Tận dụng không gian chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
Đầu tư - Ngày đăng : 14:00, 13/10/2016
(BKTO) - Tại Hội thảo “Tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinhtế nội địa - trường hợp của ngành chế biến xuất khẩu gỗ và ngành bán lẻ” vừađược Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội cácnhà bán lẻ Việt Nam (AVR) tổ chức, các chuyên gia nhấn mạnh, hiện không gianchính sách hỗ trợ cho các ngành sản xuất không còn nhiều, nhưng Việt Nam vẫn cóthể sử dụng các công cụ bảo hộ như: tự vệ thương mại, chống bán phá giá, chốngtrợ cấp tạo thành các hàng rào kỹ thuật.
Tiềm năng phát triển lớn
Ngành chế biến gỗ hiện là ngành đang có sự phát triển rất mạnh, kim ngạch xuất khẩu đã tăng 6 lần trong vòng 10 năm (2004-2014) và là ngành duy nhất cán đích mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trước 5 năm (năm 2015 đã đạt kim ngạch xuất khẩu 6,9 tỷ USD trong khi mục tiêu năm 2020 là 7 tỷ USD). Tính đến cuối năm 2015, cả nước có khoảng 3.900 DN, 340 làng nghề chế biến gỗ. Với việc Việt Nam tham gia và ký kết các Hiệp định thương mại tự do, các DN ngành gỗ sẽ có thêm nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Mặc dù cán đích mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trước 5 năm, nhưng các DN ngành gỗvẫn phải đối mặt với một loạt rủi ro tiềm ẩn khi hội nhậpẢnh: TS
Đối với thị trường bán lẻ Việt Nam, theo công bố mới đây của một Công ty Nghiên cứu thị trường Đức, năm 2015 đã đạt doanh thu trên 100 tỷ USD và dự kiến năm 2016 còn cao hơn rất nhiều. Với quy mô thị trường hơn 90 triệu dân cùng tốc độ tăng trưởng doanh thu luôn đạt hai con số, thị trường bán lẻ của Việt Nam luôn hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước với 50% số DN có hoạt động bán lẻ, 1.750 dự án FDI trong lĩnh vực bán lẻ chuyên sâu và khoảng 2 triệu hộ kinh doanh cá thể.
Bên cạnh tiềm năng là xu thế hội nhập, ngành bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự thâm nhập mạnh mẽ của các nhà bán lẻ nước ngoài. Sự xuất hiện ồ ạt của các đại gia bán lẻ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan được ví như một làn sóng đang “quét” qua thị trường bán lẻ Việt Nam. Từ năm 2014 đến nay, nhiều tập đoàn nước ngoài lớn đã thâm nhập vào thị trường với vốn đầu tư “khủng” như Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đã đầu tư hơn 13 tỷ Yên và theo kế hoạch, đến năm 2020 sẽ mở 20 trung tâm mua sắm tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Tập đoàn Lotte Mart (Hàn Quốc) cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 60 trung tâm với tổng vốn đầu tư 3,2 tỷ USD. Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan đã chi 655 triệu Euro để mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ Metro Cash & Carry Việt Nam. Đầu tháng 5, Central Group (Thái Lan) đã thôn tính toàn bộ chuỗi siêu thị Big C với giá hơn 1 tỷ USD, sau khi đã mua lại 49% cổ phần của DN sở hữu hệ thống bán lẻ điện máy Nguyễn Kim năm 2015…
Hỗ trợ DN “nội” sao cho hiệu quả?
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) - hiện đang có 2 luồng quan điểm về hỗ trợ cho các ngành kinh tế nội địa, một là hỗ trợ những ngành, DN yếu phát triển hơn, hai là hỗ trợ những ngành, DN mạnh phát triển thành đầu tàu kéo các ngành, các DN khác phát triển theo. Tuy nhiên, dưới quan điểm của bà Trang, cần phải xem xét đến yếu tố hỗ trợ như thế nào cho hiệu quả khi mà nguồn lực nhà nước luôn thiếu và dư địa chính sách đang hẹp dần theo cam kết hội nhập.
Dưới góc nhìn của Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tuy không gian chính sách bị thu hẹp đáng kể nhưng kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi nên vẫn được các nước khác nhân nhượng hơn trong thực thi các hiệp định. Vấn đề là Việt Nam nên chủ động thiết kế các chính sách cần thiết và có lợi cho DN hoặc các ngành sản xuất trong nước. Chính phủ và DN cần phải tận dụng dư địa này; Chính phủ hỗ trợ không phải bằng vật chất mà phải tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, phải kết nối các nguồn lực.
Theo các chuyên gia, mặc dù ngành gỗ phát triển mạnh nhưng các DN đang đối mặt với một loạt rủi ro tiềm ẩn liên quan tới khả năng đáp ứng yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu, thiếu hệ thống kiểm soát chuỗi cung, bảo đảm tuân thủ pháp luật về lao động, thiếu hiểu biết về các quy định của nhiều thị trường xuất khẩu và rủi ro phát sinh từ những hạn chế trong khả năng kiểm soát các yếu tố thị trường có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu… Chuyên gia Tô Xuân Phúc của Tổ chức Forest Trend (Hoa Kỳ) nhấn mạnh, để loại bỏ những rủi ro này, các DN ngành gỗ cần chủ động hơn trong hội nhập. Cụ thể, DN cần tìm hiểu rõ để tuân thủ các quy định mà Việt Nam cam kết, đồng thời tìm hiểu kỹ thông tin thị trường xuất khẩu, nhất là các yêu cầu về mặt quy chuẩn kỹ thuật, cũng như tăng cường trách nhiệm giải trình.
Với ngành bán lẻ, theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội AVR - giữ vai trò kết nối không thể thiếu giữa sản xuất với tiêu dùng, sự vận hành của hoạt động bán lẻ rất quan trọng với các ngành sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng ở cả góc độ sản phẩm đầu ra, các yếu tố đầu vào và tỷ suất lợi nhuận. Trong bối cảnh hội nhập, việc phải cạnh tranh mạnh mẽ với các nhà bán lẻ lớn trên thế giới khiến các DN Việt Nam đang bộc lộ những yếu kém về tính chuyên nghiệp, năng lực quản lý, công nghệ kiểm soát quy trình… Để hỗ trợ DN trong nước, cần có các chính sách thúc đẩy hình thành các trung tâm giao dịch kết nối nhà bán lẻ, nhà sản xuất; tăng cường kiểm soát nhà nước về chất lượng hàng hóa; ưu đãi đầu tư đối với ngành bán lẻ, khuyến khích cho vay tín dụng cho các nhà bán lẻ nhỏ và vừa.
PHÚC KHANG