Khi ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 08:10, 02/06/2016
(BKTO) - Cuối tháng 5 vừa qua,Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã ký và ban hành 1 chỉ thị, 2thông tư. Điểm chung của các chỉ thị, thông tư này là đều có những yêu cầu vàquy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để mởrộng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
NHNN vừa ban hành các Chỉ thị, Thông tư hỗ trợ DN trong bối cảnh nền kinh tế chưa phục hồi được như kỳ vọng. Ảnh: TK
Nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 33/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, ngày 27/5 vừa qua, NHNN đã ban hành Chỉ thị 04/CT-NHNN (Chỉ thị 04), trong đó yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - DN để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho DN trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý kết hợp với việc đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Cùng với Chỉ thị 04, NHNN cũng đã ban hành 2 Thông tư quan trọng liên quan đến hàng loạt DN kinh doanh bất động sản và xuất nhập khẩu. Cụ thể, Thông tư 06/2016/TT-NHNN đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Theo đó, Thông tư quy định hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản tăng từ 150% lên 200% thay vì 250% như dự kiến và được áp lộ trình thực hiện từ ngày 01/01/2017.
Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được giữ nguyên 60% từ nay đến hết năm 2016, sau đó giảm dần xuống 50% từ ngày 01/01/2017 và 40% từ ngày 01/01/2018. Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chưa được như kỳ vọng, quyết định này của NHNN là hoàn toàn phù hợp bởi nếu siết tín dụng bất động sản ngay ở thời điểm này, đầu tư vào bất động sản và tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
Cùng thời điểm trên, Thông tư 07/2016/TT-NHNN cũng đã được NHNN ban hành. Với việc cho phép các DN xuất khẩu được vay ngoại tệ trở lại từ ngày 01/6 đến cuối năm 2016, Thông tư này đã nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia. “Đây là sự chuyển biến tích cực trong điều hành của NHNN. Quy định này tạo điều kiện cho các DN đang hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam, đặc biệt là DN có nhu cầu sử dụng ngoại tệ có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ngoại tệ, tiết giảm được chi phí vay vốn.”- chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình nhận định.
Ngân hàng tích cực hỗ trợ DN
Như vậy, với việc ban hành một loạt các chính sách mới trên, thông điệp mà NHNN hướng tới là lấy DN làm đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho DN đầu tư, đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mới đây. Điều này còn chứng tỏ những nỗ lực của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm tiếp tục giúp Chính phủ thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế và mục tiêu hỗ trợ, phát triển DN đến năm 2020.
Trước đó, ngày 29/4, tại Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với DN, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng đã nhấn mạnh mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Ngay sau Hội nghị này, hưởng ứng lời kêu gọi của Thống đốc, 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng Việt Nam đồng và điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng tốt vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Nhiều ngân hàng cổ phần khác cũng đã công bố mức lãi suất ưu đãi đối với các khoản vay như: Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)…
Động thái giảm lãi suất của các ngân hàng đã giúp mặt bằng lãi suất cho vay được thiết lập lại ở mức hợp lý. Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 5/2016 do Trung tâm nghiên cứu của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) công bố mới đây cho biết, hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm; lãi suất cho vay thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn, 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Mức lãi suất ưu đãi này sẽ giúp DN có thêm điều kiện để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Trung tâm Nghiên cứu BIDV dự báo tín dụng trong quý III/2016 sẽ tăng trưởng khả quan ở mức khoảng 10-11%. Nhiều chuyên gia kỳ vọng cùng với mức lãi suất ưu đãi trên, việc triển khai hiệu quả một loạt các chính sách mà NHNN vừa ban hành sẽ tạo đà cho tín dụng lưu thông trong thời gian tới, góp phần cung ứng vốn cho nền kinh tế, qua đó giúp ngân hàng làm tròn vai trò đồng hành cùng DN.
NGỌC MAI