Khắt khe hơn với ngân hàng khi mua bán, sáp nhập
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 10:20, 25/02/2016
(BKTO) - Vài năm gần đây, thị trường tài chínhđã chứng kiến nhiều thương vụ mua bán, sápnhập (M&A) giữa các ngân hàng với công ty tài chính. Theo các chuyêngia, sân chơinày sẽ tiếp tục được mở rộng hơn nhằm giúp các ngân hàng đẩy mạnh dịch vụ bán lẻ. Tuy nhiên, để có thể thànhlập hoặc sở hữu công ty tài chính, các ngân hàng nhỏ phải tuân thủ những yêucầu khắt khe hơn từ phía Ngânhàng Nhà nước (NHNN).
MB thông qua phương án sáp nhập SDFC nhằm khai thác tiềm năng lớn của thị trường tài chính tiêu dùng. Ảnh: TK
Xu hướng các ngân hàng M&A hoặc thành lập công ty tài chính tiếp tục lan tỏa trong năm 2016 khi mới đây, NHNN đã có quyết định chấp thuận cho sáp nhập Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Quân đội (MB). Theo đó, sau khi hai bên hoàn tất mọi thủ tục bàn giao về tài sản và các thủ tục khác liên quan theo quy định của pháp luật, kể từ ngày 18/3, SDFC sẽ chính thức “về một nhà” với MB. Trước đó, ngày 06/10/2015, trong phiên họp Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường, đại diện MB đã thông qua phương án sáp nhập SDFC và thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng có vốn điều lệ 500 tỷ đồng nhằm khai thác tiềm năng lớn của thị trường tài chính tiêu dùng và hiện thực hóa chiến lược phát triển mảng tín dụng tiêu dùng chuyên biệt của MB.
Trước MB, nhiều ngân hàng khác cũng đã M&A thành công các công ty tài chính nhằm đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng. Minh chứng là hơn 1 năm qua đã có 4 thương vụ M&A thành công, gồm: SDFC sáp nhập vào MB, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank)mua lại Công ty tài chính Dệt may; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) mua lại Công ty tài chính Hóa chất;Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội(SHB) sáp nhập Công ty tài chính Vinaconex - Viettel. Bên cạnh đó, mùa ĐHCĐ năm 2015, một số ngân hàng lớn cũng đã xin ý kiến cổ đông về việc thành lập công ty tài chính. Điển hình, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã trình cổ đông kế hoạch lập công ty tài chính với 3 phương án: mua lại một công ty tài chính trên thị trường hoặc chuyển đổi công ty cho thuê tài chính hiện có thành công ty tài chính tiêu dùng hoặc sẽ thành lập công ty tài chính mới; Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng có ý định chuyển một phần Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) thành Công ty tài chính PG Finance; Ngân hàng Á Châu (ACB) dự kiến thành lập công ty tài chính với mô hình hoạt động gồm tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính và bao thanh toán...
“Bùng nổ” thị trường tín dụng tiêu dùng?
Thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam những năm gần đây được các chuyên gia đánh giá là đã có sự phát triển nhanh chóng. Dự báo, thị trường này sẽ tiếp tục “bùng nổ” trong tương lai với mức tăng bình quân từ 20%/năm đến 30%/năm vào năm 2019. Bởi vậy, đón đầu xu hướng này, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch M&A hoặc thành lập công ty tài chính. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, động thái trên nhằm tăng cường hệ thống bán lẻ, mở rộng dịch vụ tài chính vi mô, trong đó có tài chính cá nhân; qua đó đáp ứng nhu cầu của xã hội, giúp cải thiện cơ cấu kinh doanh, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ tín dụng truyền thống để phát triển những dịch vụ tiềm năng. Còn chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, thông qua việc mua lại các công ty tài chính, ngân hàng dễ dàng chuyển toàn bộ mảng tín dụng tiêu dùng sang công ty tài chính do ngân hàng sở hữu vốn. Điều này giúp ngân hàng tách bạch vay tín dụng thương mại và tín dụng tiêu dùng, đồng thời cũng phù hợp với quy định của NHNN về cho vay tiêu dùng.
Việc các ngân hàng M&A hoặc thành lập công ty tài chính cho thấy xu hướng phát triển mới trong hoạt động cho vay tiêu dùng. Đây còn là biện pháp để các ngân hàng đẩy mạnh dịch vụ bán lẻ trong tương lai. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định: Đối với các ngân hàng có quy mô nhỏ, việc thành lập công ty tài chính không còn dễ dàng bởi từ ngày 08/02/2016, Thông tư số 30/2015/TT-NHNN do NHNN ban hành đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, ngân hàng thương mại phải có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỷ đồng và tuân thủ các quy định về quản trị rủi ro, trích lập dự phòng đầy đủ, không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 2 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính. Ngoài ra, ngân hàng thương mại cũng phải đảm bảo kinh doanh có lãi trong 3 năm tài chính liền kề trước khi xin giấy phép; đồng thời phải cam kết hỗ trợ tài chính để giải quyết khó khăn trong trường hợp công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính khó khăn về vốn hoặc khả năng chi trả, thanh khoản. Đối với ngân hàng nước ngoài, để được thành lập công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính cũng phải đáp ứng một số điều kiện như: có tổng tài sản trên 10 tỷ USD vào cuối năm liền kề trước năm nộp hồ sơ xin cấp giấy phép.
Trên thực tế, số ngân hàng không đạt tiêu chí về quy mô vốn vẫn còn nhiều. Bởi vậy, trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập với khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, để có thể thành lập hay sở hữu công ty tài chính, qua đó đẩy mạnh dịch vụ bán lẻ, mở rộng thị phần, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, vấn đề đặt ra đối với các ngân hàng nội có quy mô nhỏ lúc này là phải tăng tổng tài sản, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định, đáp ứng tốt những yêu cầu khắt khe hơn từ phía NHNN.
NGỌC MAI