Làm rõ đối tượng có liên quan đến hoạt động kiểm toán
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:36, 20/05/2019
(BKTO) - Để đảm bảo thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật, khắc phục tình trạng chống đối, gây khó khăn cho hoạt động kiểm toán của KTNN, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 quy định theo hướng làm rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động KTNN.
Đã có quy định nhưngchưa rõ ràng
Theo Luật KTNN hiện hành, đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tại khoản 1, Điều 68 Luật hiện hành cũng quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động KTNN có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của KTNN, Kiểm toán viên nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của thông tin, tài liệu đã cung cấp.
Trong quá trình thực hiện kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán áp dụng phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán để thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán; kiểm tra, đối chiếu, xác nhận, điều tra đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, làm cơ sở cho ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán về nội dung đã kiểm toán. Khoản 2, Điều 11 Luật KTNN quy định, KTNN có quyền yêu cầu đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu phục vụ cho việc kiểm toán.
Luật KTNN hiện hành chưa quy định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hoạt động kiểm toán - Ảnh: NGỌC BÍCH
Để bảo đảm đúng Luật, thời gian qua, khi tiến hành kiểm tra, đối chiếu đối với các đơn vị, tổ chức có liên quan (bên thứ 3), KTNN phải thực hiện thông qua cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước (Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường). Tuy nhiên, do nhận thức và áp dụng pháp luật chưa thống nhất nên một bộ phận không nhỏ có quan niệm khi không là đơn vị được kiểm toán thì không chịu sự kiểm toán của KTNN. Vì vậy, trong thực tế, KTNN đã gặp không ít các trường hợp đơn vị có hành vi chống đối, không hợp tác, không chấp hành cung cấp tài liệu, gây khó khăn cho hoạt động của KTNN.
Làm rõ quyền, nghĩa vụcủa các đơn vị có liên quan
Để có cơ sở thực hiện kiểm toán đối với một số hoạt động và đối tượng có liên quan, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành một số văn bản mang tính chuyên môn như: Kiểm tra, đối chiếu số liệu báo cáo của người nộp thuế khi kiểm toán tại cơ quan thuế, hải quan trong cuộc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tại các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; hướng dẫn kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất khu đô thị; kiểm toán chuyên đề công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2014-2016… Tuy nhiên, do Luật chưa quy định rõ cơ quan, tổ chức liên quan nên các văn bản trên chỉ có tính chất hướng dẫn trong nội bộ.
Trong quá trình tổ chức hội thảo, lấy ý kiến xây dựng Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015, nhiều đại biểu cũng thống nhất cho rằng, quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đối với hoạt động kiểm toán nhà nước” trong Luật KTNN là chưa rõ ràng, còn chung chung, dễ dẫn đến sự áp dụng pháp luật một cách tùy tiện. Do đó, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định này để đảm bảo hiệu quả thi hành pháp luật.
PGS,TS. Đinh Trọng Hanh - nguyên Kiểm toán trưởng KTNN khu vực X - đề xuất, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 cần bổ sung một số quy định về hoạt động kiểm toán tại các đơn vị có liên quan, gồm: Quy định về phân nhóm, xác định rõ vị trí các nhóm đơn vị có liên quan; quy định mục đích và hình thức tổ chức hoạt động kiểm toán tại các đơn vị có liên quan. Đồng thời, cần quy định rõ quyền, trách nhiệm của KTNN, cơ quan nhà nước quản lý thuế, tài nguyên và các đơn vị có liên quan. Theo đó, căn cứ vào tính chất hoạt động liên quan tại các đơn vị có liên quan và yêu cầu kiểm toán để xác định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong hoạt động kiểm toán trên. Ngoài các quy định hiện hành, cần bổ sung quy định: KTNN có quyền quyết định kiểm tra thu thập bằng chứng kiểm toán tại đơn vị có liên quan; Đơn vị được kiểm toán có trách nhiệm chấp hành và phối hợp theo yêu cầu của KTNN trong cuộc kiểm tra tại đơn vị có liên quan; Đơn vị có liên quan có trách nhiệm chấp hành quyết định kiểm tra của KTNN.
Tiếp thu các ý kiến góp ý, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 quy định làm rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tại Điều 68 của Luật hiện hành. Đồng thời, để có cơ sở pháp lý khi tiến hành đối với các đối tượng kiểm toán là các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, Dự thảo Luật quy định theo hướng giao Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định trình tự, thủ tục kiểm tra, đối chiếu trong thực hiện kiểm toán đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Đ. KHOA