Cần khắc phục hiệu quả những tồn tại, bất cập kéo dài

Đối nội - Ngày đăng : 22:45, 22/05/2019

(BKTO) - Sáng 22/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và NSNN năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2019; quyết toán NSNN năm 2017. Đánh giá cao những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế- xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, song các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều khó khăn, tồn tại đã kéo dài nhiều năm cần sớm có giải pháp khắc phục.


Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu

Các đại biểu đánh giá, năm 2018 là năm đạt được nhiều kết quả tích cực; 12/12 chỉ tiêu đều đạt và vượt, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục có chuyển biến; các lĩnh vực xã hội khác đạt một số kết quả nhất định… Theo các đại biểu, kết quả này là nhờ sự điều hành và việc thực hiện linh hoạt, quyết liệt các biện pháp của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, HĐND các cấp.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngânđánh giá, điểm sáng trong Báo cáo kinh tế- xã hội của Chính phủ là nợ công Việt Nam tới cuối năm 2018 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua (cuối năm 2018, nợ công là 58,4%; nợ Chính phủ 50%). Theo Chủ tịch Quốc hội, kết quả này là do tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% là mức cao nhất trong 11 năm gần đây, chính sách tài khoá tốt, nguồn thu tăng nên áp lực phải huy động thêm để chi ngân sách giảm.
                
   

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên thảo luận tổ- Ảnh: quochoi.vn

   
Về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và NSNN năm 2019, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng nên khi kinh tế thế giới biến động chắc chắn sẽ tác động cả tích cực và tiêu cực tới Việt Nam. Do đó, Chính phủ cần xem xét, đánh giá kỹ tác động tiêu cực. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp năm nay bị ảnh hưởng lớn do thiên tai, dịch bệnh; giá nông sản thấp hơn năm trước sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu của ngành, tỷ trọng của ngành trong GDP đồng thời tác động đến 70% người dân ở khu vực nông thôn và làm nông nghiệp.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong thời gian tới, việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu. Chính phủ cần thực hiện các giải pháp đồng bộ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong dài hạn, đẩy mạnh dự án trọng điểm quốc gia. Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, kiên quyết loại bỏ “giấy phép con”, thu hút có chọn lọc đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài…

Theo đại biểu Quốc hộiHoàng Văn Cường (Hà Nội), động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm qua chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là chính. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2019 nhóm ngành này có tốc độ giảm hơn so với quý I năm trước, giảm mạnh nhất là các ngành công nghiệp điện tử. Quý I/2018 các ngành này tăng 34% nhưng năm nay chỉ tăng 1,9% nhưng vẫn đạt tăng trưởng 6,79% cho thấy kinh tế không bị lệ thuộc quá nhiều vào nhóm ngành mà chúng ta gọi là trụ cột tăng trưởng.

Đại biểu cho rằng, việc nhóm ngành công nghiệp điện tử giảm mạnh là điều đáng phải quan tâm cho tăng trưởng những quý tiếp theo. Tuy nhiên, điều này cũng không quá đáng lo ngại vì chiến tranh Mỹ- Trung căng thẳng thì những tập đoàn trong ngành điện tử được hưởng lợi nhiều nhất. Do đó, triển vọng kinh tế năm 2019 sẽ đạt được mục tiêu đặt ra.

Về dài hạn, đại biểu Cường cho rằng, chúng ta phải tạo ra bứt phá để không chỉ đạt mục tiêu của năm 2019 mà còn phải đạt mục tiêu của cả 5 năm (2016- 2020); đồng thời không dừng lại ở con số về lượng tăng trưởng mà còn phải thay đổi về chất tăng trưởng và tạo ra sự tăng trưởng bứt phá. Vì vậy, vấn đề mấu chốt, trọng tâm chính là ở chỗ cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển DN tư nhân.

Củng cố kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngăn chặn thất thoát trong đầu tư công

Bên cạnh những kết quả tích cực, đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng trước nhiều hạn chế, bất cập đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chậm được khắc phục; nổi lên là tình trạng vi phạm kỷ luật ngân sách; thất thoát, lãng phí trong đầu tư công…

Theo đại biểu Quốc hộiThạch Phước Bình (Trà Vinh), qua cáo của Chính phủ và báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017 của KTNN cho thấy, công tác quản lý ngân sách ở một số bộ, đơn vị, địa phương còn bất cập, hạn chế, trong đó có những bất cập diễn ra từ những năm trước nhưng chưa được khắc phục như: tình trạng chi chuyển nguồn tăng so với năm trước; chi sai định mức chế độ vẫn diễn ra; tình trạng lập, giao dự toán chậm, chưa đúng quy định, hạch toán chưa đúng doanh thu, xác định sai chi phí từ đó nộp thiếu Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Thu nhập DN diễn ra khá phổ biến ở các DN được kiểm toán, đặc biệt là DN ngoài quốc doanh; nợ thuế có xu hướng gia tăng cao so với năm 2016; tình trạng lập và giao dự toán không đúng đối tượng, tỷ lệ; bố trí ngân sách cho dự án không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn…vẫn diễn ra.

Ngoài ra, công tác quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách năm 2017 còn hạn chế như việc thực hiện một số nội dung liên quan đến chính sách tài khóa năm 2017 chưa hiệu quả; cơ cấu thu chưa hợp lý, việc cơ cấu lại chi ngân sách còn chậm, chưa đi vào thực chất, chưa hiệu quả; chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách có xu hướng tăng. Đại biểu Bình kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để củng cố kỷ luật, kỷ cương ngân sách.
                
   

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ- Ảnh: Đ. KHOA

   
Nhấn mạnh tình trạng thất thoát trong đầu tư công rất lớn đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa được khắc phục hiệu quả, đại biểu Quốc hộiNguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu rõ: Thất thoát diễn ra ở 3 dạng. Thứ nhất là đụng đến dự án nào dự án đó cũng đội vốn, có dự án đội vốn gấp 40 lần. Thứ hai là giải ngân vô cùng chậm làm cho hiệu quả đầu tư thấp. Thứ 3 là kéo dài thời gian thực hiện, có những dự án kéo dài không biết đến khi nào xong.

“Chính 3 yếu tố trên dẫn đến thất thoát rất lớn trong đầu tư công. Cử tri rất băn khoăn và kiến nghị Chính phủ phải có giải pháp để sớm hạn chế dần dần và chấm dứt tình trạng này”- đại biểu Cầunói.

Đại biểu Cầu cũng nêu lên những thất thoát trong đầu tư các dự án BOT. Đại biểu dẫn báo cáo của KTNN cho thấy, trong 2 năm (2016-2017) qua kiểm toán đã giảm được 222 năm thu phí và năm 2018 đã giảm được 16,2 năm. Như vậy, riêng về BOT, KTNN đã phát hiện và giảm được 238 năm thu phí. Nếu thu phí BOT trong 238 năm này thì số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đây là thất thoát lớn mà người dân phải gánh chịu. Vì vậy, đại biểu đề nghị phải kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề này.

Hay trong đầu tư theo hình thức BT, vấn đề “đất vàng” trong cổ phần hóa DN, KTNN cũng đã phát hiện rất nhiều sai phạm cho thấy thất thoát tương đối lớn. “Chỉ tính năm 2018, KTNN đã phát hiện và yêu cầu truy thu về NSNN hơn 92 nghìn tỷ đồng. Điều đó chứng tỏ thất thoát tài sản công của chúng ta còn rất lớn - đại biểu đánh giá.

Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia; ưu tiên vốn NSNN cho chương trình giảm nghèo và thực hiện chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Cùng với đó, cần tăng cường sự chủ động và phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương trong xử lý nợ xấu; xử lý tình trạng “tín dụng đen”; kiểm soát tình trạng trốn thuế, chuyển giá ngày càng tinh vi, phức tạp…

Đ. KHOA