Thuốc lá gây ra 90% số ca tử vong do ung thư phổi ở Việt Nam

Xã hội - Ngày đăng : 22:05, 26/05/2019

(BKTO) - Ngày 26/5, tại Hà Nội, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31/5) với chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi”.


Phát biểu tại Lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 70% số ca tử vong do ung thư phổi trên toàn cầu. Ở Việt Nam, con số này là 90%. Sử dụng thuốc lá còn là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.Khói thuốc lá cũng là nguyên nhân làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn, gây tàn phế và tử vong cho cả người hút thuốc và người hút thuốc thụ động. Trên toàn cầu, ước tính mỗi năm có tới 165.000 trẻ em tử vong trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp vì hút thuốc thụ động.

Thời gian qua, các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá đang ngày càng được triển khai rộng khắp trên toàn quốc. 63 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá. Nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa nội dung của phòng chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, đưa quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra xử lý vi phạm hành chính về phòng chống tác hại của thuốc lá đã được đẩy mạnh với sự tham gia tích cực của Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Công an, sự tham gia của Thanh tra Bộ Y tế… Cho đến nay, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá tại 3.740 cơ sở trên toàn quốc.

Mặc dù đã có bằng chứng hết sức rõ rệt về tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ, nhưng nhận thức của một bộ phận lớn người dân về tác hại của hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động vẫn còn hạn chế, các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá nhằm bảo vệ sức khoẻ lá phổi vẫn chưa được ưu tiên.
                
   

Các đại biểu truyền đi thông điệp hưởng ứng Tuần lễ không khói thuốc lá

   
Với chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi”, WHO muốn thông tin tới cộng đồng hậu quả của việc sử dụng thuốc lá với sức khỏe con người, nhất là các bệnh về phổi; đồng thời, kêu gọi các quốc gia có những hành động kịp thời, giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Đặc biệt, các chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá nhằm tăng cường nhận thức về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, từ các bệnh ung thư đến các bệnh hô hấp mạn tính và vai trò quan trọng của lá phổi khỏe mạnh đối với sức khỏe con người; kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ủng hộ các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá hiệu quả để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2019 sẽ tập trung làm rõ những tác hại do thuốc lá gây ra đối với sức khỏe lá phổi của người dân trên toàn thế giới. Chẳng hạn, hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 2/3 số ca tử vong do ung thư phổi trên toàn cầu. Hút thuốc thụ động tại nơi làm việc, tại nhà, trong môi trường khép kín... cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi cho người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc. Bỏ thuốc lá giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư phổi...

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến kêu gọi các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực thi luật phòng chống tác hại thuốc lá và tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng ngày thế giới không hút thuốc lá, đồng thời kêu gọi mọi người bỏ thuốc lá vì sức khỏe mỗi người, gia đình và cộng đồng.

Tin và ảnh: Đ. KHOA