Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 15:45, 23/05/2019
(BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, mở đầu phiên làm việc chiều nay (23/5) Quốc hội đã nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN- Ảnh: TTXVN |
Nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu rõ: Việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 18- NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành trung ương khóa XII, Kế hoạch 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị, Kế hoạch 735- KH/ĐĐQH ngày 18/01/2018 của Đảng Đoàn Quốc hội, Nghị quyết 613/2018/UBTVQH14 ngày 13/12/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Việc sửa đổi, bổ sung Luật cũng nhằm đáp ứng yêu cầu thể chế hóa và cụ thể hóa theo hướng đầy đủ, toàn diện, đúng nguyên tắc hoạt động KTNN là độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đã được Hiến pháp quy định; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, duy trì trật tự, kỷ cương và tính nghiêm minh của pháp luật và khắc phục, tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn hoạt động của KTNN hiện nay. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức quốc tế các kiểm toán tối cao (INTOSAI), nhất là về kiểm toán thuế, kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin, các chế tài trong lĩnh vực KTNN,… phù hợp với tình hình và điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.
Làm rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán
Về các nội dung cơ bản của Dự án Luật, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, một trong các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật là quy định về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Thực hiện kết luận của UBTVQH tại Phiên họp thứ 32, KTNN đã chỉnh sửa Dự thảo Luật theo hướng không mở rộng đơn vị được kiểm toán mà quy định làm rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán tại Điều 68, gồm: cơ quan, tổ chức, DN có nghĩa vụ nộp NSNN; cơ quan, tổ chức, DN quản lý, sử dụng, khai thác khoáng sản, đất đai và tài nguyên khác; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và giao cho Tổng KTNN quy định trình tự, thủ tục kiểm tra, đối chiếu trong thực hiện kiểm toán đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, việc làm rõ các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công xuất phát từ nguyên tắc ở đâu có tài chính công, tài sản công thì ở đó phải được kiểm toán việc quản lý, sử dụng đúng quy định pháp luật, tính hiệu lực, hiệu quả và chống thất thoát lãng phí nguồn lực nhà nước. Vì vậy, hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, DN liên quan đều phải được kiểm tra (như các cơ quan, tổ chức, DN được hỗ trợ từ NSNN hoặc hưởng các nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, DN, đầu tư công trình BT, BOT, khai khác khoáng sản, đất đai, đô thị, có nghĩa vụ nộp NSNN).
Khi KTNN tiến hành kiểm toán cơ quan quản lý nhà nước (thuế, tài nguyên, giao thông, xây dựng...) sẽ chọn mẫu kiểm tra, đối chiếu nhằm phát hiện sai phạm, tồn tại, yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước để kiến nghị chấn chỉnh các sai phạm, chống thất thoát tiền và tài sản nhà nước- Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.
Mặt khác, qua thực tiễn hơn 24 năm hoạt động, KTNN thực hiện kiểm tra, đối chiếu các đơn vị liên quan đã phát hiện nhiều sai phạm, truy thu cho NSNN hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đồng thời, qua nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, hầu hết các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới đều kiểm tra các đơn vị, tổ chức, DN trong phạm vi hoạt động mà họ sử dụng tiền và tài sản của Nhà nước. Việc kiểm tra này được quy định tại Luật KTNN của các nước.
Cùng với việc làm rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, để tạo cơ sở pháp lý cho tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân (là đơn vị được kiểm toán hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan) đều có quyền khiếu nại, kiến nghị về kết quả kiểm toán, Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi khoản 2 Điều 7 Luật KTNN năm 2015 theo hướng: Báo cáo kiểm toán của KTNN là căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Đồng thời, sửa đổi khoản 2 Điều 69 về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN theo hướng mở rộng đối tượng được khiếu nại đối với cả tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động KTNN.
Tạo cơ sở pháp lý để KTNN thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng
Theo quy định của Luật PCTN năm 2018, KTNN được xác định là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng. Do đó, để bảo đảm sự thống nhất và tương thích giữa Luật KTNN với Luật PCTN và các luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý để KTNN thực hiện nhiệm vụ về PCTN, Dự thảo Luật bổ sung vào Điều 10 nội dung: Thực hiện nhiệm vụ PCTN theo quy định của pháp luật về PCTN.
Đồng thời, Dự thảo Luật quy định quyền xác minh của KTNN, phương pháp xác minh để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật PCTN. Cụ thể, trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật về PCTN. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, khi nghi ngờ một nội dung nào đó có dấu hiệu tham nhũng thì cần phải được kiểm tra, xác minh, làm rõ. Trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm, KTNN chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Để có cơ sở hướng dẫn chi tiết về trình tự thực hiện, các biện pháp tổ chức xác minh, tránh lạm dụng việc xác minh khi được giao nhiệm vụ, Tổng Kiểm toán Nhà nước cần ban hành quy trình, biện pháp nhằm kiểm tra, xác minh hiệu quả và quản lý Kiểm toán viên nhà nước trong việc thực hiện xác minh.
Bên cạnh đó, để thực hiện tốt yêu cầu của Luật PCTN, Dự thảo Luật quy định thêm căn cứ ban hành quyết định kiểm toán trong trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Việc quy định này phù hợp với Luật PCTN và Luật Thanh tra hiện hành.
Cùng với việc trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, KTNN xây dựng, hoàn thiện Đề án tổ chức, biên chế của KTNN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để báo cáo lại UBTVQH và Bộ Chính trị trên tinh thần tinh giảm bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao chất lượng, năng lực của KTNN, tăng cường hiệu lực, hiệu quả kiểm toán trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và PCTN. |
Một nội dung khác được KTNN đề xuất bổ sung trong Dự thảo Luật đó là quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Theo Tờ trình, Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật, Luật KTNN chưa quy định về thẩm quyền ban hành Thông tư liên tịch của Tổng Kiểm toán Nhà nước nên việc phối hợp giữa KTNN với các cơ quan chức năng trong PCTN gặp nhiều khó khăn, nhất là việc phối hợp giữa KTNN với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong xử lý những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng do KTNN phát hiện và kiến nghị xử lý.
Đồng thời, Luật KTNN hiện hành giới hạn phạm vi ban hành quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ được quy định các chuẩn mực KTNN, quy trình kiểm toán và hồ sơ kiểm toán nên còn gây khó khăn cho hoạt động KTNN. Vì vậy, Dự thảo Luật đề xuất bổ sung quyền hạn của Tổng Kiểm toán Nhà nước đó là “Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là quyết định để quy định chuẩn mực kiểm toán nhà nước, quy trình kiểm toán, hồ sơ kiểm toán, phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng trong tổ chức và hoạt động kiểm toán; ban hành thông tư liên tịch với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để quy định phối hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng.”
Toàn cảnh phiên họp chiều 23/5- Ảnh: TTXVN |
Tạo thuận lợi cho hoạt động KTNN
Tờ trình của KTNN cũng đề nghị bổ sung quy định Kiểm toán viên nhà nước có quyền truy cập vào dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và dữ liệu điện tử quốc gia; yêu cầu đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân có liên quan cùng truy cập phần mềm ứng dụng của đơn vị để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm toán.
Lý giải về quy định này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, thế giới đang thực hiện cuộc cách mạng 4.0, theo đó các hoạt động đều được điện tử hóa, như: hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử, thanh toán điện tử, dữ liệu điện tử. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán sẽ giảm nhân lực, rút ngắn thời gian kiểm toán trực tiếp tại đơn vị, nâng cao hiệu quả kiểm toán.
Nghiên cứu Luật một số nước cũng cho thấy, các nước đều quy định khi thực hiện kiểm toán được phép truy cập, khai thác thông tin hồ sơ, tài liệu cần thiết qua dữ liệu điện tử. Khi khai thác, truy cập thông tin, dữ liệu điện tử, KTNN chịu trách nhiệm đảm bảo tính bảo mật theo quy định tại Điều 8 Luật KTNN.
Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu quả hoạt động và trách nhiệm phối hợp xử lý trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động giữa KTNN và cơ quan thanh tra, kiểm tra trên tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, Dự thảo Luật đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra theo hướng: Các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Kiểm toán nhà nước xử lý trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Trước khi báo cáo Quốc hội, KTNN chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động kiểm toán, thanh tra.
Đáng chú ý, Dự thảo Luật bổ sung quy định chế tài đối với các hành vi vi phạm Luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan, nhằm khắc phục “khoảng trống” pháp lý về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.
Từ thực tế kiểm toán có nhiều trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm Luật KTNN, KTNN đề nghị quy định xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm, như: Không cung cấp tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán; cản trở việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của KTNN và Kiểm toán viên nhà nước- Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu rõ.
Sau nghe khi Tổng Kiểm Nhà nước trình bày Tờ trình, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN.
Năm 2016, 2017, kiểm toán 61 dự án BOT đã giảm 222 năm, riêng kiểm toán các dự án BT, KTNN chỉ ra nhiều sai phạm, giảm thất thoát cho NSNN; có những dự án sau kiểm toán chỉ bằng 39% giá trị BT ban đầu. Đối chiếu, kiểm tra thuế của 4.150 DN ngoài quốc doanh đã truy thu cho ngân sách 3.411 tỷ đồng. Kiểm toán, đối chiếu 329 dự án đất khu đô thị đã kiến nghị xử lý tài chính 7.778 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi NSNN 3.856 tỷ đồng, kiến nghị địa phương xem xét xử lý 3.911 tỷ đồng. Kiểm toán tài nguyên giai đoạn 2014-2016, KTNN đã xác định truy thu thuế tài nguyên tăng thêm 560,6 tỷ đồng và kiến nghị xử lý 1.177,9 tỷ đồng.... Kết quả kiểm toán năm 2018, KTNN đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 92.600 tỷ đồng, trong đó, tăng thu, giảm chi cho NSNN 44.466 tỷ đồng. Qua đối chiếu thuế 2.969 DN ngoài quốc doanh tại 43 địa phương, KTNN xác định tăng thu NSNN 1.684,6 tỷ đồng, kiến nghị giảm lỗ 3.341,5 tỷ đồng. |
Đ. KHOA