Đại biểu Quốc hội đề nghị không điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia

Đối nội - Ngày đăng : 16:55, 28/05/2019

(BKTO) - Thảo luận về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại phiên họp sáng 28/5, liên quan đến vấn đề còn có ý kiến khác nhau là tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, đa số đại biểu Quốc hội thống nhất quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và đề nghị giữ nguyên các tiêu chí về tổng mức đầu tư trong phân loại các dự án như quy định của Luật hiện hành.


Quy định hiện hành không phát sinh vướng mắc

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật của UBTVQH cho biết, về tiêu chí tổng mức đầu tư đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên các tiêu chí về tổng mức đầu tư trong phân loại các dự án như quy định của Luật hiện hành. Một số ý kiến khác cho rằng, việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng là quá cao.

Trong khi đó, Chính phủ và một số đại biểu Quốc hội đề nghị, điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ đồng lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng để phù hợp với thực tiễn.

Quan điểm của UBTVQH là giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định hiện hành. Tuy nhiên, do có nhiều ý kiến khác nhau nên UBTVQH xin ý kiến đai biểu Quốc hội theo hai phương án.

Phương án 1 là giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định hiện hành. Vì, Điều 11 của Luật Đầu tư công hiện hành đã quy định về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp đầu tư công… Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định; tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10 nghìn tỷ đồng và các mức phân loại dự án A, B, C như quy định hiện hành không phát sinh vướng mắc. Ngược lại, nếu điều chỉnh như đề xuất của Chính phủ sẽ gây xáo trộn lớn trong chuyển dịch phân loại, quản lý dự án.

Mặt khác, trong hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và khóa XIV chỉ có 02 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội. Do đó, UBTVQH cho rằng nên giữ quy định của Luật hiện hành để bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn.

Phương án 2 là điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng gấp 2 lần mức hiện hành.

Quốc hội cần kiểm soát việc đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia.

Thảo luận vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định quy định về tiêu chí tổng mức đầu tư đối với dự án quan trọng quốc gia theo Luật hiện hành là không phát sinh vướng mắc, bất cập. Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhấn mạnh, Quốc hội Khoá XIII và Khóa XIV chỉ có hai dự án trình Quốc hội. Một quốc gia đang phát triển mà 10 năm chỉ có hai dự án quan trọng là quá ít, điều chỉnh tăng lên 20.000 tỷ đồng có thể không còn dự án nào trình Quốc hội. “Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà điều chỉnh để Quốc hội không quyết định dự án nào là bất hợp lý. Hơn nữa, trình Quốc hội sẽ có ngay mức vốn và chắc chắn được bố trí đủ vốn, có ngay các chính sách đặc thù”- đại biểu Hàm nói.
                
   

Đại biểu Hoàng Quang Hàm phát biểu thảo luận- Ảnh: quochoi.vn

   
Đại biểu Hàm cũng cho rằng, việc lý giải mức vốn 10.000 tỷ đồng hiện nay bất hợp lý sau đó tính thêm trượt giá, tăng trưởng, dự báo cho tương lai để đưa lên 20.000 tỷ đồng, là không thuyết phục. Theo đại biểu, mức 10.000 tỷ đồng giai đoạn trước là cao vì 10 năm chỉ có 2 dự án đạt tiêu chí quan trọng quốc gia. Vì thế, sẽ là hợp lý nếu giai đoạn trước mức vốn để xác định tiêu chí dự án quan trọng quốc gia chỉ là 5.000 tỷ đồng đến 6.000 tỷ đồng và mỗi một giai đoạn 5 năm có khoảng 2 đến 3 dự án trình Quốc hội. Và bây giờ tính thêm tăng trưởng, trượt giá, dự báo cho tương lai, đưa lên 10.000 tỷ là phù hợp.

Phân tích của đại biểu Hoàng Quang Hàm nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu. Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) nêu quan điểm: Con số 10.000 tỷ đồng đã là những dự án rất lớn cần phải được Quốc hội thông qua để bảo đảm việc theo dõi giám sát tiến độ thực hiện các dự án này; khắc phục dần những bất cập, hạn chế trong thời gian qua trong việc thực hiện dự án công trình trọng điểm quốc gia.

Theo đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nếu lấy 10.000 tỷ đồng so với NSNN cho đầu tư phát triển sẽ thấy tỷ lệ rất cao, do vậy đề nghị giữ nguyên như cũ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cũng đề nghị, Quốc hội phải kiểm soát dự án đầu tư quan trọng quốc gia ở mức 10.000 tỷ đồng; nhất là trong bối cảnh vấn đề kiểm soát nợ công và thâm hụt ngân sách càng ngày càng quan trọng. “Đã đụng tới tài sản công, NSNN thì ở nhiều quốc gia dù vài nghìn, vài chục nghìn hay vài triệu đô cũng là cực kỳ quan trọng, phải kiểm soát chặt chẽ. Chúng ta phải tăng cường kiểm soát tài sản công và đầu tư công đi theo hướng này, đó là một hướng tiến bộ và hết sức cần thiết. Tôi ủng hộ việc giữ nguyên quy định hiện hành và Quốc hội phải kiểm soát việc này”- đại biểu Nghĩa nói.

KIM AN