Giá điện tăng, tiêu thụ điện liên tiếp lập kỷ lục
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 09:45, 27/05/2019
(BKTO) - Số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho thấy, do tình hình nắng nóng gay gắt trên diện rộng duy trì liên tục ở mức 39 - 40ºC ở miền Bắc và miền Trung những ngày đầu nửa cuối tháng 5/2019, lần đầu tiên trong lịch sử, công suất đầu nguồn của hệ thống điện toàn quốc đã vượt qua con số 36.000 MW. Cụ thể, vào khoảng 13h40 ngày 18/5/2019, công suất hệ thống điện toàn quốc đã đạt tới 36.006 MW, ngoài ra, sản lượng tiêu thụ điện ngày 18/5/2019 của cả nước cũng ghi nhận con số cao kỷ lục ở mức 756,9 triệu kWh.
Tiêu thụ điện tăng cao do nắng nóng
Như vậy, công suất hệ thống điện toàn quốc đã liên tiếp lập kỷ lục mới. Bởi ngay ngày trước đó (17/5/2019), mức tiêu thụ điện toàn hệ thống vừa đạt đỉnh mới, với công suất đỉnh đầu nguồn toàn hệ thống lên tới 35.912 MW; lượng điện năng tiêu thụ đầu nguồn toàn hệ thống điện quốc gia lên đến 755 triệu kWh, chính số liệu này vừa phá kỷ lục, vượt qua mức đỉnh của năm 2018 là 725 triệu kWh vào ngày 03/7/2018.
Trước đó nữa, ngày 24/4/2019 đã được đánh giá là ngày nóng nhất tháng 4, công suất đầu nguồn cực đại toàn hệ thống là 35.703 MW, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước và vượt qua công suất đầu nguồn cực đại toàn hệ thống trong đợt nắng nóng cực đoan nhất năm 2018 (35.118 MW - ngày 03/7/2018). Số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận, phụ tải 4 tháng đầu năm 2019 đã đạt tới 74,35 tỷ kWh, cao hơn 628 triệu kWh so với kế hoạch năm, tăng trưởng 11% so với năm 2018.
Theo ông Vũ Xuân Khu - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, 5 tháng đầu năm chưa phải là thời kỳ cao điểm nắng nóng nhưng hệ thống điện đã ghi nhận lượng điện tiêu thụ tăng cao chưa từng thấy. Dự kiến tháng 5 và 6/2019, phụ tải tiếp tục tăng trưởng cao theo chu kỳ hằng năm, ở mức 42,8 tỷ kWh, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Công suất cực đại dự kiến ở mức 37.000 - 39.000 MW, tăng 11 - 14% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của Elnino, dự báo nước về các tháng 5 và 6 tiếp tục kém tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên…
Nhận định việc vận hành hệ thống điện thời gian tới sẽ gặp nhiều thách thức, Tập đoàn Điện lực đã đề ra một loạt các giải pháp đảm bảo cung ứng điện trong tháng 5 và tháng 6/2019. Theo đó, EVN yêu cầu các đơn vị phát điện trực thuộc nâng cao khả dụng tổ máy, sẵn sàng huy động khi hệ thống có nhu cầu; điều chỉnh huy động thủy điện linh hoạt theo lưu lượng nước về và nhu cầu phụ tải, đảm bảo khả dụng đến cuối mùa khô; đồng thời dự kiến phương thức huy động tối đa các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí khu vực miền Nam, giám sát liên tục đường dây truyền tải để tăng cường công suất từ Bắc vào Nam; đảm bảo khả dụng các nhà máy nhiệt điện dầu và tuabin khí chạy dầu, sẵn sàng huy động khi hệ thống có nhu cầu. Bên cạnh đó, EVN đề xuất giải pháp phải tăng cường công tác điều chỉnh phụ tải điện, hạn chế công suất trong cao điểm; cũng như có sự chung tay với các đơn vị ngoài ngành điện về việc tiết kiệm, sử dụng điện hiệu quả…
Sẽ đề xuất biểu giá bán lẻ điện mới
Sản lượng điện tiêu thụ tăng mạnh trong các đợt nắng nóng có thể khiến các hộ tiêu thụ điện lo lắng nhiều hơn cho “ví tiền” chi trả. Bởi ngay sau khi EVN điều chỉnh giá điện tăng 8,36% từ ngày 20/3, có dư luận phản ánh hoá đơn tiền điện đã tăng mạnh, có gia đình tăng gấp đôi, gấp ba so với trước khi điều chỉnh giá.
Trước vấn đề này, ngay đầu tháng 5/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua; làm rõ đúng, sai, báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2019.
Báo cáo số 3489/BCT-ĐTĐL mà Bộ Công Thương vừa gửi Chính phủ về phương án tăng giá điện theo Nghị quyết số 30/NQ-CP; xây dựng, ban hành và kiểm tra thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán lẻ điện nêu rõ, hoá đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4/2019 tăng là do 3 nguyên nhân: sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao; tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%; kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 3/2019. Từ ngày 20/3 - 04/5 vừa qua, EVN đã tiếp nhận và giải quyết hơn 71.500 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hoá đơn tiền điện; trong đó có hơn 14.500 kiến nghị thắc mắc về chỉ số công tơ, hoá đơn tiền điện. Kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương cho thấy, các thắc mắc đã được trả lời 100%, các khách hàng đều hài lòng, đồng ý với kết quả của EVN.
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo EVN thống kê chi tiết thực tế sử dụng điện của các khách hàng sinh hoạt trên cả nước để nghiên cứu, đề xuất biểu giá bán lẻ điện phù hợp với đại bộ phận khách hàng trên cả nước, đồng thời khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm.
“EVN sẽ tổng hợp số liệu về lượng điện năng tiêu thụ của các khách hàng theo các bậc thang, đánh giá tình hình tiêu thụ thực tế kết hợp nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để báo cáo Bộ Công Thương phương án điều chỉnh bậc thang giá điện sinh hoạt và biểu giá điện, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định” - Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho biết.
H.THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 21 ra ngày 23-5-2019