Ghi dấu ấn cho hàng Việt sau 10 năm vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Đầu tư - Ngày đăng : 16:00, 24/05/2019

(BKTO)- Xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho hàng Việt đến với người tiêu dùng được ghi nhận là một trong những nỗ lực lớn nhất của ngành Công Thương qua 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.


Đưa hàng Việt phủ khắp cả nước

Nằm trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, từ năm 2010- 2019, Bộ Công Thương đã phê duyệt 946 đề án xúc tiến thương mại nội địa với tổng kinh phí 237,53 tỷ đồng. Các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước tập trung vào nhóm tổ chức hội chợ hàng Việt, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và đào tạo tập huấn về kỹ năng kinh doanh, tổ chức mạng lưới bán lẻ. Các hội chợ tại địa phương đã đóng góp tích cực giúp các DN tiếp cận người tiêu dùng tại thị trường trong nước, quảng bá tới người tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ của DN.
                
   

Hàng Việt ngày càng tăng sự hiện diện trên thị trường nội địa-
   Ảnh: THANH HOÀN

   

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, các hoạt động trên đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp (DN) thực hiện xúc tiến thương mại phát triển thị trường nội địa, đặc biệt tạo lập kênh phân phối, hệ thống bán lẻ ở vùng nông thôn, miền núi, biên giới, các địa phương còn khó khăn... để tiếp cận với người tiêu dùng, quảng bá tới người tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, phong phú, giá cả hợp lý.

Box: 10 năm qua, số lượng DN tham gia các đề án xúc tiến thương mại nội địa của Bộ Công Thương đạt 32.154 lượt, giá trị hợp đồng đạt hơn 340 tỷ đồng, doanh thu bán hàng tại hội chợ và các phiên chợ là hơn 1.422 tỷ đồng. Các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo được tổ chức thường xuyên với quy mô trung bình 10- 20 DN/phiên (khoảng 200- 450 gian hàng), đạt doanh thu trung bình 20 - 50 tỷ đồng.

Từ khi có Cuộc vận động, số lượng các đợt bán hàng Việt về nông thôn tăng lên cả về số lượng và quy mô tùy theo từng địa bàn, đồng thời cũng cho thấy sự chủ động, tích cực, sáng tạo của nhiều tổ chức, DN. Cụ thể, đã có gần 4.000 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 100.000 lượt DN tham gia với hơn 78.000 gian hàng, thu hút hơn 5 triệu lượt người dân địa phương tới tham quan mua sắm và doanh thu mang lại là hơn 64,47 nghìn tỉ đồng.
                
   

Xúc tiến đưa hàng Việt về nông thôn-Ảnh: THANH HOÀN

   

Các Sở Công Thương địa phương cũng đã tổ chức gần 3.000 hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá và đưa sản phẩm tới người tiêu dùng một cách hữu hiệu, qua đó, thay đổi dần thói quen tiêu dùng của người dân, thay đổi nhận thức của DN đối với thị trường trong nước.

Kết nối cung cầu trong nước

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản hỗ trợ người nông dân cũng là vấn đề mà ngành luôn trăn trở. Do đó, từ năm 2010, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương triển khai xây dựng 02 mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại 12 tỉnh, bao gồm mô hình DN- Hợp tác xã- Hộ nông dân ở vùng sản xuất hàng hóa tập trung và mô hình DN- Hộ kinh doanh- Hộ nông dân áp dụng ở vùng sản xuất phân tán.

Đơn cử, tại tỉnh An Giang đã chọn ra 02 sản phẩm chiến lược là lúa và cá tra để đưa vào xây dựng mô hình thí điểm. Với sản phẩm lúa, một DN đủ tiềm lực đã ký hợp đồng với 26 hộ nông dân, tổng diện tích bao tiêu là 75ha. Với mặt hàng cá tra, một DN ký hợp đồng tiêu thụ với 08 hộ, có tổng diện tích mặt nước nuôi cá là 83ha. Kết quả, các hộ trồng lúa đạt năng suất trung bình là 6,1 tấn/ha, trong khi các hộ ngoài mô hình chỉ đạt năng suất trung bình 5,7 tấn/ha, các hộ nuôi cá tra đạt lợi nhuận 3.190 đồng/kg, cao hơn lợi nhuận của các hộ ngoài mô hình (3.150 đồng/kg).

Hay tại tỉnh Bắc Giang, 430 hộ nông dân và một số hộ kinh doanh tham gia trồng dưa chuột bao tử cho doanh thu tăng 38%, lợi nhuận tăng gấp 02 lần; trồng cà chua, doanh thu tăng 34% và lợi nhuận đạt gấp đôi so với trồng các loại rau màu khác.
                
   

Bắc Giang thành công với mô hình sản xuất, kinh doanh dưa chuột bao tử-Ảnh: Sưu tầm

   

Không dừng lại ở việc triển khai mô hình, Bộ Công Thương đã tổ chức kết nối DN tham gia mô hình với các siêu thị (CoopMart, Hapro, Intimex...), để tạo cầu nối tiêu thụ trực tiếp nông sản cho nông dân và cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân, cho đến nay một số DN đã ký thêm được những hợp đồng mới ngoài những hợp đồng đã có từ trước.

Tại các địa phương, hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ DN mở rộng thị trường được các Sở Công Thương tập trung đẩy mạnh triển khai. Theo báo cáo của 56 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 10 năm qua đã tổ chức được hơn 1.000 hội nghị kết nối cung cầu các cấp, từ đó kết nối hàng hóa từ địa phương này đến các địa phương khác, tăng cường sự lưu thông hàng hóa xuyên suốt cả nước.

Giúp hàng Việt vào siêu thị “ngoại”

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, không chỉ tập trung vào thị trường trong nước, những năm gần đây, nhiều chương trình kết nối đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài đã được Bộ Công Thương tập trung triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Các chương trình này được triển khai thông qua Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và Đề án thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020.

Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, Bộ Công Thương đã tổ chức được 6 hội thảo tập huấn và kết nối cho hơn 1.000 DN tham gia. Những sự kiện tiêu biểu đã được tổ chức như tuần hàng trưng bày sản phẩm và kết nối với bộ phận mua hàng của các chuỗi phân phối tại Nhật Bản, Thái Lan, Philippinnes, Pháp, Ý, Hoa Kỳ... Thông qua đó đã góp phần tăng giá trị xuất khẩu hàng Việt của một số DN phân phối ra nước ngoài.
                
   

Aeon luôn tìm nguồn hàng Việt để xuất khẩu sang Nhật Bản-Ảnh: Sưu tầm

   

Minh chứng rõ nét nhất là Aeon- một trong những Tập đoàn tích cực nhất trong việc xuất khẩu hàng Việt vào các hệ thống của Tập đoàn tại nước ngoài. Năm 2016, tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản qua hệ thống Aeon đã đạt 200 triệu USD; năm 2018 khoảng 250 triệu USD. Tháng 10/2018, Bộ Công Thương đã ký biên bản ghi nhớ với Aeon, trong đó đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng Việt vào hệ thống Aeon đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và 1 tỷ USD vào năm 2025. Ngoài ra, Aeon cũng cam kết tăng tỉ lệ hàng Việt Nam bán trong hệ thống Aeon Việt Nam.

Hay với hệ thống siêu thị Big C, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt của Big C hàng năm đều tăng (năm 2012 là 21 triệu USD, năm 2014 là 27 triệu USD, năm 2015 là 30 triệu USD) với hơn 800 mặt hàng từ 60 nhà cung cấp Việt Nam cho 20 đối tác tại 13 nước trên thế giới. Khi Tập đoàn Central Group tiếp quản Big C Việt Nam, kênh xuất khẩu hàng Việt qua hệ thống phân phối của Tập đoàn sang các nước vẫn liên tục được ưu tiên khi kim ngạch năm 2016 và 2017 đều đạt trên 46 triệu USD. Năm 2017, Tập đoàn Central Group đã ký biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương nhằm hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ hàng Việt tại thị trường Việt Nam và nước ngoài…

HỒNG THOAN