Phân cấp mạnh hơn thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản công

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 22:15, 16/05/2019

(BKTO) - Ngày 16/5, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.


Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Để triển khai thi hành luật, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 26 văn bản, bao gồm: 14 nghị định của Chính phủ, 1 nghị quyết của Chính phủ, 5 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 8 thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính…

Đã có 11 bộ, ngành và 62 địa phương ban hành quy định về phân cấp quản lý tài sản công; có 6 bộ, ngành và 15 địa phương ban hành quy định về phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng; 3 bộ, ngành và 5 địa phương ban hành quy định về phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức công trình sự nghiệp thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

Theo ông La Văn Thịnh- Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, một số loại tài sản và lĩnh vực còn thiếu văn bản quy định chi tiết hoặc không còn phù hợp với luật, nhưng chưa được thay thế, sửa đổi, bổ sung, như: việc quản lý, khai thác quỹ nhà, đất do công ty quản lý kinh doanh nhà quản lý, việc chuyển đổi mô hình chợ, tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, một số loại tài sản kết cấu hạ tầng khác; tiến độ ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích trụ sở chuyên dùng, công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng còn chậm, mới có khoảng 50% bộ, ngành, địa phương ban hành đã ảnh hưởng tới việc đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và xử lý tài sản.

Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành luật. Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng trong lĩnh vực quản lý.
                
   

Một số bộ chậm ban hành văn bản hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công

   
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà khẳng định: Việc quản lý tài sản công theo luật đã được thực hiện nghiêm túc và có kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, qua phản ánh của các Bộ, ngành, địa phương cho thấy: Việc phân cấp quản lý tài sản công cần được phân cấp mạnh hơn nữa, tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền quyết định phương án xử lý, sắp xếp tài sản công, kể cả việc quyết định hình thức bán đấu giá tài sản trên đất để nộp NSNN; một số quy định (nghị định), cần làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh cũng như đối tượng áp dụng, đặc biệt là việc sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất thuộc DNNN 100% vốn do nhà nước sở hữu cũng như trên 50% vốn của nhà nước. Trong đó, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chuyển sang mô hình công ty mẹ, công ty con cũng cần hướng dẫn cụ thể để thực hiện.

Hội nghị là dịp để Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, các địa phương đánh giá những kết quả đã đạt được, những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện cơ chế chính sách, đồng thời các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tài chính trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện, nhằm phát huy hiệu quả việc quản lý, sử dụng tài sản công.

THÙY ANH