi và tăng hiệu quả sản xuất cũng không đạt được.

Lấy ví dụ từ một ngành hàng cụ thể là lúa gạo, GS. Võ Tòng Xuân - Chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp - cho hay, nông sản Việt Nam rất phong phú nhưng nông dân vẫn phải cực nhọc sản xuất mà lợi nhuận luôn thấp hơn các ngành, nghề khác. Giá gạo xuất khẩu luôn bị thương lái quốc tế mua thấp hơn gạo các nước trong khu vực. Thậm chí người tiêu dùng Việt Nam cũng không tin tưởng gạo Việt Nam. Từ đó dẫn đến hiện tượng, gạo Việt khi đem bán trên thị trường được dán nhãn bao bì gạo Thái Lan hoặc Campuchia. Nguyên nhân là do giá thành gạo Việt cao, trong khi chất lượng kém, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm do kỹ thuật canh tác lạc hậu…

Đảm bảo sự phát triển bền vững cho nông nghiệp

Phát biểu tại Hội thảo “Ứng dụng CNC, kỹ thuật mới để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt” diễn ra mới đây tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Quốc Vọng - Đại học RMIT (Úc) - nhấn mạnh, nông sản Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là tình trạng biến đổi khí hậu, mất an toàn vệ sinh thực phẩm... Do đó, hơn bao giờ hết, nông nghiệp Việt Nam cần một bước đột phá để vượt lên những rào cản. Lựa chọn CNC áp dụng vào sản xuất nông nghiệp là hướng đi đúng đắn nhất cho sự đột phá đó. CNC trong nông nghiệp không nhất thiết phải là công nghệ tiên tiến nhất, đắt tiền nhất hay nổi tiếng nhất mà là công nghệ mang lại chất lượng tốt nhất, an toàn nhất với giá rẻ nhất để thỏa mãn yêu cầu của thị trường. Nền nông nghiệp trong nước cần tập trung triển khai hiệu quả sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểm soát chặt chẽ từ khâu giống, sản xuất, thu hoạch, vận chuyển tiến tới các khâu an toàn sau thu hoạch (bao bì, bảo quản) rồi tiêu thụ.

Coi việc áp dụng CNC, kỹ thuật mới là khâu then chốt, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững cho nền nông nghiệp trong nước, TS. Nguyễn Thanh Mỹ - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rynan Agrifood - đã chỉ ra một số công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại như: Sử dụng phân bón thông minh; ứng dụng công nghệ điện toán đám mây và Internet vạn vật trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản để theo dõi chất lượng đất, nước, phân bón nhằm mục đích quản lý, phân phối và giảm khí nhà kính hiệu quả hơn; ứng dụng công nghệ đóng gói bao bì cải tiến (MAP) và khí cải tiến cân bằng (EMAP) để giảm lượng hư hỏng nông sản, thực phẩm; giảm tầng lớp trung gian, phát triển thương mại điện tử và hệ thống bán hàng tự động để phân phối nông sản và thực phẩm; ứng dụng Internet và thiết bị di động để truy xuất nguồn gốc, chống giả, thông tin sản phẩm và thanh toán trực tuyến…

GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh, để phát triển nông nghiệp, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế thì phải chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Muốn làm được điều này, Nhà nước cần đầu tư thích đáng cho nông nghiệp, nông thôn. Nông dân phải được đào tạo, có tay nghề, kiến thức, kỹ năng đủ để tham gia hoạt động kinh tế cạnh tranh; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, tập trung giống chất lượng, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý; áp dụng kỹ thuật GAP vào sản xuất.

T.TÙNG - N.LỘC