Giải bài toán vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Đầu tư - Ngày đăng : 14:57, 20/05/2019
(BKTO) - Vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn luôn là một trong những vấn đề được nhiều chuyên gia, nhà quản lý và chính các DNNVV quan tâm hàng đầu, khi mà đa phần các DN này vẫn khó tiếp cận vốn.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn
Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mục tiêu Việt Nam đặt ra là đến năm 2020, cả nước có 1 triệu DN hoạt động. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, chúng ta mới có gần 700.000 DN. Như vậy, để đạt được mục tiêu, chúng ta chỉ còn hơn 1 năm nữa để phát triển thêm khoảng 300.000 DN mới đi vào hoạt động.
Bên cạnh đội ngũ DNNVV đăng ký thành lập mới trong thời gian tới, kỳ vọng hoàn thành mục tiêu trên đang được trông chờ vào sự chuyển đổi của các hộ kinh doanh thành DN, bởi lực lượng này đang chiếm quân số khá đông, tới hơn 2 triệu hộ. Thế nhưng, thực tế cho thấy, nhiều hộ kinh doanh cá thể lại không muốn trở thành DN. Để khắc phục thực trạng này, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, Bộ Tài chính đã có Thông tư hướng dẫn hỗ trợ hộ kinh doanh thành DN. Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu của pháp luật, hệ thống kế toán của hộ kinh doanh cá thể cũng phải phù hợp để khi trở thành DN, họ có cơ hội tiếp cận vốn.
Tiếp cận nguồn vốn cũng là thách thức không nhỏ đối với các hộ kinh doanh cá thể. Hiện nay, theo báo cáo, khoảng 70% DNNVV chưa tìm ra nguồn vốn. Câu hỏi được nêu ra là vấn đề vướng mắc nằm ở đâu, có phải do mô hình, năng lực quản trị của DN?
Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) - nhận định, các giải pháp về thuế và tín dụng có vai trò rất quan trọng đối với DN, nhất là với DNNVV. Thuế mang tính động lực, còn vốn giúp DN có thể đột phá, chủ động trong hội nhập, nhưng vẫn có chính sách thuế, tín dụng khiến DN vất vả...
Chung nhận định trên, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế - cũng cho rằng, các chính sách đang nghiêng về an toàn cho cơ quan quản lý, nặng rủi ro cho DN. Để tạo môi trường cho DN phát triển, cơ quan quản lý nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện bình đẳng cho các DN.
Theo đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), thực tế cho thấy, nhiều hồ sơ dự án của DNNVV trình lên rất sơ sài. Thêm vào đó, vốn chủ sở hữu của nhiều DNNVV rất thấp, chỉ khoảng 1 - 2 tỷ đồng, như vậy, điều kiện này rất khó thuyết phục được ngân hàng cho vay vốn. Để tháo gỡ khó khăn cho các DNNVV, việc cho vay vốn nên được thực hiện thông qua Quỹ Bảo lãnh DNNVV.
Mở ra cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/7/2019) về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV với vốn điều lệ tối thiểu là 2.000 tỷ đồng. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Quỹ hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và có những quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục cho vay đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch.
Quỹ thực hiện chức năng cho vay, tài trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Theo đó, Quỹ trực tiếp cho vay đối với DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị có nhu cầu vay vốn và cho vay gián tiếp đối với DNNVV thông qua giao vốn cho ngân hàng thương mại.
Cụ thể, Nghị định quy định DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị phải có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư của dự án, đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định pháp luật. Lãi suất cho vay trực tiếp của Quỹ bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại, mức thấp nhất của lãi suất cho vay thương mại được xác định trên cơ sở so sánh lãi suất cho vay của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và tổng tài sản lớn nhất tại thời điểm xác định lãi suất cho vay của Quỹ. Tuy nhiên, mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án. Tổng mức cho vay của Quỹ đối với một DNNVV không được vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của Quỹ, thời hạn cho vay tối đa không quá 7 năm.
Ngoài chức năng cho vay đối với DNNVV, Quỹ còn tiếp nhận và quản lý nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ DNNVV. Trong đó, Quỹ tài trợ vốn cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thông qua phương thức cấp vốn không hoàn lại từ nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân hoặc vốn bổ sung từ kết quả hoạt động của Quỹ. Điều kiện được đặt ra là DN phải có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Mức tài trợ vốn được quy định không quá 1 tỷ đồng cho một dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nhưng không quá 50% vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị.
Để hỗ trợ DNNVV sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, Nghị định cũng quy định Quỹ thực hiện các hoạt động hỗ trợ tăng cường năng lực cho DNNVV bao gồm: tổ chức hội thảo, truyền thông, đào tạo, tư vấn, xúc tiến đầu tư, thương mại, cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu…
QUỲNH ANH
(Theo Báo Kiểm toán số 20 ra ngày 16/5/2019)