Sửa Luật Kiểm toán nhà nước để nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 20:50, 23/05/2019
(BKTO) - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, cần bổ sung vào Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) một số quy định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của KTNN trong việc phòng, chống tham nhũng.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình dự án Luật KTNN. (Ảnh: quochoi.vn)
Chiều ngày 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước và thảo luận tại tổ về dự án Luật này.Trình bày Tờ trình, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Luật đã thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định tại Điều 118 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Đây là văn bản pháp lý quan trọng cho tổ chức, hoạt động của Kiểm toán nhà nước (KTNN), bảo đảm thiết chế KTNN có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; góp phần thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí; phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0, gắn với việc hội nhập quốc tế đòi hỏi nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của KTNN; đồng thời, sau hơn 3 năm thi hành, Luật KTNN bộc lộ một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Đối với nội dung bổ sung để thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, dự thảo Luật bổ sung để KTNN thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Tổng TKNN Hồ Đức Phớc khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 là hết sức cần thiết, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN; đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, duy trì trật tự, kỷ cương và tính nghiêm minh của pháp luật.
Tổng KTNN Hồ Đức Phơc cho biết,để thực hiện tốt yêu cầu của Luật Phòng, chống tham nhũng, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tương thích phù hợp với Luật Thanh tra, cần quy định thêm 01 căn cứ ban hành quyết định kiểm toán trong trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng vào Luật KTNN theo hướng bổ sung căn cứ để ban hành quyết định kiểm toán “Có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.
Cũng theo Tổng TKTNN , trong những năm qua, KTNN thực hiện kiểm tra, đối chiếu các đơn vị liên quan đã phát hiện nhiều sai phạm, truy thu cho Ngân sách nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng. Kết quả kiểm toán năm 2018, KTNN đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 92.600 tỷ đồng, trong đó, tăng thu, giảm chi cho NSNN 44.466 tỷ đồng. Qua đối chiếu thuế 2.969 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 43 địa phương, KTNN xác định tăng thu NSNN 1.684,6 tỷ đồng, kiến nghị giảm lỗ 3.341,5 tỷ đồng.
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho rằng, theo pháp luật thuế hiện hành người nộp thuế tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm nên cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được khoảng 18% trong tổng số các doanh nghiệp nộp thuế. Khoảng 82% đang là khoảng trống chưa được cơ quan nào kiểm tra, phát hiện. Việc trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, hiện làm thất thu lớn ngân sách nhà nước.
Thời gian qua, KTNN đã phát hiện chuyển giá, trốn thuế ở các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, như Unilever, Sabeco,…truy thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng.Tuy nhiên, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cũng cho rằng, KTNN đã gặp không ít các trường hợp đơn vị có hành vi chống đối, không hợp tác, không chấp hành cung cấp tài liệu, gây khó khăn cho hoạt động, như không cung cấp hồ sơ, tài liệu hoặc từ chối làm việc với KTNN; không hợp tác khi Kiểm toán viên nhà nước đến làm việc; không bố trí kế toán, người liên quan làm việc với KTNN...
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc đề nghị có quy định quyền xác minh để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng; bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công trong các vụ án tham nhũng...
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Tài chính và Ngân sách thống nhất cần bổ sung vào Luật KTNN một số quy định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của KTNN trong việc phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên Luật phòng chống tham nhũng, Luật KTNN đã quy định nhiều điều khoản để KTNN thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng nên cần rà soát các điều khoản dự thảo Luật đang bổ sung để hạn chế tối đa việc dẫn chiếu lại các quy định trong Luật phòng chống tham nhũng dẫn đến trùng lặp, không cần thiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách cũng đề nghị, bám sát các nội dung quy định tại chương II, chương III Luật phòng chống tham nhũng để quy định vào dự thảo Luật việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng ngay chính trong cơ quan KTNN; cụ thể hóa các nội dung Luật phòng chống tham nhũng dẫn chiếu là thực hiện theo pháp luật về kiểm toán .
Sau khi nghe nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật này.
Thảo luận tại tổ các đại biểu đã cho ý kiến về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Tổng KTNN; Về chức năng giám định tư pháp, quyền xử phạt vi phạm hành chính cho KTNN…
Về thẩm quyền ban hành VBQPPL của Tổng KTNN, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung thẩm quyền cho Tổng KTNN được ban hành quyết định để quy định phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng trong tổ chức và hoạt động kiểm toán, ký thông tư liên tịch. Đa số ý kiến tán thành việc bổ sung thẩm quyền cho Tổng KTNN ký thông tư liên tịch với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để quy định phối hợp trong công tác phòng chống tham nhũng.
Tuy nhiên cần nghiên cứu để bảo đảm tương thích với Luật ban hành VBQPPL đồng thời không nên đề xuất bổ sung thẩm quyền cho Tổng KTNN ban hành VBQPPL để quy định phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng trong tổ chức và hoạt động kiểm toán vì đây là các văn bản quản lý, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ nội bộ của KTNN; cân nhắc bổ sung thêm quy định Tổng KTNN được ban hành quyết định để hướng dẫn chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong Luật KTNN, Nghị quyết của Quốc hội…vì hiện nay chưa có quy định để văn bản do KTNN ban hành hướng dẫn Luật KTNN là VBQPPL.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức, Dương Ngọc Hải (đoàn TP Hồ Chí Minh) đều cho rằng quy định này là không phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Phạm Phú Quốc bày tỏ lo ngại về việc cho phép kiểm toán viên truy cập dữ liệu điện tử quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán. Đại biểu đề nghị phải quy định rất chặt chẽnội dung này, chẳng hạn như khoanh vùng nội dung, thời gian được phép truy cập và chỉ cho phép truy cập tại nơi làm việc để đảm bảo bí mật quốc gia cũng như bí mật kinh doanh của đơn vị được kiểm toán…
Liên quan đến chức năng giám định tư pháp, các ý kiến cơ bản tán thành, nhưng cũng yêu cầu KTNN chỉ thực hiện được yêu cầu, chứ không áp dụng rộng rãi sẽ tạo ra sự chồng chéo, trùng giẫm với nhiều cơ quan khác có chức năng tương đương.
Theodangcongsan.vn