Quốc hội không quyết định Danh mục dự án đầu tư công trung hạn là bước thụt lùi trong phân bổ ngân sách

Đối nội - Ngày đăng : 15:58, 28/05/2019

(BKTO) - Sáng 28/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, vấn đề thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch Đầu tư công trung hạn (ĐTCTH) được các đại biểu thảo luận sôi nổi.


Giao Chính phủ quyết định danh mục dự án ĐTCTH để bảo đảm linh hoạt, hiệu quả

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật, vấn đề thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch ĐTCTH là nội dung còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xin ý kiến đại biểu Quốc hội theo 2 phương án.

Phương án 1, UBTVQH và nhiều đại biểu Quốc hôi đề nghị quy định: Quốc hội quyết định Kế hoạch ĐTCTH bao gồm tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án chi đầu tư từ ngân sách trung ương theo đúng tinh thần của Hiến pháp.

Theo UBTVQH, danh mục, mức vốn của các dự án đầu tư công là phần cốt lõi trong Kế hoạch ĐTCTH. Đây là vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến phân bổ tổng nguồn lực NSNN rất lớn trong cả 5 năm; có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội, an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia. Vì vậy, nội dung này cần phải được Quốc hội xem xét, quyết định.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi)- Ảnh: quochoi.vn

   

Bên cạnh đó, việc quy định Quốc hội xem xét, quyết định danh mục là nhằm bảo đảm thể hiện đầy đủ tinh thần Hiến pháp về vai trò của Quốc hội trong quyết định ngân sách; bảo đảm tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật (Luật NSNN, Luật Đầu tư công hiện hành). Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ Tư Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra chủ trương cơ cấu lại đầu tư công, theo đó cần thực hiện cơ cấu lại đầu tư công gắn với cơ cấu lại tài chính; gắn Kế hoạch ĐTCTH với kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch vay, trả nợ công. Quốc hội quyết định kế hoạch tài chính 05 năm và Kế hoạch ĐTCTH là một phần không thể tách rời của Kế hoạch tài chính 05 năm.

Đồng thời, việc trình Quốc hội quyết định danh mục, mức vốn cụ thể cho từng dự án là bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ trong xem xét, quyết định những vấn đề liên quan đến NSNN.

Tuy nhiên, do Quốc hội họp mỗi năm 2 kỳ, trong khi việc hoàn chỉnh danh mục và phân bổ vốn trung hạn thường khó hoàn tất trong một kỳ họp và trong quá trình thực hiện có thể phát sinh trường hợp cần phải điều chỉnh. Vì vậy, để bảo đảm quy định chặt chẽ nhưng linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, UBTVQH xin Quốc hội cho tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội theo hướng: Quốc hội quyết định Kế hoạch ĐTCTH, bao gồm: tổng mức vốn, danh mục, mức vốn của các chương trình, dự án đầu tư công và mức vốn cho nhiệm vụ quy hoạch, chuẩn bị đầu tư thuộc NSTW.

Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Quốc hội có thể giao UBTVQH xem xét, quyết định, điều chỉnh danh mục, mức vốn của từng chương trình, dự án đầu tư công thuộc NSTW trong Kế hoạch ĐTCTH như đã thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Quy định này vừa bảo đảm vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, vừa bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời trong tổ chức thực hiện Kế hoạch ĐTCTH; đồng thời, nhằm luật hóa và bảo đảm tính thống nhất với Nghị quyết số 26/2016/QH14 và Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội (2 Nghị quyết này, Quốc hội đã giao UBTVQH quyết định danh mục).

Đối với phương án 2, Chính phủ và một số đại biểu Quốc hội đề nghị quy định Quốc hội quyết định tổng mức, giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo đúng khung Kế hoạch ĐTCTH được Quốc hội thông qua.

Lý giải về phương án này, báo cáo của UBTVQH cho rằng, quy định Quốc hội quyết định danh mục dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án sẽ dẫn tới mất nhiều thời gian, phát sinh nhiều thủ tục hành chính. Mặt khác, danh mục dự án cần qua nhiều bước để xác định thông tin nên cần có thời gian, nếu có thay đổi sẽ phải thực hiện các thủ tục báo cáo Quốc hội tại kỳ họp; tính linh hoạt trong điều hành Kế hoạch ĐTCTH sẽ hạn chế.

Với số lượng khoảng 9.000 dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, việc Quốc hội phê duyệt, điều chỉnh danh mục, mức vốn cho từng dự án cụ thể là không thực tế và thiếu tính khả thi. Vì vậy, để tăng cường phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính đề nghị giao Chính phủ có thẩm quyền quyết định danh mục dự án, bảo đảm linh hoạt, hiệu quả, sát thực tế trong điều hành Kế hoạch ĐTCTH.

Quyền quyết định danh mục dự án ĐTCTH của Quốc hội đã được Hiến định

Dành nhiều thời gian thảo luận, phân tích về vấn đề này tại phiên họp, đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm không đồng tình với phương án giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án ĐTCTH.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phân tích, Quốc hội phải là cơ quan quyết định danh mục dự án ĐTCTH, bởi việc quyết định danh mục thể hiện quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trước nhân dân đã được quy định trong Hiến pháp.

Theo đại biểu, quyết định danh mục ĐTCTH là vấn đề rất lớn. Trong giai đoạn 2016- 2020 tổng chi NSNN là 8,025 triệu tỷ đồng và riêng chi đầu tư phát triển là 2 triệu tỷ đồng, chiếm 25%. Việc quyết định danh mục đồng nghĩa với việc quyết định phân bổ 2 triệu tỷ và trong tương lai con số đó còn lớn hơn. “Đây là tiền thuế của nhân dân, là nguồn vốn rất lớn. Với vị trí là người đại diện cho nhân dân, Quốc hội không thể không xem xét nội dung này”- đại biểu Mai bày tỏ.
                
   

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu thảo luận- Ảnh: quochoi.vn

   

Cũng theo đại biểu Mai, việc Quốc hội quyết định danh mục đầu tư công trung hạn thể hiện tính thống nhất, tính hợp hiến, hợp pháp. Bởi xét về bản chất thì Kế hoạch ĐTCTH và danh mục kèm theo chính là dự toán cho cả giai đoạn trung hạn dự toán chi đầu tư phát triển. “Nếu giao Chính phủ quyết định danh mục ĐTCTH thì đồng nghĩa với việc giao Chính phủ quyết định dự toán trung hạn. Điều này là không phù hợp với Hiến pháp và dẫn đến ngược quy trình, ngược thẩm quyền, dẫn đến nghịch lý là Quốc hội sẽ phải căn cứ vào danh mục mà Chính phủ đã quyết để ban hành dự toán hàng năm. Điều này là hoàn toàn không hợp lý”- đại biểu phân tích.

Xét về tính công khai, minh bạch, đại biểu Mai cho rằng, chỉ có công khai, minh bạch mới khắc phục được cơ chế xin- cho, mới giảm được gánh nặng cho các địa phương trong đề xuất dự án và việc trình Quốc hội chính là đảm bảo tính công khai, dân chủ, công bằng cho 63 tỉnh thành phố. Các đại biểu Quốc hội có thể trực tiếp tham gia ý kiến vào phương án phân bổ cho địa phương mình.

Đại biểu Mai nhận định: “Nếu Quốc hội không quyết định danh mục sẽ là một bước lùi trong phân bổ ngân sách. Trong lịch sử Quốc hội những năm gần đây, việc phân bổ kế hoạch đầu tư công, việc giao vốn cho các dự án về cơ bản được thực hiện bởi Quốc hội và UBTVQH, nên bây giờ không nên tạo ra tiền lệ khác”.

Xét về mặt logic, theo đại biểu, Quốc hội sẽ không thể thông qua tổng mức đầu tư nếu như không biết nguồn tiền đó được phân bổ cho mục tiêu nào, cho dự án cụ thể nào. Chính vì vậy, việc trình ra Quốc hội chính là căn cứ để Quốc hội xem xét quyết định đầu tư.

Đại biểu cũng chỉ rõ thực tế cho thấy, việc Quốc hội quyết định danh mục ĐTCTH không làm giảm đi tính linh hoạt trong điều hành. Bởi danh mục kế hoạch ĐTCTH không phải là kế hoạch cứng và hoàn toàn có thể điều chỉnh trong những trường hợp cần thiết và đã phân cấp cho UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ. Thực tế 4 năm qua, Chính phủ đã nhiều lần trình UBTVQH điều chỉnh kế hoạch ĐTCTH.

Việc trình Quốc hội cũng không phải là nguyên nhân làm chậm tiến độ dự án. Qua giám sát thực tế cũng như qua báo cáo của Chính phủ cho thấy, nguyên nhân giải ngân chậm, chậm tiến độ dự án là do tổ chức thực hiện, triển khai giải phóng mặt bằng chậm và năng lực nhà thầu hạn chế.
                
   

Đại biểu Lê Thanh Vân phát biểu thảo luận- Ảnh: quochoi.vn

   

Cùng đề cập đến vấn đề này, các đại biểu Quốc hội Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh), Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng không đồng tình với việc giao Chính phủ xem xét, quyết định danh mục dự án ĐTCTH. Đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh, nếu hiểu việc giao Chính phủ quyết định danh mục ĐTCTH là một cách phân cấp là hoàn toàn không đúng.

Theo đại biểu, Hiến pháp quy định tổ chức chính quyền gồm 4 cấp. Trong đó, cấp trung ương được chia thành ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp. Như vậy nếu chuyển quyền của Quốc hội sang Chính phủ trong quyết định danh mục ĐTCTH là việc phân cấp hoàn toàn sai; bởi chỉ có cấp trên phân quyền cho cấp dưới mới gọi là phân cấp.

Mặt khác, việc xem xét, quyết định danh mục ĐTCTH là quyền của Quốc hội đã được Hiến định và được khẳng định trong nhiều đạo luật nên không thể có chuyện chia sẻ quyền của cơ quan quyền lực sang cơ quan điều hành.

Đ. KHOA