Kiểm toán thuế cần chú trọng nhiều hơn đến kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:25, 03/06/2019
(BKTO) - Để đảm bảo kiểm toán thuế thực sự hiệu quả, KTNN cần nhận thấy nội dung kiểm toán này có sự gắn kết chặt chẽ với kiểm toán báo cáo tài chính, nhưng nó lại hoàn toàn không giống với kiểm toán báo cáo tài chính.
Kiểm toán báo cáo tài chính là kiểm tra và đánh giá, xác nhận mức độ tin cậy của thông tin kinh tế tài chính. Lẽ tất nhiên, kiểm toán thuế cũng cần kiểm tra, đánh giá và xác nhận mức độ tin cậy của thông tin tài chính về số thuế phải nộp, số đã nộp và số còn phải nộp của các tổ chức kinh tế, các cá nhân; độ tin cậy của các thông tin về số thuế nợ đọng, số thuế thu nhập hoãn lại, số thuế giá trị gia tăng phải hoàn trả và đã hoàn trả cho các DN, tình hình miễn giảm thuế… Tuy nhiên, thuế là khoản đóng góp nghĩa vụ cho NSNN theo quy định của pháp luật để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chính trị của Nhà nước.
PGS,TS. ĐẶNG VĂN THANH |
Kiểm toán cần đánh giá sự tuân thủ luật pháp trên tất cả các khía cạnh của thuế như: đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế và quản lý thuế. Đồng thời, cần triển khai và đi sâu kiểm toán hoạt động, kiểm toán hiệu quả, đánh giá tác động của các sắc thuế đến đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng và tác động của từng sắc thuế đến tăng trưởng và phát triển bền vững của nền kinh tế. Cần hiểu rằng, thuế không chỉ là nguồn thu của Nhà nước mà quan trọng hơn, chính sách thuế phải là công cụ điều tiết vĩ mô, khuyến khích và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Thông qua ý kiến của KTNN để đánh giá tính công bằng, tính hiệu quả, tính khả thi của từng sắc thuế, của đối tượng chịu thuế và thuế suất của từng sắc thuế.
Kiểm toán thuế cần sử dụng linh hoạt các phương pháp kiểm toán trên cơ sở xem xét, đánh giá số thuế phải nộp trong mối quan hệ phổ biến, sự vận động và sự tác động qua lại của các yếu tố liên quan từng sắc thuế. Thu thập và xem xét chứng từ, tài liệu kế toán là cần thiết, nhưng kiểm toán thuế cũng rất cần các phương pháp quan sát, đối chiếu, phân tích và xác định mối liên hệ hữu cơ của các nghiệp vụ kinh tế. Ví dụ, việc kiểm toán thuế nhập khẩu hàng hóa không chỉ dựa vào hay xem xét tên, quy cách hàng hóa và giá cả hàng hóa ghi trên hóa đơn, vận đơn mà cần có những xác minh cần thiết về nguồn gốc, quy cách mẫu mã thực của hàng hóa, trị giá hàng hóa chịu thuế có thể chấp nhận và mã thuế áp cho từng loại hàng hóa nhập khẩu. Khi kiểm toán thuế thu nhập DN cũng vậy, kiểm toán viên không chỉ thuần túy xem xét đánh giá thu nhập (hoặc lợi nhuậ̣n) chịu thuế mà quan trọng hơn là phải xác định đầy đủ doanh thu bán hàng, các khoản thu nhập của DN, các khoản chi phí hợp lý và đầy đủ các chứng minh cần thiết về chi phí bằng văn bản…
PGS,TS. ĐẶNG VĂN THANH
Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam
Theo Báo Kiểm toán số 22 ra ngày 30-5-2019