Cần có sự đánh giá toàn diện để phát triển nhân lực lao động chất lượng giai đoạn 2021-2030
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 15:55, 15/05/2019
(BKTO) - Ngày 14/5, tại Hà Nội, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Viện Hanns Seidel thuộc Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức Hội thảo “Định hướng chiến lược lao động- việc làm và phát triển kỹ năng giai đoạn 2021-2030” .
Hội thảo nhằm tham vấn các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia, các nhà khoa học về kết quả thực hiện các chính sách lao động- việc làm và giải pháp đột phá phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021- 2030.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, yêu cầu đặt ra là phải có sự đánh giá toàn diện cả những mặt được và chưa được, những thành tích và hạn chế; phương pháp đánh giá phải khoa học và khách quan, dựa trên bằng chứng.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp phát biểu tại Hội thảo. |
Đặc biệt, việc xác định các định hướng chiến lược, mục tiêu nhiệm vụ cho giai đoạn tới cần dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn, phân tích bối cảnh mới, các yếu tố tác động và đặt trong mối quan hệ với các mục tiêu kinh tế- xã hội khác.
Các chính sách lao động, việc làm và phát triển kỹ năng phải đặt con người là trung tâm, thực sự vì người lao động bất kể họ là ai và đang làm ở ở đâu. Yêu cầu đặt ra cho 10 năm tới là phải hoàn thiện thể chế thị trường lao động. Đảm bảo thị trường lao động được vận hành đầy đủ theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường, theo quy luật cung cầu để lao động xã hội được phân bố và sử dụng hiệu quả.
Muốn vậy, pháp luật về lao động phải là sân chơi bình đẳng, loại bỏ các rào cản cho mọi hoạt động lao động. Chính sách lao động việc làm và phát triển kỹ năng cũng phải được thiết kế theo hướng bao trùm, để không ai bị bỏ lại phía sau, tăng cường công bằng xã hội và phát triển bền vững quyền của người dân và của người lao động phải được tôn trọng và đảm bảo trong thực tế.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cũng nhận định, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức to lớn, có tính thời đại như già hóa dân số. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ thu hẹp quy mô lực lượng lao động, thay đổi cơ cấu việc làm.
Các đại biểu tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến về các nội dung: Tổng quan về chính sách lao động, việc làm và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2018, thành tựu và những vấn đề đặt ra; tương lai việc làm ở Việt Nam; phát triển lực lượng lao động trong bối cảnh Việt Nam đổi mới; cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các vấn đề đặt ra cho phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn 2021-2030...
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Mạnh Dũng |
Đại diện đến từ Viện Hanns Seidel lưu ý, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập công nghệ 4.0 đã đem lại nhiều lợi ích nhưng đồng thời cũng có hệ lụy ảnh hưởng tới lực lượng lao động của Việt Nam, trong 55 triệu lao động có tới 75% người không có trình độ hoặc có chất lượng làm việc thấp, dễ bị thay thế bởi máy móc, đặc biệt trong khu vực phi chính thức. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước nếu không tìm được những giải pháp cải thiện phù hợp.
Từ đó, các ý kiến cũng đề xuất các giải pháp để từng bước hoàn thiện thể chế về thị trường lao động; tháo gỡ khó khăn nảy sinh, hướng đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thời kỳ 2021-2030; nâng cao khả năng dự báo về thị trường việc làm của cơ quan quản lý...
Đặc biệt, vai trò của giáo dục nghề nghiệp là một trong những vấn đề được nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm, nhấn mạnh, bởi đây là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực lao động.
NGUYỄN LỘC