Cần tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội

Xã hội - Ngày đăng : 15:08, 20/05/2019

(BKTO) - Được đánh giá là những trụ cột của hệ thống an sinh xã hội (ASXH), chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) đã và đang thực hiện tốt vai trò bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, để đưa hệ thống ASXH phát triển theo hướng bền vững, các chính sách này cũng cần được đổi mới, mở rộng phạm vi ảnh hưởng đến đời sống xã hội và nền kinh tế hơn nữa.


Tạo dựng hệ thống an sinh xã hội toàn diện, đa dạng

Thông tin về tình hình thực hiện chính sách ASXH tại Việt Nam, TS. Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết, hiện tỷ trọng đầu tư từ NSNN cho ASXH đạt trên 28%, tập trung ưu tiên cho xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, ưu đãi cho người có công, trợ giúp xã hội nhóm yếu thế và đáp ứng một số dịch vụ xã hội cơ bản như: giáo dục, y tế, nước sạch…


Việc đẩy mạnh tuyên truyền, đi đôi với cải cách chính sách BHXH là những giải pháp thiết thực để thu hút đối tượng tham gia BHXH
Hệ thống ASXH được xây dựng và phát triển tương đối toàn diện, đa dạng và hiệu quả. Trong đó, có 4 kết quả quan trọng, đó là: tăng cơ hội việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững; mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia chính sách BHXH, BHYT, BHTN; hỗ trợ thường xuyên đối với người có hoàn cảnh đặc thù và hỗ trợ đột xuất cho người dân khi gặp các rủi ro thông qua các khoản trợ giúp từ ngân sách; tăng cơ hội tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ xã hội cơ bản.

Đặc biệt, theo ông Vinh, trong lĩnh vực BHXH, phạm vi đối tượng tham gia được mở rộng và ngày càng tăng. Nếu như trước đây, đối tượng BHXH của nước ta chỉ bó hẹp trong phạm vi công nhân viên chức nhà nước và lực lượng vũ trang thì nay, lực lượng này đã được mở rộng đến cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên… Các đối tượng chính sách và trẻ em dưới 6 tuổi đều có thẻ BHYT. Nhờ đó, rất nhiều đối tượng trong xã hội được quan tâm và hưởng lợi.

Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cũng cho thấy, chính sách ASXH đã mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Đến hết năm 2018, số người tham gia BHXH trong cả nước đã đạt trên 14,7 triệu người, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHTN đạt trên 12,6 triệu người, chiếm khoảng 26,2% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ BHYT tiếp tục có sự tăng trưởng và đã đạt độ bao phủ 88,5% dân số với trên 83,5 triệu người tham gia BHYT, vượt 3,3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

Số thu về Quỹ BHXH, Quỹ BHYT ước đạt trên 332.000 tỷ đồng, đạt 100,4% so với kế hoạch. Số nợ giảm mạnh so với năm 2017, ở mức thấp nhất từ trước đến nay, bằng 1,7% số phải thu.

Khẳng định vai trò trụ cột của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách ASXH vẫn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Chia sẻ tại Hội thảo “Định hướng chiến lược phát triển và hoàn thiện hệ thống ASXH đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững” do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức mới đây, PGS,TS. Trần Quốc Toản (Hội đồng Lý luận T.Ư) cho rằng, mặc dù được Nhà nước đặc biệt quan tâm song do điều kiện kinh tế - xã hội ở các khu vực, vùng miền còn khó khăn khác nhau nên việc đảm bảo công bằng trong hưởng thụ các dịch vụ xã hội, sự gắn kết giữa quyền lợi và nghĩa vụ vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Điều này làm ảnh hưởng đến chiến lược phát triển và hoàn thiện hệ thống ASXH. “Đơn cử, Nhà nước ban hành chính sách cấp thẻ BHYT miễn phí cho các hộ nghèo và hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các hộ cận nghèo, song mức đóng bảo hiểm thấp, nhu cầu khám, chữa bệnh cao dẫn đến Quỹ BHYT luôn đứng trước nguy cơ bị thâm hụt” - ông Toản dẫn chứng.

Nhiều ý kiến cũng thẳng thắn chỉ ra, mức độ bao phủ của hệ thống ASXH hiện nay còn thấp và bất bình đẳng. Đặc biệt, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp và mục tiêu đến năm 2020 có đến 50% lực lượng lao động tham gia BHXH là một thách thức lớn. Do đó, để khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống ASXH, chính sách BHXH cần tiếp tục được cải cách. Cùng với đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và thấy được lợi ích từ việc tham gia chính sách này sẽ có tác dụng thiết thực trong việc mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia BHXH, trong đó có BHXH tự nguyện.

Bài và ảnh: HẢI ĐĂNG
(Theo Báo Kiểm toán số 20 ra ngày 16/5/2019)