Gỡ rào cản cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Đầu tư - Ngày đăng : 10:20, 25/02/2016
(BKTO) - “Các DN trong và ngoài nướcđều đánh giá Việt Nam có triển vọng rất lớn về phát triển nông nghiệp với nhiều sản phẩm nôngsản xuất khẩu hàng đầu thế giới. Thế nhưng tại sao không ai muốn đầu tư vàonông nghiệp?” - đó là băn khoăn của TS. Đặng Kim Sơn -nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp nôngthôn.
DN đầu tư vào nông nghiệp vẫn đang gặp phải nhiều bất cập. Ảnh: TK
Những bất cập từ cơ chế, chính sách
Tại buổi gặp gỡ các DN thành viên “Nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp nông thôn”, nhiều DN đã nêu ra những bất cập về chính sách thu hút đầu tư.
Ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Tập đoàn Geleximco phàn nàn: Khi đầu tư xây dựng Nhà máy giấy An Hòa (Sơn Dương, Tuyên Quang), theo quy hoạch, diện tích lâm trường phục vụ cung cấp nguyên liệu cho sản xuất giấy của nhà máy khoảng 165.000 ha, song trên thực tế thì gần như không có ha nào. Hầu hết các lâm trường đã giao hết đất cho dân, việc đòi lại rất khó vì dân cảm thấy như mất đất của chính mình. Ông Tiền cho rằng, Nhà nước cần có giải pháp để chính sách đi vào cuộc sống thực sự. Đất đai thuộc sơ hữu của thành phần nào thì cần nói rõ. Ví dụ như trường hợp đất lâm trường là của Nhà nước chứ không phải của người dân và ở đây là DN thuê đất để làm ăn hiệu quả hơn.
Sự chậm trễ của các ngành chức năng cũng khiến Công ty cổ phần Nafoods Group (Nghệ An) gặp khó trong xuất khẩu giống chanh leo sang Trung Quốc. Theo đại diện công ty, trước đây công ty đã xây dựng vùng nguyên liệu ở Tây Nguyên nhưng do chi phí vận chuyển nguyên liệu ra Nghệ An chế biến quá lớn nên Nafoods Group (Nghệ An) đã tìm cách xây dựng vùng nguyên liệu ở Quế Phong (Nghệ An) và một số vùng lân cận. Công ty cũng đã phối hợp với DN của Đài Loan sản xuất thành công giống chanh leo sạch bệnh, hiện cũng đã có đơn hàng xuất khẩu 30.000 giống cây chanh leo sang Trung Quốc. Tuy nhiên, do giống chưa được các cơ quan chức năng công nhận chính thức nên còn gặp nhiều khó khăn. Vị này cho rằng, cơ chế rất quan trọng. DN lớn có quan hệ tốt thì được ưu đãi, còn DN nhỏ rất khó tiếp cận được vốn, hay đất đai.
Thúc đẩy hỗ trợ DN phát triển
Các ý kiến nêu trên chỉ là những trường hợp điển hình cho những bất cập mà các DN đầu tư vào nông nghiệp đang gặp phải. Nó đang là rào cản lớn làm chậm lại quá trình phát triển của DN trước sức ép ngày càng mạnh mẽ của quá trình hội nhập. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung thừa nhận, DN tư nhân Việt Nam đi ra thương trường phải đối mặt với quá nhiều thách thức. Phía trước là rào chắn chông gai, đằng sau là bao nhiêu lực cản kéo lại nên không thể phát triển được.
Từ chính sách vĩ mô đến áp dụng vào thực tế sản xuất là một khoảng cách khá xa và không phải chính sách nào cũng đến được với DN. Tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã yêu cầu Cục Trồng trọt công nhận giống chanh leo cho Nafoods Group trong thời gian sớm nhất; Cục Bảo vệ thực vật ngay lập tức phải tháo gỡ “điểm nghẽn” trong việc kiểm dịch giống hoa, cây cảnh nhập khẩu; Tổng cục Thủy sản phối hợp với Tập đoàn Minh Phú nghiên cứu việc xây dựng trại tôm giống, có thể hợp tác với những trại giống công lập có nhiều quỹ đất nhưng hoạt động không hiệu quả…
Có thể thấy, những chỉ đạo mạnh mẽ của Bộ trưởng Cao Đức Phát thể hiện rõ thiện chí của ngành Nông nghiệp mong muốn các DN đầu tư nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, việc giải quyết từng vụ việc không thể là giải pháp cho gốc rễ vấn đề, mà điều quan trọng hơn là Bộ cần tư vấn cho Chính phủ đưa ra được những chính sách sát thực tế, đồng thời tăng cường cải cách thủ tục hành chính để những chính sách đó thực sự đi vào cuộc sống.
THANH TÙNG